Lý Gia Và Thiền !!!

Tháng 9 27, 2023 - 18:57
 0  294
Lý Gia Và Thiền !!!

Lý Gia Và Thiền !!!
Lý Thái Đăng

Lý gia là một nhóm huynh đệ học tập Phật pháp, dưới sự chỉ dẫn của Đạo Sư Lý Tứ. Giáo dục thiền trong Lý gia được Thầy (Lý Tứ) đặc biệt coi trọng, giáo dạy kỹ càng, đến nơi đến chốn để mỗi học trò khi tham gia vào nhóm học tập Lý gia đều hiểu rõ nguồn cơn và ứng dụng thiền của Phật giáo vào trong đời sống một cách hiệu quả nhất. Nhờ sự giáo dạy của Lão Lý Tam Quái mà “được thiền” trong huynh đệ Lý gia quả thật không nhọc công tốn sức, đơn giản nhẹ nhàng như thức dậy pha trà, uống cà phê đón bình minh vậy.

Cuốn “Phật giáo và Thiền” được Thầy viết từ năm 2010 “coi như một tài liệu mang ý nghĩa giáo khoa đặc trưng của Lý gia” (Lý Tứ), đến năm 2019 cuốn “Phật giáo và Thiền” được xuất bản, phát hành rộng rãi “đã giúp rất nhiều huynh đệ Lý gia thành công trong tu tập” !!!

“Về nội dung, cuốn sách được viết dưới dạng giáo trình dạy và học, nên nó hình thành theo thứ lớp từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ đại cương đến chi tiết, hướng dẫn người học từng bước tu tập cụ thể. Trong đó các khái niệm cơ bản của Phật đạo cũng được cắt nghĩa rõ ràng và khoa học !!!”(Lý Tứ).

Bài kệ “Yếu Chỉ Thiền Na” (được in trong cuốn “Phật giáo và Thiền” tác giả Lý Tứ) như tấm bản đồ và địa bàn giúp người học ứng dụng trong học tập đồng thời là thước đo mẫu mực để phân loại các loại thiền theo cách nhìn của Phật giáo.

Theo cách nhìn của Phật giáo, trong Kinh Lăng Già Phật dạy, có bốn thứ thiền như sau: Ngu phu sở hành thiền; Phan duyên như thiền; Quán sát nghĩa thiền; Như Lai thiền.

Đối với Lý gia  “THIỀN CỦA PHẬT GIÁO” được Thầy cắt giải từ ngữ cũng như phần nội dung rất minh bạch, không dấu diếm một điều gì… cụ thể là xác định mục tiêu rõ ràng, con đường ngắn nhất, phương tiện hiện đại, lời Thầy dạy nhẹ nhàng mà bát nhã, có đầu có đuôi, khúc chiết, ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu:

“Chữ thiền trong Phật giáo, phần lớn mang ý nghĩa “thiền tư” !!! Tức người tu hành ở trong tĩnh lặng tư duy một vấn đề của giáo pháp !!! Khi vấn đề đã được tư duy thấu đáo (như pháp), tâm thức sẽ tự dừng (gọi là định) !!! Từ đó, các thiền chi như hỷ lạc, khinh an...v..v...tự xuất sinh !!!

Trong kinh, Phật dạy có bốn thứ thiền bao gồm của ngoại đạo và của Phật đạo !!! Bốn thứ thiền ấy là:

- Ngu phu sở hành thiền: Đây là loại thiền của ngoại đạo !!! Loại thiền này người ta dùng một sở pháp cột chặt, hoặc dùng sức kiên định bức tử tâm ý để tâm ý không động lay !!! Có thể người ta dùng tưởng để hướng tâm ý thức đến một vị trí trên thân hay ngoài thân mong đạt được hoặc tìm thấy cảnh giới nào đó từ tưởng sinh !!!

- Phan duyên như thiền: Đây là loại thiền của người tu học nhưng không được đạo sư khai thị ý nghĩa của từng pháp trong Phật pháp... Người đó dùng những “hiểu biết không như pháp” của mình, hướng tâm thức theo ý nghĩa mà người ấy cho là đúng đắn !!! Đây cũng là loại thiền tư, nhưng “phi lí tác ý” !!! Vì thế, kết quả của nó là, sau khi thiền tư thành tựu, tà kiến sẽ phát sinh !!!

- Quán sát nghĩa thiền: Đây là loại thiền của những người đã được đạo sư khai thị ý nghĩa đích thực của mỗi pháp !!! Người này dùng “huệ lực” để tư duy đến tận nguồn cơn của pháp ấy !!!

Do sự hiểu biết từ giác lực, do sự thấu đáo từ huệ lực !!! Vị tu hành này trong quá trình thiền tư, từng giác phần của thất giác chi sẽ tiếp nối thành tựu !!! Kết quả của thiền này, khi thành tựu, người tu hành sẽ đặt một chân vào diệt đế !!! Sau đó, sẽ được đạo sư khai thị một lần nữa, vào hẳn diệt đế !!! Cũng có trường hợp, vị ấy “kiến thiệt tế” rồi tiếp tục phát nguyện học trí tuệ ở đạo đế !!!

- Như Lai thiền: Đây là loại thiền tự được của bậc giác ngộ !!!

Nhờ trí tuệ siêu việt !!! Vị này tự tại xuất nhập các thiền thú !!! Vị ấy tuỳ duyên chúng sanh, tự tại xuất nhập Tứ thiền, Bát định, Cửu thứ đệ định, Siêu việt tam muội, Sư tử phấn tấn tam muội, Bát bội xả, cùng các Tam muội môn hay Giải thoát môn của chư Phật ...v..v... để giảng nói, giúp chúng sanh thành tựu như pháp các cảnh giới ấy !!!

Qua những gì phân tích ở trên !!! Chỉ có hai loại thiền là Quán sát nghĩa thiền và Như lai thiền là hai loại thiền chính thống của Phật đạo !!!

Muốn tu tập hai thứ thiền này, người tu hành cần được trang bị những kiến thức cơ bản, phù hợp và chuẩn về giáo pháp cho mỗi đối tượng !!! Vì rằng, mỗi một người tu hành là một căn cơ sai khác, không ai giống ai !!! Các thứ đã được trang bị, làm thành ngọn đuốc giáo pháp... Và, ngọn đuốc Phật pháp phải được làm nên bởi giáo pháp đúng đắn !!!

Thiền tư (hay thiền) của Phật đạo chính là phép tắc dùng ánh sáng từ ngọn đuốc giáo pháp soi rọi vào tâm thức, và kết quả cuối cùng của nó chính là việc đạt được ba mục tiêu của giáo pháp đề ra, đó là: Giác Ngộ - Giải Thoát - Trí tuệ !!! Vì thế, không có ngọn đuốc giáo pháp thật sự, nhất định không thể thành tựu bất kì một quả vị nào của Phật đạo !!!” (Lý Tứ)

Căn cứ lời chỉ dạy của Thầy, “không có ngọn đuốc giáo pháp thật sự” nghĩa là người học chưa phân biệt đâu là ánh sáng phát ra từ “mặt trời trí tuệ” với những thứ ánh sáng khác trong thế gian (không phải từ mặt trời) thông qua lời dạy “Ở đâu có mặt trời, ở đó có ánh sáng !!! Nhưng, không phải ở đâu có ánh sáng ở đó cũng có mặt trời” !!! (Trích Phật Giáo Và Thiền - Lý Tứ). Không biết điều này “nhất định không thể thành tựu bất kì một quả vị nào của Phật đạo” (Lý Tứ)

Phật sử có ghi, trước khi thành bậc Chánh Đẳng Chánh giác, Thái Tử Tất Đạt Đa đã trải qua hai vị thầy dạy thiền, cảnh giới chứng đạt cao nhất lúc đó là “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” nghĩa là nhập định thì dứt tưởng (phi tưởng), xả định thì tưởng hiện (phi phi tưởng), giống như người leo lên đỉnh núi dù muốn bay nhảy ra khỏi đỉnh núi cũng không thoát ra được lực hút của trái đất (hay sự cột trói của một pháp hữu vi, hành uẩn, thức uẩn).

Đối chiếu với năm uẩn cần phải điều phục “sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn”, thì cảnh giới vị thầy cao nhất lúc bấy giờ chỉ có thể chinh phục (gần được) 3/5 nội dung sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn tạm gọi là ba món (3/5) giai không, còn hai món hành uẩn và thức uẩn thì thiền định cao nhất lúc bấy giờ cũng bó tay, nghĩa là dùng phép tu thiền định cao nhất cũng chỉ trở thành công dân trung thành của cõi tưởng (tưởng uẩn), không giúp người tu hành ra khỏi sự cột trói của hành uẩn và thức uẩn.

Nếu không gặp thiện tri thức hướng dẫn, người này định cư ở cõi tưởng, lấy tưởng (uẩn) làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta thì bị tưởng cột trói, tưởng sai sử, lâu ngày không thoát ra được người này trở thành nô lệ của cõi tưởng.

Hành giả mê tưởng, cam chịu sự sai khiến của “ông chủ tưởng” như máy tính bị vi rút chiếm quyền điều khiển… dẫn đến mọi nghĩ suy, hành động, nói năng của hành giả đều không bình thường “nhìn lên thấy phi thường, nhìn xuống thấy tầm thường, nhìn ngang thấy bất thường, gọi là ba trợn” (Lý Tứ).

Hiện tượng “ba trợn” ngự trị trong tâm thức lâu ngày, làm cho mọi cái thấy nghe hay biết, trở thành động lay, điên đảo mà y học ngày nay thường gọi là chứng “thần kinh hoang tưởng” hay bệnh “viêm não ba trợn”.

Từ những bài học quý giá mà Đức Phật đã trải qua được sử sách ghi lại… đã giúp cho người tu hành sau này không nhọc công tốn sức lặp lại những gì mà Đức Phật đã từ bỏ. Ngoại trừ những kẻ thiếu trí, chấp nhứt, ngã mạn, mê mờ, tà kiến, hội chứng đám đông …

Được Thầy khai thị, học trò Lý gia đã thấu tỏ những bài học của Đức Phật rút ra cho hậu thế, chúng con thực hành “dám nhả bỏ những điều mà người đời không dám nhả bỏ, dám nuốt vào những điều chân lý mà thiên hạ không dám nuốt vào” !!!

Nghĩa là chúng con xây dựng thái độ học tập đúng đắn, từ bỏ không thương tiếc về những cách tu, phép tu tốn công vô ích, nhọc công tốn sức, dành cả một đời ép xác khổ hạnh, hành tâm loạn động, trụ pháp cột trói mà chẳng biết đi đâu về đâu chỉ thấy thân tàn, tâm liệt, trí thui chột, ngã mạn càng tăng, chấp nhất cực đoan, đời không ra đời, đạo không ra đạo “ù ù cạc cạc trong cơn tuỳ mộng” (Thích Mật Thể).

Ngược lại, nếu gặp trường hợp hình tướng như con quỷ mà nói ra được câu kệ trí tuệ, tương tự như “Chư hành vô thường; Thị sinh diệt pháp; Sinh diệt diệt diệt dĩ; Tịch diệt vi lạc” thì học trò cũng học theo tấm gương của vị tiên nhân, quỳ lạy sát đất để cầu học cho bằng được đạo trí tuệ.

Đương lai, bài kệ “Yếu chỉ thiền na” của Thầy xuất hiện, mỗi câu mỗi chữ đều như tia nắng mặt trời xua tan bóng đêm của “mây mù luận giải, trận đồ bát quái” về thiền, đưa đường, chỉ lối cho người hữu duyên mưu sinh thoát hiểm, ra khỏi hầm sâu, hang tối, rừng rậm vô minh… Đối với người có đủ duyên lành, chỉ cần bắt gặp hai câu kệ “Xưa nay tâm và ý; Vắng lặng thiền tự sanh” trong bài “Yếu Chỉ Thiền Na” của Thầy cũng có thể chứng ngộ Niết Bàn mà không phải dụng công tốn sức mất thời gian vô ích… Bài kệ được in, ngay từ những trang đầu của cuốn “Phật giáo và thiền” được coi là quyết định nghĩa, là chân lý chỉ đường cho những ai quan tâm đến thiền của Phật giáo.

Theo nguyên tắc chỉ dạy của Thầy (đại ý) “Phật giáo là một nền giáo dục” do vậy giải bài toán “THIỀN CỦA PHẬT GIÁO” cũng phải tôn trọng nguyên tắc của phương pháp giáo dục là Văn Tư Tu, nhằm thay đổi nhận thức.

Quá trình giáo dục dạy và học làm thay đổi nhận thức thì hành vi thay đổi; Hành vi thay đổi như pháp (như lời dạy của Phật) thì đời sống thay đổi; Đời sống thay đổi xuất hiện khinh an, hỷ lạc, định gọi là “được thiền”.

Khi được thiền (thiền tự sanh), pháp xả tự xả, người học biết rằng bài toán đúng trong Phật giáo đã có lời giải chân chánh, kết quả an vui... Ngu mê lầm mỏng lược cho đến chấm dứt, các “mục tiêu chánh pháp” lần lượt xuất hiện gọi là “Quán sát nghĩa thiền”.

Đối chiếu với “Ngu phu sở hành thiền” cho thấy, khi hành giả vượt qua năm triền cái thì xuất hiện năm thiền chi “tầm, tứ, hỷ, lạc, định”, nhưng “định” này phụ thuộc, nương cậy vào một sở pháp nên không đưa đến “tự xả” do vậy, khi hành giả hết dụng công thì “định” trong hành giả hết chỗ bấu víu… tâm cảnh động loạn, chẳng khác đêm hì hục tát nước cạn ao, ngày lại tháo năm vòi chảy vào… dân gian có câu “dã tràng xe cát biển đông; nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.

Thiền tự sanh hay “được thiền” trong Lý gia là kết quả giáo dục của bốn cấp học Khổ đế; Tập đế; Diệt đế; Đạo đế, được Thầy chỉ dạy. Hoàn thành cấp học khổ đế, xuất hiện cảnh giới thiền “hết khổ mà vui”; Hoàn thành cấp học tập đế, xuất hiện cảnh giới thiền “dứt tập mà an vui”; Hoàn thành cấp học diệt đế, xuất hiện cảnh giới thiền “chứng diệt mà mãi vui”; Hoàn thành cấp học đạo đế, xuất hiện cảnh giới thiền “bát nhã mà tự tại”;

Người quan tâm đến thiền của Phật giáo nhận ra “Được Thiền” (vui, an vui, mãi vui, tự tại) là mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo hướng tới, tỏ rõ được nhận thức này có thể coi là lần giác ngộ vô cùng quan trọng làm tiền đề cho việc xây dựng thái độ, tinh tấn học tập Tam Tạng Kinh Điển của Đức Phật.

Tam Tạng Kinh Điển được lưu giữ đến nay có tên là Kinh, Luật, Luận như một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, định hướng cho sự nghiệp giáo dục trong Phật đạo. Ba lần chuyển pháp luân có thể ví như ba lần cải cách giáo dục của Đức Phật trong cuộc đời hoằng pháp, được Thầy chỉ dạy:

“Theo những gì lịch sử ghi lại, trong cuộc đời hoằng hoá của Đức Phật có ba lần chuyển pháp luân như sau !!!

1) Lần thứ nhất tại thành Ba la nại (Varanasi): Phật tuyên thuyết ngũ ấm vô ngã, lập các phương tiện giúp người hết khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc...chứng đạo quả vô lậu và thánh quả xuất thế gian !!!

2) Lần thứ hai tại núi Linh thứu thuộc thành Vương xá (Rajagriha): Lần này, sau khi các đệ tử đã chứng thánh !!! Phật chỉ ra thánh quả chưa phải là đạo quả sau cùng của Phật đạo, mà trí tuệ mới là cốt lõi của Đạo trí tuệ !!! Để giúp các thánh đệ tử nhận ra trí tuệ trong Phật đạo là như thế nào và khiến họ hồi tâm từ bỏ Niết bàn quyền tiểu của thánh quả, phát tâm Vô thượng Bồ đề, phát nguyện độ sanh...Phật đã “giới thiệu” sức rộng sâu không thể nghĩ bàn của Phật tri kiến !!! Ta quen gọi là “khai, thị, ngộ, nhập” Phật tri kiến !!! Đây là lí do vì sao trong hội Pháp Hoa, các đệ tử chưa chứng thánh phải bỏ pháp hội ra đi khi nghe Phật tuyên thuyết Diệu Pháp Liên Hoa (vì ở lại cũng không thể lãnh hội nổi) !!!

3) Lần thứ ba tại thành Câu thi na (Kushinagar): Sau khi ba thừa (Thanh văn, Duyên Giác, Bồ tát) đồng vào Nhất thừa để học Phật tri kiến... Trước thời gian nhập Niết bàn, Phật tuyên thuyết cảnh giới của Đại niết bàn và tuyên thuyết “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh” !!!

Hai tuyên thuyết quan trọng nêu trên, nhằm chỉ rõ cảnh giới Đại niết bàn là cảnh giới tự chứng của chư Phật...Cảnh giới này thường hằng, siêu quá hai khái niệm tu và không tu, vượt khỏi mọi nghĩ bàn của chúng sanh và tam thừa (bất cộng nhân, thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) !!! Chỉ có cảnh giới Đại niết bàn mới viên mãn Phật tánh, Phật tánh bao gồm đầy đủ tám tánh chất siêu việt là: Thường, ngã, lạc, tịnh, từ, bi, hỉ, xả !!! Phật tánh hay tám tính chất siêu việt này, tất cả chúng sanh đều có (nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh) !!!

Có thể nói, ba lần chuyển pháp luân hay ba lần tuyên thuyết về ba tầng nhận thức trong Phật đạo từ thấp lên cao, chính là ba cấp học quan trọng mà một người tu hành muốn thành tựu địa vị sau cùng của Phật đạo nhất định phải trải qua !!! Và nhận thức quan trọng nhất của Phật đạo là “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”, có nghĩa rằng, mọi người, mọi loài đều có khả năng thành Phật, nếu họ quyết tâm học tập... Vì rằng, chủng tử Phật tánh đã có sẵn trong mọi chúng sanh !!!” (Lý Tứ).

May mắn thay cho chúng con đã quay về với gia đình Lý gia, như gã cùng tử về với ngôi nhà trưởng giả. Tai đây chúng con được nuôi lớn bằng pháp thực của vị cha lành trích lọc từ nơi cội nguồn của giáo pháp, nuôi lớn pháp thân cho đàn con từng ngày từng giờ bằng nguồn thực phẩm siêu sạch.

Tuy giữa đêm đông lạnh giá của ba cõi, nhưng ngọn đuốc giáo pháp của Đức Phật đã được Thầy thắp lên, chiếu sáng niềm tin, sưởi ấm tâm trí học trò trong ngôi nhà vô lậu Lý gia.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển lửa thiêng đã được từng bước truyền trao thành công cho thế hệ tiếp theo. “Hạnh phúc quanh ta – Giọt mưa đầu mùa” đã bùng cháy, lan toả yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất.

Những cánh én báo hiệu mùa xuân đã xuất hiện bay lượn trên bầu trời Đạo Pháp, vừng đông hửng sáng, báo hiệu mặt trời trí tuệ đã xuất hiện, hoa giác ngộ đang nở rộ từ vườn nhà Lý gia, ngày đêm phát sóng, hạnh phúc quanh ta đã bay xa, lan toả ngũ phần hương đến những người hữu duyên trên cõi Diêm Phù Đề.

Đối với chúng con, mỗi lời nói từ Thầy phát ra đều là chân thiệt nghĩa, giúp chúng con thành tựu trí tuệ, bình tĩnh, tự tin, vững bước trên con đường đoạn tận khổ đau, hoằng dương chánh pháp.

 “Trước đây trên 2.500 năm chúng sanh đau khổ vì sanh tử như thế nào thì 2.500 năm sau chúng sanh đau khổ cũng giống như vậy, và trước đây chư Hiền Thánh dạy chúng sanh giải quyết đau khổ như thế nào thì bây giờ cũng chỉ giải quyết như vậy, cho tới tận cùng đời vị lai cũng chỉ giải quyết như vậy mới mong đoạn tận khổ đau”. (Trích PG&T – tg Lý Tứ).

Con xin đảnh lễ tri ân công đức giáo dạy của Thầy !!!

Tây nguyên, ngày 27/9/2023

Con, Lý Thái Đăng

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow