Bài Kệ Của Thần Tú Và Huệ Năng

Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ…!!! Vì thế, chỉ có người đã giác ngộ mới thấy được thật nghĩa của Phật đạo, chỉ có người đã giác ngộ mới hiểu hết thâm ý của giáo pháp, chỉ có người đã giác ngộ mới tiếp nhận được giáo pháp của chư Phật.

Tháng 3 13, 2022 - 20:44
Tháng 10 13, 2024 - 07:12
 0  2291
Bài Kệ Của Thần Tú Và Huệ Năng
Lý Tứ Hỏi Đáp Số 41

Các bạn !!!

BQT vừa nhận được câu hỏi của một độc giả có tên là Đạt Ma Ảnh, bạn ấy cho biết là “đang ở hư không nửa đêm”…!!!??? Thật ra, độc giả Đạt Ma Ảnh không chỉ gởi về BQT hai câu hỏi, mà đúng hơn là một lá thư dài, thật dài, tâm sự về chuyện tu hành…!!!

Trong thư, bạn ấy cho biết bản thân có trên 15 năm “tìm thầy học đạo”… !!! Bạn ấy không cho biết học đạo gì? Học với những ai? Nhưng cuối cùng, theo lời Đạt Ma Ảnh thì, “mèo vẫn hoàn mèo”…!!!

Một đoạn bạn ấy viết: “Lý Tứ ơi! Vào trang của cụ, Đạt Ma Ảnh mới nhận ra xưa nay theo bao nhiêu thầy học bao nhiêu đạo, cũng chỉ ôm một mớ văn tự mà không biết thật nghĩa nên chẳng ứng dụng được chi. Càng tu càng nhận thấy cái ngã lớn lên theo thời gian bởi chỉ biết so đọ dòm ngó nhau từng thời khoá công phu, chỉ thấy cái ngã phình ra theo số văn tự đao to búa lớn đã học được nào là có, không, chơn, giả, bản thể, chơn như…v.v… các thứ ấy tích chứa trong bụng như người bị sơ gan cổ trướng, suốt đêm ngồi phì phò hai mắt lim dim mà đau thấu tâm can, chắc hết thuốc chữa quá cụ Lý ạ! Bao nhiêu năm miệt mài, bỏ bao nhiêu công bỏ sức, một sáng thức dậy thấy mặt trời lên mới biết mèo vẫn hoàn mèo”…!!!

Cuối thư Đạt Ma Ảnh viết: “Tôi đã đọc và nghe không biết bao nhiêu bài giảng về hai bài kệ của Thần Tú và Huệ Năng từ những người danh tiếng trong đó có thầy của tôi, nhưng cảm giác họ giảng không lọt lỗ tai, thô thiển như bò nhai rơm khô, cắt nghĩa văn tự một cách may móc, có gì đó gượng ép không lột tả được tâm tình của hai vị cao nhân tiếng tăm từng là đệ tử Ngũ Tổ. Nếu cụ Lý là người sáng đạo, tôi xin nhờ cụ hai điều: Một là cụ vui lòng giảng giải ý nghĩa hai bài kệ của hai cụ nhà ta khác nhau chỗ nào? Hai là cụ cho biết vì sao Ngũ Tổ trao y bát cho Huệ Năng mà không trao cho Thần Tú? Chúc cụ có nhiều bài viết hay làm sáng tỏ ngữ nghĩa của Phật”. 18/6/2020 23:20:15 – Đạt Ma Ảnh – Đang ở hư không nữa đêm.

Các bạn !!!
Đọc tâm sự của Đạt Ma Ảnh, mình rất đồng cảm với bạn ấy…!!! Những gì Đạt Ma Ảnh viết trong thư mình cũng đã bắt gặp ở nhiều người tu hành khác… Tâm tình của họ giống như đoàn người miệt mài “đi tìm miền đất hứa”, nhưng rồi một sớm mai thức dậy, khi đối diện với chính mình, mới bất chợt nhận ra, miền đất hứa chỉ là “chuyện con lừa và bó cỏ”…!!!

Về hai câu hỏi của Đạt Ma Ảnh, mình xin được kiến giải như sau:

Bài kệ của Thượng tọa Thần Tú:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
身 是 菩 提 樹
心 如 明 鏡 臺
時 時 勤 拂 拭
勿 使 惹 塵 埃

Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng:
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺
本 來 無 一 物
何 處 惹 塵 埃

Về hoàn cảnh ra đời của hai bài kệ, mình xin tóm tắt như sau: Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn truyền lại y bát cho người kế thừa. Bèn yêu cầu các đệ tử làm kệ kiến tánh, nếu ai làm được bài kệ thể hiện đúng chỗ giác ngộ thì sẽ truyền y bát…!!! Thần Tú và Huệ Năng đồng trình kệ của mình, sau đó Huệ Năng là người được y bát để trở thành tổ thứ sáu, vì thế mới có tên Lục Tổ Huệ Năng…!!! Các bạn có thể tìm hiểu giai thoại này từ Pháp Bảo Đàn Kinh…!!!

Bài kệ của Thần Tú…!!!
“Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai”

Trong Phật đạo, cụm từ “Bồ Đề Thọ” được người tu hành thường hay nhắc tới với hàm ý chỉ cho “căn nguyên giác ngộ”. Vì ngày xưa Đức Phật nhân ngồi dưới gốc cây này mà trở thành bậc Đại Giác…!!! Vì thế, khi nói đến Bồ Đề Thọ, không chỉ nhằm nói đến tên một loài thực vật vô tri…!!! Mà, trong cụm từ này còn có các nghĩa sâu xa như: Cơ sở giác ngộ, cái gốc của mọi giác ngộ, nơi xuất sinh giác ngộ, mầm mống của giác ngộ, hạt giống giác ngộ…!!!

Do những ý nghĩa của cụm từ Bồ Đề Thọ như đã nêu ở trên…!!! Khi trình kệ cho Ngũ Tổ, Thần Tú đã dùng cụm từ này để đưa ra quan điểm tu tập của mình:

– Thân thị bồ đề thọ: Thân là cơ sở quan trọng để làm nên sự giác ngộ…!!!

– Tâm như minh kính đài: Tâm như một cái đài giương sáng…!!!

– Thời thời thường phất thức: Nếu hàng ngày hàng giờ ta thường phòng hộ, thường điều phục thân tâm ấy…!!!

– Vật sử nhạ trần ai: Nhất định bụi trần (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và các pháp thế gian) không có cơ hội nhiễm trước…!!!

Xét về quan điển tu tập, bài kệ Thần Tú nêu bật quan điểm tu tập của bản thân…!!! Đây là quan điểm cốt lõi của Nhị Thừa, lấy thân và tâm làm cơ sở để thành tựu đạo quả giải thoát sau quá trình tiệm tu…!!!

Về bài kệ của Huệ Năng…!!!
“Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?”

Xét về bản thân, Huệ Năng là một người không biết chữ…!!! Do không biết chữ, nên Huệ Năng chẳng thể làm được thơ, phú… Vì thế, Huệ Năng phải dựa vào bài kệ của Thần Tú, sau đó chỉnh sửa một vài chỗ cho phù hợp tâm cảnh của mình nhằm nêu lên quan điểm cá nhân sau khi sơ ngộ mà trình lên Ngũ Tổ…!!!

Chính việc không biết chữ của Huệ Năng, khi đọc bài kệ của Ngài, người đọc chỉ nên nhìn thấy “tâm cảnh” của tác giả hơn là phân tích văn tự…!!! Vì rằng, văn tự của một người “không biết chữ” khó có thể diễn đạt hết nỗi lòng…!!! Ý nghĩa bài kệ của Huệ Năng như sau:

– Bồ-đề bổn vô thọ: Giác ngộ chẳng đợi học nhiều giáo pháp (chữ thọ ở đây nên hiểu như sự thọ nhận văn tự giáo pháp, sự lâu mau trong tu hành, sự dựa nương vào một cơ sở nào đó của thế gian)…!!!

– Minh kính diệc phi đài: Bởi vì tâm của người giác ngộ như gương sáng, cho dù đặt gương ấy ở vị trí nào gương ấy cũng sáng (cũng tịch tĩnh, thanh lương)…!!!

– Bổn lai vô nhất vật: Vì rằng, gương sáng (tâm người giác ngộ) không chứa các pháp (không một pháp, một cảnh có thể lưu giữ trong cái gương ấy)…!!!

– Hà xứ nhạ trần ai: Vì thế, vô tác, vô động (không cần lau chùi, công phu, phòng hộ) mà bụi trần (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu cùng các pháp thế gian cũng như lục trần) chẳng làm cho lu mờ, hay nhiễm ô…!!!

Xét về quan điểm tu tập: Huệ Năng đã có được sơ ngộ khi nghe kinh Kim Cang trong lúc gánh củi…Vì thế, quan điểm tu học của Huệ Năng rất rõ ràng… Muốn thành tựu Đạo Trí Tuệ, phải giác ngộ trước, chỉ cần một phen giác ngộ, tâm ý tịch tĩnh, vắng lặng, hết nhiễm ô mà không cần phải làm gì hết (vô tác)…!!! Ngũ Tổ cũng đã từng dạy: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”… Câu này có nghĩa rằng, người chưa giác ngộ bổn tâm, chẳng thể học đạo trí tuệ của chư Phật…!!!

Quan điểm tu tập của Huệ Năng thể hiện chỉ thú cốt lõi của Bồ Tát Thừa, chỉ thú này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần tu tập của Nhị Thừa…!!! Một bên chủ trương tu rồi mới giác ngộ, một bên giác ngộ rồi mới tu đạo trí tuệ…!!! Một bên rèn giũa thân tâm để cầu giải thoát, một bên mong giác ngộ thật tướng của thân tâm để “ngũ uẩn giai không”…!!!

Tóm lại, xét hai bài kệ của Thần Tú và Huệ Năng…!!! Ta thấy hai vị có hai quan điểm rõ rệt, một bên thiên về tiệm tu của Nhị Thừa… Một bên thiên về giác ngộ của Bồ Tát…!!! Chính sự khác biệt về quan điểm tu hành chứ không phải ai sai ai đúng, đúng sai tuỳ vào căn cơ, tuỳ vào xu hướng tu tập… Mà sau này, tuy Huệ Năng được y bát làm Tổ thứ sáu…Nhưng, người đương thời vẫn coi Thần Tú là một vị đại sư, danh vọng không thua kém Huệ Năng…Từ đó mới có câu nói: “Nam Năng Bắc Tú”…!!!

Xét đến đây, ta mới thấy sự khác biệt giữa Giáo Tông và Tâm Tông…!!! Giáo Tông lấy giáo làm cơ sở tu tập thân tâm… Tâm Tông lấy trực chỉ nhân tâm (tâm người) làm cơ sở giác ngộ…!!! Cả Giáo Tông và Tâm Tông đều có nhược điểm riêng của nó…!!!

Vì thế, muốn thành tựu Vô Thượng Đạo, phải thành tựu cả Giáo Tông và Tâm Tông như con chim muốn bay được phải đủ hai cánh… Giáo Tông cho ra thuyết thông, Tâm Tông cho ra tông thông…!!! Để minh hoạ cho sự toàn bích khi thành tựu hai thứ này, Phật có dạy như sau: “Ta có hai thứ thông, thuyết thông và tông thông, thuyết dạy kẻ đồng mông (chậm lụt, kém hiểu biết), tông vì người tu hành (người ham ưa giác ngộ)…” !!!

Về câu hỏi vì sao Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng mà không truyền y bát cho Thần Tú…!!!??? Mình xin kiến giải như sau:

Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ…!!! Vì thế, chỉ có người đã giác ngộ mới thấy được thật nghĩa của Phật đạo, chỉ có người đã giác ngộ mới hiểu hết thâm ý của giáo pháp, chỉ có người đã giác ngộ mới tiếp nhận được giáo pháp của chư Phật, chỉ có người đã giác ngộ mới có thể truyền thừa đúng chánh pháp, chỉ có người đã giác ngộ mới dạy người thành tựu tất cả các đạo quả trong Phật đạo, chỉ có người đã giác ngộ mới dành hết tâm nguyện cho chúng sanh, chỉ có người đã giác ngộ khi dạy người mới chẳng phải vì mình (vị ngã)… Và cuối cùng, chỉ có người đã giác ngộ mới có thể dạy người Đạo Giác Ngộ của Chư Phật…!!!

Những điều vừa nêu ở trên, chính là nguyên nhân vì sao Ngũ Tổ chọn Huệ Năng để…gởi…vàng, mà không gởi vàng…cho…Thần…Tú…!!!

Hy vọng, những kiến giải đã nêu, có thể giúp Đạt Ma Ảnh giải toả những thắc mắc về chuyện Thần Tú và Huệ Năng…!!!

Chúc Đạt Ma Ảnh và tất cả bạn đọc an vui, tinh tấn !!!

Rất mong nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!

20/06/2020

LÝ TỨ

- Các bạn có thể gửi câu hỏi theo đường link: https://forms.gle/HooJiZeXLBNokpUx8

- Hoặc đặt câu hỏi trực tiếp từ Website LyTu.Vn

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow