Tản Mạn Trước Vạch Xuất Phát

Tháng 1 6, 2024 - 20:23
 0  72
Tản Mạn Trước Vạch Xuất Phát

Các bạn !!!

Tranh thủ những ngày đầu năm dương lịch 2024, nhưng cũng là những ngày cuối cùng của năm Âm Lịch Quý Mão !!! Trong khoảng giao thời ngắn ngủi chừng trên dưới 30 ngày, chương trình học tập Lý Gia mở rộng đến cộng đồng từ các khoá Hạnh Phúc Quanh Ta - Giọt Mưa Đầu Mùa của năm 2024 cũng vừa khép lại sau những thành công nhất định !!!

Ban Khoa Giáo Lý Gia thay vì chọn cho mình có 30 ngày an nhàn, rảnh rang để đón chào năm mới Giáp Thìn !!! Nhưng không !!! Tất cả đồng ngồi lại, tất cả cùng nhất trí phải lao vào “trận chiến mới” để tạo ra một sản phẩm đột phá, một món quà quý giá dành tặng cộng đồng trước những ngày khai xuân !!!

Từ đây, ý tưởng Lý Gia tổ chức một khoá học ngắn ngày, khoá học đặc biệt mang tính chuyên đề nhằm làm quà xuân kính biếu những người yêu thích Phật pháp, yêu thích Lý Gia…!!! Và, kim cương chính là món quà được chọn !!! Thế là, chuyên đề: “Mối Liên Hệ Giữa Kinh Kim Cang Và Những Vấn Đề Cốt Lõi Của Phật Đạo”, được manh nha từ khí phần, tất bật chuyển sang tướng phần…Rồi, vài ngày nữa viên kim cương ấy, nhất định trở thành thắng khí theo nguyên lí "tam nghiệp phần" của lẽ tự nhiên…!!!

Không chỉ cả Ban Khoa Giáo bận rộn với những buổi họp xây dựng nội dung, kiến tập, thực tập, thảo luận, góp ý…có khi đến tận hơn 12 giờ đêm…!!! Bản thân mình (Lý Tứ) cũng nhận được rất nhiều băn khoăn, thắc mắc từ bạn đọc, từ các học viên có ý định đăng kí tham gia khoá học…!!! Những băn khoăn, thắc mắc ấy xoay quanh một số nội dung chủ yếu sau:

1) Mục tiêu của khoá học là gì ???

2) Người chưa từng biết Phật pháp có học được không ???

3) Tinh thần cốt lõi của Kinh Kim Cang ???

4) Sự khác biệt giữa Kinh Kim Cang và các kinh Giáo Tông ???

Nhìn chung, thắc mắc từ bạn đọc cũng như học viên là rất cần thiết trước khi chúng ta bắt đầu hành trình sáu buổi học thú vị sắp diễn ra…!!!

Các bạn !!!

Phật đạo có bốn hình thức giáo dục tiêu biểu, đó là: Thân giáo, ngôn giáo, tâm giáo và trí giáo !!! Trong bốn hình thức giáo dục này, người xưa tạm chia thành hai khuynh hướng giáo dục dựa vào tâm cơ, trình độ, hoàn cảnh, xu hướng…vv…của người học, ta quen gọi là tuỳ căn, tuỳ cơ, tuỳ thời…gồm Giáo tông và Tâm tông !!! Thân giáo, Ngôn giáo thuộc Giáo tông !!! Tâm giáo, Trí giáo thuộc Tâm tông !!!

Hai khuynh hướng giáo dục vừa nêu hỗ trợ cho nhau, nhằm giúp người học từng thời điểm, từng quả vị…có thể đạt thành kết quả học tập như nguyện…!!! Từ đây, hệ thống kinh sách Phật giáo cũng tạm phân chia thành Giáo Tông và Tâm Tông !!!

Giáo Tông là loại kinh mang tính giáo khoa, học thuật, biện chứng, có trình tự, thứ lớp, giảng giải rành mạch…!!!

Tâm Tông là loại kinh có khuynh hướng “trực chỉ nhân tâm”, tức nhắm ngay tâm người khoan phá, giúp họ tức thời nhận ra cứu cánh nào đó trong quá trình học tập…!!!

Giáo Tông là phương pháp giáo dục giúp người học đi từ nguyên lí đến chứng nhập cứu cánh !!! Tâm Tông là phương pháp giáo dục giúp người chứng nhập cứu cánh trước, học tập nguyên lí sau !!! Vì thế, Giáo Tông và Tâm Tông đều có những ưu, nhược điểm của mình !!! Đơn cử cho hai loại hình giáo dục này là trường hợp của Ngài Tu Bồ Đề và Lục Tổ Huệ Năng khi cùng tiếp cận Kim Cang Kinh !!!

Ngài Tu Bồ Đề, nhờ học tập pháp lành “Đệ Nhất Nghĩa Không” nên chứng được “Đệ Nhất Giải Không” phát sinh “kì tâm”, một thứ tâm “lìa phàm hiển thánh” !!! Tuy kì tâm là thánh tâm !!! Nhưng bản thân Ngài Tu Bồ Để cũng tự biết, tâm ấy chưa phải chỗ bản nhiên rốt ráo tự tại như “chơn tâm” hay “Kim Cang tâm” !!!

Chính nguyên nhân này, ngài Tu Bồ Đề sau một lần khất thực, trong lúc tĩnh toạ, đã phát sinh băn khoăn về chỗ thực chứng của mình, và bạch Phật: “Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát ???” !!! Băn khoăn này, có ý rằng: “Như Lai đã dạy chư Bồ Tát những gì, để rồi các vị ấy có đời sống tự tại và thường được Thế Tôn khen ngợi (chẳng giống cái kì tâm của con) ”…!!!

Và, từ băn khoăn đó, duyên khởi Kinh Kim Cang ra đời…để rồi Tu Bồ Đề trực nhận “cứu cánh bản nhiên không tâm, vô trụ” mới đích thực “vô vi cảnh giới” cần giác ngộ (không phải thứ kì tâm, nửa hữu nửa vô mà mình đã được) !!! Sau trực nhận ấy, đã khiến “Tu Bồ Đề thế luỵ bi khấp” (khóc như mưa) !!! Nước mắt dầm dề của ngài Tu Bồ Đề như một hiển nhiên xuất phát từ thứ hạnh phúc đích thực vỡ oà sau cơn mộng mị !!! Những giọt nước mắt của Ngài chính là hình ảnh một vị thánh tăng đã trực nhận ra, đâu mới là tâm ý “bản nhiên” sau nhiều năm học tập pháp lành !!!

Trái ngược với Tu Bồ Đề !!! Huệ Năng là người trước đây chưa từng học tập, chưa từng biết đến giáo pháp… Trong lúc gánh củi, nghe được câu Kim Cang “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm…Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm”…hai câu này có nghĩa, không nên trụ nơi thấy nghe để sanh tâm (phàm tâm), cũng không nên trụ (bất kì pháp lành nào) để sanh kì tâm (thánh tâm)…!!! Vừa nghe xong, Lục Tổ đã hoát nhiên nhận ra “bản nhiên rỗng rang” của tâm thức (Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai) !!!

Tuy đã nhận ra cứu cánh như vậy (như thị) !!! Nhưng rồi, để biết cứu cánh là gì (tính nguyên lí)…Huệ Năng phải đến Huỳnh Mai cầu học !!! Và, cái đêm lên thất Tổ để một lần nữa được nghe Ngũ Tổ giảng giải Kinh Kim Cang…Bây giờ, Huệ Năng phải kinh ngạc thốt lên: “Nào dè !!! Nào dè…nó…lại…như…vậy !!! Thầy ơi ???!!!" (Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không động lay, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, nào dè tự tánh sẵn đủ công đức, nào dè tự tánh…khi…mê…có…thể…sanh…muôn…pháp…) !!!

Vâng, hình ảnh thảng thốt “nào dè” của Huệ Năng, và hình ảnh “thế luỵ bi khấp” của Tu Bồ Đề ngày nào đồng phát xuất từ Kinh Kim Cang !!! Điều này cho thấy sức khoan phá mãnh liệt của Tâm Tông trong hệ thống giáo pháp !!! Nó như một quả bom có sức công phá mãnh liệt, ngay tức thời huỷ diệt bất kì mọi loại tâm thức của hữu tình, khi tâm đó chưa thật sự chứng nhập cảnh giới vô vi... Cho dù đó là “phàm tâm của Huệ Năng” một người chưa từng một ngày học giáo pháp… hay “kì tâm một vị thánh tăng như Tu Bồ Đề”, người đã từng nhiều năm học tập pháp lành để có được danh hiệu Đệ Nhất Giải Không !!!

Các bạn !!!

Một người được coi là thành tựu trong Phật đạo, phải thành tựu đủ Giáo Tông và Tâm Tông !!! Giáo Tông cho ra thuyết thông và Tâm Tông cho ra tông thông !!!

