Tỉnh Giấc Mộng Dài Mình Chẳng Là Cái Đinh Rỉ Gì Cả

Con chào thầy,
Cũng lâu lâu rồi con không có viết thư gì cho thầy, chỉ thi thoảng có điều gì cần hỏi thì bốc máy gọi luôn để nghe thầy giảng luôn cho nhanh tiện lẹ. Hihi. Bữa rồi có tâm sự với thầy là sắp kỷ niệm 1 năm ngày con gia nhập Lý gia, 1 năm nợ lạy thầy rồi đó thầy, mà do điều kiện mà toàn nghe lại file ghi âm, không có điều kiện tham gia sinh hoạt trực tiếp. Thầy bảo viết bài chia sẻ tâm sự đi còn chờ gì nữa. Hihi. Con viết luôn. Đây cũng là dịp để con nhìn lại quá trình học tập của bản thân con 1 năm qua, chia sẻ những thấy biết của con và mong nhờ thầy cùng HĐTM Lý gia góp ý, bổ khuyết để con tiếp tục tinh tấn trên con đường tu học giáo lý nơi thầy. Làm đệ tử thầy được tròn năm vào ngày 31/12 tới đây nhưng vì điều kiện không cho phép nên con không tham gia sinh hoạt zoom cùng HĐTM được. Và có lẽ con cũng chưa bao giờ có cơ hội chia sẻ cùng thầy và HĐTM Lý gia về bản thân con nên con mong bức thư này sẽ giúp con tâm sự phần nào về mình tới thầy và HĐTM.
Con được sinh ra trong một gia đình trung lưu buôn bán kinh doanh tại Hà Nội. Con là nữ nhi duy nhất trong hơn mười mấy anh chị em họ trong gia đình lớn. Con may mắn có được người mẹ chú trọng vào giáo dục mà con được học tập trong những môi trường học tập tốt từ khi còn nhỏ. Cùng nỗ lực tự thân và môi trường giáo dục mà con cũng có được chút thuận lợi trong học tập và sau này là công việc. Từ khi còn nhỏ và sau này khi lớn lên, con luôn được mọi người dành cho những lời đánh gía và có thể nói là khen ngợi về sự tự lập, mạnh mẽ, quyết đoán và thẳng thắn.
Bản thân con trước kia luôn coi trọng Phật đạo nhưng chưa từng có ý nghĩ là sẽ học Phật đạo và coi đó là cứu cánh. Cho đến khoảng giữa năm 2018, gia đình con gặp biến cố lớn khi con ở xa và gần như không có ai hỗ trợ sẻ chia về mặt tinh thần mà con tìm đến các bài giảng pháp về Buông Xả để giúp tinh thần con dịu lại, tiếp tục con đường học tập và nuôi con. Con đã nghe triền miên trong một thời gian dài, nghe nhiều đến nỗi mà có lúc nghe mà đầu óc tâm trí con vẫn nghĩ đến những việc khác, từ tai nọ ra tai kia mà chẳng có chút tác dụng gì. Rồi công việc bận rộn và các dự định kế hoạch cũng cuốn con đi, dù không còn nghĩ nhiều đến biến cố kia nhưng nó vẫn ở đâu đó trong tâm trí con, chưa hoàn toàn đi vào quá khứ. Vô tình đến khoảng giữa năm 2019, con có đọc được bài Hai vị huynh đệ luận về Buông Xả trên facebook của Phương Anh. Con vẫn nhớ như in lúc đó, đang trong giờ nghỉ trưa tại trường học mà tâm trí con hoàn toàn tĩnh lặng, con có thể tưởng tượng ra con đang đứng trên bờ và mọi sự việc, biến động đã trôi theo dòng nước chảy mà thầy đã mô tả. Dòng tâm thức của con đột nhiên dừng lại và hoàn toàn vắng lặng. Đó là bước khởi đầu để con tìm đọc nhiều hơn các bài giảng của thầy trên trang facebook nhưng quả thực, học đạo với con vẫn còn là điều gì đó xa vời. Con vui mừng vì đã thoát khỏi cửa ải đã đầy đọa con suốt mấy năm trời và cứ ngỡ rằng đó là xong, đã hoàn toàn hài lòng với chút sơ ngộ ban đầu. Nhưng không! Như con đã chia sẻ phía trên, những cái ngợi khen của người đời về bản thân con, lúc thì tự lập, khi thì mạnh mẽ, rồi nhiều nhiều nữa đã khiến con cho rằng đó là mình mà sinh cái tăng thượng mạn, nhưng ở đâu đó trong con thì lại vẫn có cái bóng dáng của ti liệt mạn, thể hiện ra ngoài bằng những cái đấu tranh, phân định hơn thua, đúng sai, được mất, và cho rằng những điều mình nói, mình làm là thể hiện sự thẳng thắn, mạnh mẽ của bản thân. Và rồi, trong những cái đấu tranh hơn thua đó, con được gì, mất gì trong cái thắng của mình và thua của người? Và đâu mới là mình? Nhưng đó mới chỉ là những cái nhân câu hỏi mà trước kia do vẫn ham thích phóng dật ra bên ngoài, chạy theo thấy nghe mà con chưa chăm bẵm tưới bón để tìm câu trả lời.
Đến ngày cuối cùng của năm 2020, sau một thời gian tìm hiểu đạo pháp của thầy và có đôi lần được Phương Anh hỗ trợ, con xin phép được nói chuyện với thầy xin thầy cho gia nhập Lý gia để con được chính thức học tập nơi thầy và các HĐTM. Và thầy đã nhận con dù con vẫn còn nợ thầy 3 lạy. Đến đây con xin sám hối nơi thầy là sau khi gia nhập Lý gia nhưng một khoảng thời gian dài sau đó, đâu đó khoảng 9 tháng, do điều kiện không được sinh hoạt zoom trực tiếp, do công việc và học tập bận rộn cùng lúc, con gần như chỉ nghe lại các file ghi âm, dù có ghi chép lại nhưng con chưa toàn tâm toàn ý vào học tập giáo pháp. Và rồi có lúc cái tâm hối quá hiện lên, sao nghe giáo pháp hoài như vậy mà vẫn sinh tâm sinh pháp, cùng với công việc bộn bề mà có đôi lúc con định tặc lưỡi tự nguyện quay lại 3 cõi. Đây có lẽ cũng là bài học lớn cho con để thay đổi cách học, cách tiếp cận và tư duy để học tập hiệu quả hơn.
Đúng như lời Phật và thầy dạy, "Tự mình thắp đuốc lên mà đi." Đến tháng 10 năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, con mới gửi được sách của thầy sang. Cầm những cuốn sách của thầy trên tay mà con xúc động và tự đặt quyết tâm xây dựng lại lộ trình học tập của mình bài bản, tư duy nghiêm túc và ứng dụng nhuần nhuyễn những điều mình được học, học chậm hiểu sâu. Con dừng nghe các file ghi âm, con tự mình viết ra pháp đồ theo cách hiểu của mình, tự hỏi bản thân những chiều hướng sinh pháp sinh tâm tại mỗi điểm dừng trên pháp đồ, tự nghĩ ra các phương án khác nhau mà kẻ địch có thể tấn công tâm trí của mình tại mỗi điểm, và mình sẽ làm gì để chiến thắng. Lúc thì dùng Chỉ, khi thì dùng Quán. Và quyết tâm không có Tâm hối quá vì đã nhận ra rằng dù lần này mình thua địch nhưng chắc chắn mình đã biết thêm 1 cách để điều phục nó lần sau để giúp mình, sau là giúp người.
Con chọn sách Tâm pháp làm sách gốc vì với con, Tâm pháp là cuôn sách đã giúp con có những sơ ngộ ban đầu. Con ghi chép lại các khái niệm quan trọng trong Phật đạo từ Tâm pháp và liên kết các bài viết của thầy trong các cuốn sách khác để hiểu chặt chẽ từng khai niệm và ứng dụng. Khi không hiểu hoặc tư duy không ra, con gọi thầy hoặc Phương Anh trao đổi luôn.
Con tự đặt ra cách học tư duy triệt để từng khái niệm giáo pháp trong đời sống hàng ngày, quyết tâm tìm kiếm giá trị chân thật của Phật đạo là ở việc giải quyết thực tế cuộc sống, giúp mình và sau là giúp người thành tựu các mục tiêu Phật đạo đề ra. Ví dụ khi đọc và nghiên cứu về Ngũ ấm, Ngũ uẩn, con sẽ chỉ tư duy và quán tâm thức theo khái niệm này, lội ngược dòng lại vì sao tâm minh dao động, vì sao mình sinh pháp trong tình huống này dựa trên ngũ ấm, ngũ uẩn. Mình đang vướng vào điều gì trong 5 món trên và làm sao để thoát khỏi sự trói buộc, che mờ và so sánh trong từng món. Hay như câu kinh "Nơi trí bồ đề chăm chú phát sinh tướng mỏi mệt." con tư duy và ứng dụng cho được trong đời sống và trong quá trình học giáo pháp và quả đúng là sự việc tự nó xoay sở và cảm giác đơ đơ mà con có trong một thời gian cảm giác mình không tiến bộ giáo pháp cũng mất.
Nhờ sự giáo dạy của thầy và các HĐTM mà tự bản thân con cũng nhận ra mình đã có sự tiến bộ rõ rệt, mà như thầy bảo cũng như ông Phật ổng tu 49 ngày thì chắc thực tu 3 ngày, còn lại ông làm việc khác. Hihi.
Trước khi gặp thầy, con tự nhận mình là chuyên gia vệ sinh môi trường. Chuyên hốt rác mà rác ở đây là bao gồm rác tốt và rác đã phân hoại. Chẳng cần biết đúng sai phải quấy, hốt hết về gặm nhấm để sinh cái tâm ngã mạn. Giờ con hết ngu, quyết không để cái gì trói mình, từ vật chất, suy lường, quan điểm, quan niệm.
Trước khi gặp thầy, dù sống ở đất nước văn minh bậc nhất mà con lại sống thiếu văn minh. Chuyên xả rác bừa bãi. Xả rác để trói buộc người rồi tưởng đó là hay. Giờ con đã biết sống văn minh hơn. Con học cách phân thân, tách mình ra khỏi sự việc, quan sát tâm thức và dòng chảy của tâm thức và chỉ nói, làm những điều gì giúp lợi mình lợi người. Quyết tâm chỉ làm quan sát viên quốc tế, không tham chiến trên mọi mặt trận.
Biết được dòng chảy của tâm thức, biết được vì duyên mà sinh ra hiệu ứng nên thay vì bị cuốn theo dòng lũ tâm thức mà con biết cách điều chế dòng chảy, thấy mình như kỹ sư thủy điện lúc nào thích dừng thì dừng, lúc nào cần sinh tâm sinh pháp vẫn cứ sinh để giải quyết việc đời, nhưng thấy mình thật chủ động, thấu suốt trong công việc và đời sống. Thực sự có cảm giác được về nhà, làm chủ bản thân và tâm trí mình.
Trước khi học giáo pháp nơi thầy, nơi con đầy tâm mong cầu, mong những gì tốt nhất cho mình và cho người, làm mọi điều tốt nhất cho mình và cho người và mong cầu được báo đáp, được trả công xứng đáng, được công nhận thế này thế kia. Con cái phải học trường tốt nhất, nền giáo dục tốt nhất, phương pháp giáo dục tiên tiến nhất. Bản thân con học gì làm gì cũng chọn cái nào tốt nhất, xịn nhất, mong đạt được nhiều thành tựu nhất và tốt hơn những người khác. Và chỉ một câu nói của thầy, "Rồi xong sao? Đến cuối cùng rồi thế nào?" Con bừng tỉnh giấc mộng dài và quyết sống một đời sống thiểu dục tri túc, bằng lòng với đời sống hiện tại và những gì mình có. Không cầu, không ham hố. Trong công việc, làm hết lòng hết dạ hết sức nhưng quyết không gửi gắm, nuôi dưỡng tâm hy vọng. Con trở nên an nhiên, vui vẻ, chủ động, sáng tạo và khách quan trong công việc. Câu nói "Mình chẳng là cái đinh rỉ gì cả." thật khiến con sáng mắt.
Nhờ làm người quan sát, không sinh quan điểm quan niệm phân biệt mà con nhận ra phiền não kiết sử lậu hoặc không chừa một ai, một độ tuổi nào từ những đứa trẻ học trò của con cho đến bố mẹ, bạn bè xung quanh con. Con từ việc thông cảm, thấu hiểu rằng mọi hành động lời nói của người khác cũng là do nghiệp thức của họ, không ai cố tình, không ai mong muốn và con muốn giúp người cũng được an vui như mình. Vì mới ở bước sơ ngộ nên dù con có hiểu nhưng cũng vẫn gặp khó khăn trong trình bày giáo pháp. Con phát nguyện quyết tâm học Nhất thiết trí, làm một vị bác sĩ trong Phật pháp để giúp đỡ chúng sanh.
Và lời cuối cùng con muốn gửi gắm đến thầy và các HĐTM Lý gia là sự tri ân sâu sắc. Con cảm ơn thầy đã tạo dựng một gia đình Lý gia với văn hóa vô lậu, nơi mà HĐTM chúng con được đón nhận tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ trên con đường học tập giáo pháp nơi thầy. Có lẽ không ở đâu, không nơi nào trên thế gian này có thể mang lại một nền văn hóa như vậy.
Con cảm ơn thầy đã đọc thư con!
Lý Thu Trang
P/S: Ôi đọc lại bài viết thấy mình làm lắm nghề quá thầy ạ. Tấm hình con chụp vài năm trước mà giờ không cần bịt mắt, bịt tai, bịt miệng để được an vui nữa rồi ạ.
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