Thuyết thông và tông thông của Phật đạo như con chim với đôi cánh hoàn hảo !!! Con chim với đôi cánh hoàn hảo mới có thể bay cao, bay xa qua “vô lượng pháp giới sai biệt” !!! Còn, một con chim với đôi cánh khiếm khuyết thì, sẽ bay đến đâu trong ba cõi hữu đầy phiền muộn này !!!???

Chính vì vậy nên Phật đã dạy:

“Ta có hai thứ thông

Thuyết thông và tông thông

Thuyết dạy kẻ đồng mông

Tông vì người tu hành”…!!! (Kinh Lăng Già)

Và, Lục Tổ Huệ Năng cũng đã tuyên thuyết:

“Thuyết thông và tông thông

Như nhật treo hư không

Duy truyền pháp kiến tánh

Xuống thế phá tà tông”…!!! (Pháp Bảo Đàn Kinh)

Kim Cang là bài kinh nằm trong hệ thống Bát Nhã của Phật đạo, nên kinh này có tên Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa !!! Vì là Bát Nhã Ba La Mật Đa nên kinh gồm đủ hai mục tiêu, đó là giúp người học tập thành tựu Kim Cang Tâm và Kim Cang Trí !!!

Kim Cang Tâm hay chơn tâm, không tâm…Là thứ tâm “như hư không”, thuộc về vô vi !!! Nói khác hơn, thành tựu Kim Cang Tâm chính là trở về bản nhiên vô vi không tâm, không pháp !!! Không tâm, không pháp là cảnh giới rốt ráo không !!! Rốt ráo không, không giống cảnh giới không của người tu hành thành tựu kì tâm (hay thánh tâm, tâm không) từ 18 pháp không !!! Vì thế, rốt ráo không hay không tâm mới được ví như kim cương, thứ vật thể rắn chắc không có gì phá hoại được !!!

Từ nền tảng không tâm, người tu hành tiếp tục học tập để thành tựu cảnh giới cao hơn, đó là Kim Cang Trí hay Không trí, Bát Nhã trí !!!

Không trí là thứ trí như hư không !!! Vì là hư không nên trí này có thể tương ưng và khoan phá tất cả mọi loại tâm thức hữu vi của hữu tình !!! Như hư không, có thể tức thì đến bất kì nơi nào có khoảng trống !!!

Một cái không có gì phá hoại được (Kim Cang Tâm) !!! Một cái có năng lực khoan phá tất cả hữu vi tâm của hữu tình (Kim Cang Trí) !!! Chính là hai hình ảnh đặc thù, trái ngược nhau được làm nên bởi Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa !!! Tâm và Trí của Phật đạo là như thế !!! Như thế !!! Các bạn thấy có vi diệu không !!!???

Để có thể hoàn thành Kim Cang Tâm và Kim Cang Trí…Người tu hành phải trải qua năm giai đoạn tu học là: Phát tâm kim cang, Phục tâm kim cang, Minh tâm kim cang, Kiến đáo kim cang và cuối cùng là Xuất đáo kim cang !!!

Phát tâm kim cang đến Minh tâm kim cang như người chiến binh thao luyện trên thao trường, với khiên giáp tốt, không kẻ thù nào có thể xâm hại !!! Kiến đáo kim cang và Xuất đáo kim cang, như tướng quân xuất trận, với cơ trí thâm diệu, trăm trận trăm thắng !!!

Cuối cùng !!! Tuy lí là như vậy !!! Nhưng tất cả đều “tại tâm này” !!! Vô niệm, Vô trụ, Vô đắc mới là tinh thần cốt lõi của Kim cang…!!! Hữu niệm thì, nơi hư không mắt nhặm thấy có hoa đốm !!! Mắt hết bệnh, một phen hoát nhiên, “mộng qua sông đã tỉnh” !!! Bờ này, bờ kia…tất cả đều trong mộng !!! Kim cang là như thế !!! Là như thế các bạn ạ !!!

Đến đây, chắc các bạn đã tự có thể trả lời các câu hỏi:

1) Mục tiêu của khoá học là gì ???

2) Người chưa từng biết Phật pháp có học được không ???

3) Tinh thần cốt lõi của Kinh Kim Cang ???

4) Sự khác biệt giữa Kinh Kim Cang và các kinh Giáo Tông ???

Đôi dòng tản mạn trước vạch xuất phát !!! Hẹn gặp mọi người ngày khai giảng 08/01/2024 !!!

06/01/2024

LÝ TỨ

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow