Tổng Kết Chủ Đề: Trung Đạo

Tổng kết trò chơi trí tuệ số 07.2020 với chủ đề Trung Đạo

Tháng 3 16, 2022 - 23:13
Tháng 7 4, 2022 - 22:05
 0  150
Tổng Kết Chủ Đề: Trung Đạo
Trò Chơi Trí Tuệ Số 07.2020

Các bạn !!!

Sau nửa tháng khởi động TCTT - 07/2020 !!! BQT đã nhận được 19 bài trả lời, cụ thể như sau: 1)Lý Thiện Cảnh, 2)Lý Tâm Pháp, 3)Lý Gia Long, 4)Lý Diệu Âm, 5)Lý Diệu Tâm, 6)Lý Vĩnh Hưng, 7)Lý Hậu Vệ, 8)Lý Thiện Huệ, 9)Lý Liêm, 10)Lý Ngọc Hỷ, 11)Lý Vân Ngô, 12)Lý Thái Đăng, 13)Lý Ngọc Uyên, 14)Lý Diệu Lan, 15)Lý Kim Diễm, 16)Lý Minh Thuỳ, 17)Lý Nguyên Trang, 18)Lý Chơn Thiệt, 19) Lý Lục Vũ...!! 

Có thể nói, đề tài TCTT kì này không hề dễ, thậm chí thuộc loại rất khó !!! Vì rằng, muốn trả lời thoả đáng các câu hỏi, đòi hỏi phải có một nền tảng Phật pháp vững chắc, cũng như thấu suốt một số cảnh giới nhất định của đạo xuất thế !! 

Thế nhưng !!! Một điều không ngờ, đó là hầu hết trả lời của các bạn kì này đều đáp ứng phần lớn các yêu cầu từ câu hỏi đặt ra... Có khác nhau chăng, chỉ khác ở lập luận và cách đặt vấn đề !!! Đây được coi là thắng lợi quan trọng trong học tập của HĐ chúng ta !!! 

Trong số 19 bài trả lời kì này, BQT nhận thấy ngoài những HĐ thường xuyên tham gia các kì TCTT và gặt hái những kết quả tốt trong những lần tổng kết trước đây... Lần này lại có sự tham dự của những HĐ mới, thậm chí có nhiều HĐ lần đầu tham gia !!!

 Theo đánh giá chung, sự chênh lệch giữa các HĐ cũ và mới không lớn lắm !!! Tất nhiên kinh nghiệm trả lời, cách đặt vấn đề, nghệ thuật diễn giải, mức độ thâm sâu... là những điều mà các HĐ mới cần học tập và trau dồi thêm !!! 

Để thay đổi “khẩu vị”, thay vì giới thiệu đến các bạn những bài viết được BQT đánh giá là hay nhất của một kì TCTT như những gì đã làm trước đây !!! Lần này, BQT xin chuyển đến các bạn một số bài viết tiêu biểu của các HĐ Nữ !!! Đây là những HĐ mới nhập môn làm HĐ đệ Lý Gia, trong đó có những vị lần đầu tham gia trả lời một kì TCTT !!!

BQT chân thành cảm ơn các bạn đã tham gia trả lời TCTT kì này !!! Chân thành cảm ơn tất cả bạn đọc đã theo dõi TCTT của Lý Gia !!! Hẹn gặp lại mọi người trong TCTT – 

08/2020 !!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!

30/08/2020

LÝ TỨ 

- SAU ĐÂY LÀ NHỮNG BÀI VIẾT TRẢ LỜI TIÊU BIỂU CỦA NỮ HĐ LÝ GIA !!!

1. Bài viết của Lý Minh Thuỳ 

Kính thầy!

Con xin được tham gia trả lời trò chơi trí tuệ kì này ạ, quả thật thời gian qua vì chuyện học hành con đã xao nhãng, không viết bài và đến khi viết lại lời văn ngượng ngạo, trùng lặp thật khó sửa, con xin cố gắng hơn vào các kì sau ạ. 

1) Người tu hành thành tựu pháp môn nào của Phật đạo mới có thể thể nhập trung đạo ??? Vì sao cần thành tựu pháp môn đó trước, cơ may thể nhập trung đạo mới đến sau ??? Xin giải thích cụ thể ??? 

Trả lời:

Người tu hành muốn thể nhập trung đạo trước hết cần hiểu như thế nào là nghĩa trung đạo, con xin trích lời thầy trong bài viết “Hữu Vô Sơ Yếu Luận” như sau: 

“Thuật ngữ Trung Đạo trong Phật giáo không phải là trung bình cộng của một phép tính, nó lại càng không phải con đường đi ở chính giữa hai biên. Mà Trung Đạo là sự hoạt dụng tối ưu từ hai nghĩa có và không để sinh ra các phương tiện thiện xảo nhất, sự hoạt dụng thiện xảo này, Phật Đạo gọi đó là từ bi. Vì thế mới nói: Muốn vào Nhất thừa và thể nhập Trung Đạo, có hai điều cơ bản mà người tu hành phải tường tận, hai điều này giống như đôi chân của một con người. Đó là hai nghĩa có và không..."

(Trích HỮU VÔ SƠ YẾU LUẬN - Anh Lạc Luận I-Tác Giả LÝ TỨ). 

Như khái niệm ở trên, ta có thể thấy rằng người tu hành cần có những điều sau đây, khi những điều này sáng tỏ thì cơ hội thể nhập trung đạo mới có thể sớm đạt được: 

Thứ nhất vị này tường tận hai nghĩa có và không, chỉ có tường tận điều này, trong lòng vị tu hành mới hết các chấp trước nơi hai pháp, khi trong lòng không còn chấp hai pháp (Bất Nhị), vị này sẽ không bị mắc kẹt nơi có, cũng không mắc kẹt nơi không. 

Con rất thích ví dụ của thầy đã minh hoạ cho Trung Đạo, giống như con nhện làm cái mạng giăng lưới bắt mồi, tất cả con mồi đi ngang đều bị dính mắc vào lưới, riêng con nhện vẫn tự tại đi khắp cái mạng lưới. Cái mạng này chẳng thể ngăn ngại con nhện đi khắp mạng lưới của nó, thì cũng vậy vị tu hành luôn tự tại, an ổn nơi trung đạo, lúc bấy giờ mọi pháp phương tiện của vị này mới có thể phát sinh, hoạt dụng trong việc hành bồ tát đạo. 

Thứ hai vị này thành tựu pháp môn “tận vô tận giải thoát” tức là không tận hữu vi, chẳng trụ vô vi. Vì rằng tận hữu vi sẽ không có từ bi và trụ vô vi sẽ không phát sinh trí tuệ.

2) Phật dạy: “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện của “tận hữu vi” ??? Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện thuộc về “trụ vô vi” trong Bồ Tát đạo ??? 

Trả lời:

Để trả lời cho câu hỏi này trước hết con xin trình bày cách hiểu của con về các pháp: “hữu vi” và vô vi và nghĩa của “tận hữu vi” cũng như “trụ vô vi”. 

Hữu vi pháp là các pháp tạo tác làm ra, ở trong một thời điểm hay giai đoạn tu tập nào đó người tu hành có thể cần sử dụng một pháp hữu vi để điều phục tâm ý, nhưng người trụ mãi nơi một pháp và lấy sự thành tựu pháp đó là thành quả của tu tập thì người này chẳng thể giác ngộ vô vi hay nói cách khác là chẳng thể chứng diệt đế rồi viên mãn đạo đế. 

Vô vi là cảnh giới của tịch diệt hữu vi, khi tất cả các pháp hữu vi đều xả bỏ trong vị này thì cảnh giới vô vi hiện ra, đầy đủ tính chất của niết bàn thanh tịnh, thường tịch tĩnh, an lạc.

Như vậy “tận hữu vi” tức là người tu hành muốn loại bỏ hoàn toàn các hữu vi pháp, chê trách các vị tu hành đang sử dụng các pháp này. Và “Trụ vô vi” là khi tâm ý của vị tu hành đang trụ trong cảnh giới niết bàn. 

Trong kinh “Duy Ma Cật” vị bồ tát này đã chê trách tất cả các pháp hữu vi mà các thánh đệ tử của Phật đang tu tập như ngồi thiền, giảng pháp, khất thực, thần thông…khiến cho các vị thánh đệ tử kinh sợ và không muốn luận bàn pháp với ngài Duy Ma Cật nữa… 

Như lúc ngài Mục Kiền Liên thuyết pháp cho các vị cư sĩ, Ngài Duy Ma cật đến và nói rằng :” không nên nói những pháp như vậy, nói pháp phải nói pháp “Như” bởi vì pháp không tướng…Không thọ mệnh… không tướng người…pháp thường vắng lặng…vì nó như hư không…Pháp như vậy làm sao có thể giảng nói được”. 

Hay lúc ngài Ca Chiên Diên giảng nói các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã cho các tỳ kheo, ngài Duy Ma cật đến và nói: “…Ngài không nên dùng tâm hành sinh diệt mà nói pháp thật tướng… Các pháp không sanh không diệt đó là nghĩa vô thường. Ngũ ấm rỗng không có điểm sanh khởi đó là nghĩa khổ, các pháp rốt ráo không, không có nguồn gốc đó là nghĩa không, Ngã và Vô ngã không hai đó mới là nghĩa vô ngã, các pháp không sanh không diệt đó mới là nghĩa tịch diệt”. (Trích kinh Duy Ma Cật, dịch giả Thích Từ Thông)

Khoan bàn đến tính đúng đắn của các lời giảng của ngài Duy Ma Cật với các vị thánh đệ tử, ta có thể thấy sau những lời này các vị thánh đệ tử đều hoảng sợ, dù trong lòng kính phục, nể trọng vị cư sĩ này nhưng khi nghe tin vị Bồ Tát này bị bệnh và được Phật uỷ thác đến thăm, các vị này đều từ chối vì biết rằng không thể đối đáp nổi, cách làm của Duy Ma Cật chưa thể hiện được sự từ bi, từng câu từng chữ của ngài đều khiến người nghe thấy hoang mang về bản thân thì làm sao họ có thể thân cận ngài mà từng bước tu tập giác ngộ được…Hành bồ tát đạo không chỉ cần đến hiểu biết mà còn tới sự linh hoạt trong các pháp, tuỳ tâm cơ, tuỳ thời điểm mà giảng nói mới có thể phát huy được trí tuệ và sự từ bi. Ở đây lời ngài Duy Ma Cật nói, đã đánh thẳng vào chấp trước hữu vi pháp của các thánh đệ tử, điều này là đúng nhưng chưa hợp tâm cơ nên không thể giúp các vị ấy giải thoát, giác ngộ.

Cảnh giới vô vi là nơi không có một pháp nào có được, nơi im bặt của tất cả hữu vi pháp, một vị trụ nơi vô vi thể hiện qua hành động “lặng thing” như cái lặng thing của ngài uy Ma Cật sau khi đại chúng trình bày hiểu biết của mình về pháp môn bất nhị, tuy rằng trong lòng đã không còn hai pháp, chẳng thể diễn đạt bằng bất cứ ngữ ngôn nào, thế nhưng sự im bặt này không thể phát sinh phương tiện, pháp môn nào để độ người. 

3) Vì sao người tu hành muốn thể nhập trung đạo, phải thấm nhuần hai pháp “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Tận hữu vi lỗi gì và trụ vô vi lỗi gì trên con đường tiến về trung đạo ??? 

Trả lời:

Người tu hành muốn thể nhập trung đạo, phải thấm nhuần hai pháp “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” 

bởi vì chỉ khi không kẹt mắc nơi hữu vi hay vô vi thì vị tu hành mới có thể phát huy hết phương tiện thiên xảo vì vạn loại hữu tình. 

Hữu hay vô tự bản thân hai pháp này chẳng có lỗi, lỗi ở đây là vì tâm người u mê, chấp trước, khi bị vô minh ngăn che, toàn tâm người trở thành cõi hữu, hữu ở đây là cái có của phiền não, lậu hoặc, của tham sân si mạn nghi, của tà kiến…của các pháp hữu vi từ đó ba cõi, 25 cõi thành lập. Dứt mê, tự thấu suốt nghĩa không, và khi người rời lìa cả hai pháp hữu vi này, không kẹt nơi hữu cũng chẳng kẹt nơi vô mới thật sự là “Rốt ráo vô”. Ở nơi rốt ráo không này lại hàm chứa nghĩa trung đạo. 

Như các phân tích ở các câu trên, trên con đường tiến về trung đạo “Tận hữu vi“ lỗi là không thể hiện được sự từ bi trong quá trình hành bồ tát đạo, vị tu hành nào mà phủ định và tận diệt mọi pháp hữu vi, cách làm này là cách làm cực đoan, khiến cho những người đã và đang tu tập các pháp hữu vi khó lòng thân cận, gần gũi, không thể giúp họ bằng cách chê trách, phủ định tất cả, điều cốt lõi là phải chỉ ra cho họ con đường đi, dù hữu hay vô đều có thể trở thành phương tiện giúp họ giác ngộ, giải thoát. 

Thế nhưng không thể cứ khuyến khích họ tu tập và đi theo con đường hữu vi, biến tất cả các kết qủa đạt được sau khi tu tập các pháp hữu vi đó trở thành kết quả tu chứng, việc bám chặt vào bất kì pháp nào đều không đem đến giải thoát mà ngược lại còn trở thành gánh nặng trên vai bất cứ vị tu hành nào.

“Trụ vô vi”, nơi vô vi không một pháp nào có được bởi vậy chẳng thể phát huy trí tuệ, người trụ nơi này làm sao có thể phát sinh thiện pháp, thiện phương tiện giúp người giác ngộ.

Một vị thấm nhuần chẳng nên tận hữu vi cũng chẳng trụ nơi vô vi, vị này có thể ở ngay nơi hữu, biến các pháp hữu vi thành thiện pháp, hay nói cách khác là giúp người giác ngộ bằng chính sự kẹt mắc của họ trong các hữu vi pháp đó, dù pháp hữu vi đó có thể là ác pháp, thiện pháp hay bất thiện bất ác pháp, vị thấm nhuần “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” đều có thể tự tại mà sử dụng chúng như một chiếc bè chở người cập bến bờ giác ngộ vậy. 

4) Bản chất (thiệt tướng) của hai pháp hữu và vô là gì ??? Thấu suốt thiệt tướng của hữu và vô, người tu hành sẽ thấy được điều gì sau đó ??? Xin giải thích cụ thể về cái thấy này ??? 

Trả lời:

Tất cả các pháp đều bình đẳng, thiệt tướng của các pháp tự nó chẳng có, tự nó chẳng không hay chẳng phải có chẳng phải không. 

Khi người mê tự pháp đó trở thành pháp có, khi ngộ rồi các pháp có lại trở thành không giống như người mê cảnh giới trên trời, đọc sách, xem phim nghe nói rằng trên trời có tiên nữ bay lượn, có mây vân ngũ sắc, có đền đài cung điện nguy nga lộng lẫy và là nơi các vị tiên nhân ở, người này mê mẩn nằm mơ tưởng tượng mình là vị tiên trên trời, bay lượn trên hư không, ngắm các thiên cảnh, đến khi giật mình thức dậy mới biết đó đó chỉ là mơ, cảnh giới thiên biến mất, thì cũng như vậy, các pháp có, không đều do tâm này mà biến hiện. 

Thấu suốt thiệt tướng của các pháp hữu, vô, vị tu hành sẽ thấy được dù tâm họ mê cái hữu lập tức họ sẽ bị kẹt mắc nơi hữu, tâm vô thì cũng bi kẹt mắc nơi vô, chỉ có thấu suốt thiệt tướng hữu vô đồng vô, thấu suốt cái rốt ráo vô mới có khả năng thể nhập trung đạo, tìm ra con đường giúp mình và người thoát khỏi sự ràng buộc của tất cả các pháp.

Con xin được trích lời thầy trong bài viết “Hữu Vô Sơ Yếu Luận” như sau: 

“Mê cũng tại tâm này, ngộ cũng tại tâm này. Khi mê tâm ấy là ma, ngộ rồi mới biết tâm ấy là Phật !!! Khi mê, toàn tâm là hữu (có), ngộ rồi tâm ấy tự không (vô). Dứt mê dứt ngộ, tâm còn không có, hà huống có hữu với vô. Như vậy, nói hữu hay vô, hữu vô này đều không thật, khi nào không còn thấy có hữu hay vô mới gọi là rốt ráo vô. Vì thế "rốt ráo không" là chân thật ngữ.” 

Bởi vậy người tu hành không chỉ cần hiểu nghĩa các pháp mà cần thấu triệt thiệt tướng của tất cả các pháp, sư thấu triêt này khiến họ tự tại và không còn bị dính mắc vào bất kì pháp nào. 

Con, Lý Minh Thuỳ

 2. Bài viết của Lý Diệu Tâm 

Thưa thầy, con xin phép được trả lời câu hỏi trong Trò chơi trí tuệ 07/2020: 

1) Người tu hành thành tựu pháp môn nào của Phật đạo mới có thể thể nhập trung đạo ??? Vì sao cần thành tựu pháp môn đó trước, cơ may thể nhập trung đạo mới đến sau ??? Xin giải thích cụ thể ???

 Trả lời:

Trung đạo là sự hiểu rõ thấu suốt thiệt tướng của hai pháp hữu và vô. Vì thấu suốt hai nghĩa này mà người tu hành có thể từ nơi có hay ở nơi không đều có thể giúp người giác ngộ mà không mắc kẹt vào bất cứ bên nào. Giống như một người võ sĩ thuần thục binh khí của mình mà tung hoành trong mọi hoàn cảnh không bao giờ gây lỗi hại mình. Muốn thể nhập trung đạo, người tu hành phải Chứng Diệt Đế mới có thể thấu suốt nghĩa này.

 Trong "Hữu vô sơ yếu luận" thầy có nói: "Muốn vào Nhất Thừa và thể nhập Trung Đạo, có hai điều cơ bản mà người tu hành phải tường tận, hai điều này giống như hai đôi chân của một con người. Nếu chỉ có một chân, hoặc đôi chân khập khiễng, thì mỗi bước đi người đó không thanh thoát và sẽ rất nặng nề, thậm chí vị ấy khó có thể thực hiện một cuộc hành trình dài hơi như một người có đôi chân lành lặn. Hai điều cơ bản này là “hữu và vô” tức là có và không". Với người tu hành, trong giai đoạn dứt Tập, vị đó đã thấu hiểu nghĩa hữu của đạo Phật, vì hiểu “hữu” đó là mối họa nên vị đó sẽ tìm cách dứt bỏ các duyên gây ra tạo tác và giác được vấn đề tự thân. Đối với nghĩa không vị đó chỉ có thể có được khi rốt ráo chứng Diệt Đế, ở địa vị này người tu hành mới giải quyết được căn bản vô minh, chứng được hai vô sanh và ra khỏi phần đoạn sanh tử. Như vậy, thể nhập Trung Đạo là pháp môn của một vị tu hành có phát nguyện ra khỏi bất động để làm công hạnh cứu độ chúng sanh. Vì cứu độ chúng sanh nên vị này phải hiểu rõ những con đường nào giúp chúng sanh thấy được thiệt tướng của muôn pháp, chúng sanh đang kẹt mắc ở đâu để giúp đỡ. Nếu vị này chưa chứng hai vô sanh, chưa ra khỏi phần đoạn sanh tử thì lời nói của vị này là lời nói của cái tâm hư dối mà làm điên đảo sinh tâm sinh ngã, khó có thể phát sinh từ bi trong lời tuyên thuyết. Đồng thời, vị này phải không còn sinh pháp, không sinh pháp nên không kẹt vào nghĩa có hay nghĩa không của pháp. 

Nói tóm lại, chứng Diệt đế, thành tựu pháp môn Bất Nhị chính là điều kiện cần để người tu hành thể nhập Trung Đạo. 

2) Phật dạy: “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện của “tận hữu vi” ??? Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện thuộc về “trụ vô vi” trong Bồ Tát đạo ??? 

Thưa thầy, hữu vi ở đây được hiểu là những pháp có tạo tác. "Tận hữu vi" ở đây được hiểu là đả phá tất cả những pháp hữu vi. Trong Kinh Duy Ma Cật gọi những pháp hữu vi này là "pháp nhỏ". Hành động của các vị Bồ Tát ở nước Chúng Hương đem lòng khinh chê những pháp nhỏ này chính là hành động "Tận hữu vi". Cũng như vậy, vô vi là những pháp không có tạo tác. "Trụ vô vi" trụ lại chỗ bất động mà Phật gọi là "lấy không làm chỗ chứng" tức là lấy vô tướng, vô tác, vô sanh làm chỗ chứng. Trong Kinh Duy Ma Cật, khi bàn đến Bất Nhị, Bồ Tát Duy Ma Cật lại ngội lặng thinh. Từ đây có thể thấy trong thực tế quá trình tu hành, ở giai đoạn đầu khi nhận diện được lỗi họa của các pháp hữu vi, tức là các pháp tạo tác, người tu hành dễ rơi vào "tận hữu vi" mà chê trách, tẩy chay toàn bộ những người sử dụng một phép tu hữu vi nào để mong được giải thoát. Đến khi đạt được vô sanh pháp nhẫn, người tu hành vì ham thích cảnh chứng an lạc, tịch tĩnh mà giữ bất động trước bất kỳ phiền não của chúng sanh lại rơi vào biểu hiện của "trụ vô vi".

3) Vì sao người tu hành muốn thể nhập trung đạo, phải thấm nhuần hai pháp “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Tận hữu vi lỗi gì và trụ vô vi lỗi gì trên con đường tiến về trung đạo ??? 

Trong Kinh Duy Ma Cật, Phật có dạy: "Vì đủ các phước đức mà không trụ vô vi; vì đủ các trí tuệ mà không tận hữu vi; vì đại từ bi mà không trụ vô vi; vì mãn bổn nguyện mà không tận hữu vi; vì nhóm thuốc pháp mà không trụ vô vi, vì tùy bệnh cho thuốc mà không tận hữu vi; vì biết bệnh chúng sanh mà không trụ vô vi; vì dứt trừ bệnh chúng sanh mà không tận hữu vi". Như vậy một người tu hành, khi đã ra khỏi phần đoạn sanh tử, cần phải học trí tuệ để thâm nhập cảnh giới trung đạo, sau đó quay lại làm công hạnh cứu độ chúng sanh chứ không trụ nơi bất động giải thoát, chỉ có quá trình làm công hạnh mới khiến vị tu hành phát sanh thật trí. Vì thương xót chúng sanh mà hóa hiện ra các pháp lành để cứu độ chúng sanh, giống như trong Kinh nói: "Vì những người khó giáo hóa lòng như khỉ vượn, nên dùng bao nhiêu pháp để chế ngự lòng họ, mới có thể điều phục được." Nếu vị tu hành đó vấp phải "tận hữu vi" thì khó có thể phát sanh long từ bi, thực hành bố thí vô hạn. Ngược lại, nếu vị tu hành đó trụ nơi vô vi tức là lấy không làm chỗ chứng thì khó phát sinh trí tuệ, không có trí tuệ thì không thể biết căn cơ của chúng sanh mà hoá hiện các pháp lành. 

4) Bản chất (thiệt tướng) của hai pháp hữu và vô là gì ??? Thấu suốt thiệt tướng của hữu và vô, người tu hành sẽ thấy được điều gì sau đó ??? Xin giải thích cụ thể về cái thấy này ???

Về bản chất, Trung đạo chính là sự thấu suốt hai nghĩa có - không để linh hoạt khi thuyết pháp, dù là nghĩa có hay nghĩa không đều là thiện phương tiện giúp người chấm dứt sanh diệt, thành tựu cứu cánh Niết bàn. 

Khi một vị đạo sư thuyết về nghĩa hữu là để chỉ ra lỗi họa của tạo tác, giúp người tu hành dừng dứt những tạo tác vô minh, không chạy theo thấy nghe của nghiệp, dừng dứt được nghĩa hữu, nghĩa không tự hiện. Ví như người đang mê thì khi tỉnh đồng nghĩa với hết mê. Cũng vị đạo sư đó, khi trực chỉ nghĩa không cho người tu hành, giúp người tu hành thấu suốt thiệt tướng của tâm của pháp là không, không khởi phân biệt, chứng hai vô sanh. 

Thấu suốt hai nghĩa có - không (hữu - vô) người tu hành mới có thể thực chứng rốt ráo phi hữu phi vô. 

Khi chứng hai vô sanh, vị tu hành chợt nhận ra Tâm Pháp đồng vô vi, trước không nay không, trở lại cái bản nhiên ban sơ của Bổn Tâm, thấy được tự tánh của Bổn Tâm tự không.

Đến khi thấu suốt nghĩa Trung Đạo, vị tu hành mới hiểu rõ tâm hay pháp này “chẳng phải có cũng chẳng phải không”, đây là cái thấy của trí tuệ để từ đó phát sinh vô lượng phương tiện. Từ cái thấy biết này, từ bi tâm của vị này dần dần được sáng rõ, thấy được Phật tánh trong họ. 

Thưa thầy, trên đây là toàn bộ thấy biết của con về những câu hỏi thầy nêu ra. 

Con Lý Diệu Tâm !!!

3. Bài viết của Lý Kim Diễm 

Kính thưa Thầy!

Kính thưa HĐTM Lý Gia! 

Con xin thành tâm cảm ơn Thầy và HĐTM cho con được trở thành thành viên trong căn nhà họ Lý. Điều này làm con rất vui mừng mỗi khi nhớ đến! Con luôn thầm nghĩ Lý Gia hội tụ quá nhiều nhân tài, con chỉ là hạt cát nhỏ mà thôi! Biết vậy nhưng con vẫn nghe lời dạy của Thầy không được hạ liệt nếu như muốn giữ lại giáo pháp của Đức Phật và Thầy đã dày công tìm tòi, nghiên cứu. Do vậy mà con cứ cố gắng, cố gắng nói những điều ngoài sức cho phép của bản thân dù biết rõ điều đó “khó, khó lắm ạ!”.

Hôm nay, con mạo muội tham gia trả lời câu hỏi của Thầy đề ra. Mong rằng những điều con sắp nói sẽ đúng ạ! 

Thưa Thầy ! Trong các kì sinh hoạt trực tuyến con đã học hỏi được rất nhiều. Qua sự khai thị chân thành, yêu thương của Thầy. Sự tương thân, nâng đỡ lẫn nhau của HĐTM Lý Gia. Con có lòng tin vững chắc vào giáo pháp mà Thầy truyền trao, con nguyện đi theo học hỏi đến cùng. Thầy có dạy là nếu ta đi con đường Đạo đế chúng ta sẽ lần lượt có những cái thấy sai biệt. Từ những cái thấy sai biệt đó khi nói lên cho mọi người cùng nghe chúng ta mới có thể nâng đỡ, hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau đi đến chân lí cuối cùng. Con cũng xin đóng góp những sai biệt của con mong Thầy và HĐTM dạy dỗ cho con. 

Câu 1: Người tu hành thành tựu pháp môn nào của Phật đạo mới có thể nhập trung đạo ??? Vì sao cần thành tựu pháp môn đó trước, cơ may thể nhập trung đạo mới đến sau ??? Xin giải thích cụ thể ??? 

Thầy dạy chúng con: “Trong Phật Đạo, một trong những nghĩa khó hiểu và khó thể nhập nhất, đó là nghĩa Trung Đạo. Trung Đạo là kết quả của sự thành tựu viên mãn Đạo Đế. Trung Đạo chính là kết quả viên mãn của từ và bi. Từ tâm và bi tâm khi thành tựu sẽ cho ra nghĩa Trung Đạo. Như vậy có thể hiểu: Trung Đạo chính là sự thể hiện chân lý một cách tối ưu trong đời sống vì vạn loại hữu tình. Vì sao nó lại như vậy ??? 

Thuật ngữ Trung Đạo trong Phật giáo không phải là trung bình cộng của một phép tính, nó lại càng không phải con đường đi ở chính giữa hai biên. Mà Trung Đạo là sự hoạt dụng tối ưu từ hai nghĩa “có và không” để sinh ra các phương tiện thiện xảo nhất, sự hoạt dụng thiện xảo này, Phật Đạo gọi đó là từ bi. Vì thế mới nói: "Muốn vào Nhất thừa và thể nhập Trung Đạo, có hai điều cơ bản mà người tu hành phải tường tận, hai điều này giống như đôi chân của một con người. Đó là hai nghĩa “có và không” (Lý Tứ) 

“Có” có nghĩa là chỉ cho một hữu tình có thân, khẩu, ý của thế gian còn đầy đủ kiết sử: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến. Nên phiền não, lậu hoặc: Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt li, cầu bấc đắc, oán tắng hội, ngũ ấm xí thịnh khổ cột chặt trong tâm thức. Do vậy hữu tình này luân hồi trong ba cõi ngay trong đời sống hiện thời và luân hồi hết đời này đến đời khác… 

“Không” có nghĩa là chỉ cho một hữu tình chấm dứt được các kiết sử, phiền não, lậu hoặc. Khi đó, sự an vui, sự nhẹ nhàng, sự mạnh mẽ, sự có “hiểu biết”… hiện diện trong tâm thức người đó. 

Vì vậy cho nên vị hữu tình này thường bị rơi vào niềm an lạc của riêng mình và thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Chính vì vậy mà Phật bảo các vị Bồ Tát rằng: “Có pháp môn “tận, vô tận giải thoát” các ông nên học. Sao gọi là “tận” ? Nghĩa là pháp hữu vi. Sao gọi là “vô tận” ? Nghĩa là pháp vô vi. Như Bồ Tát thời không tận hữu vi, không trụ vô vi”. Lời dạy này nhằm đánh thức tất cả các vị Bồ Tát phải thành tựu pháp môn này để thể nhập con đường Trung Đạo đi vào Nhất thừa. (Trước khi thành tựu “tận vô tận giải thoát”, phải thành tựu pháp môn Bất Nhị, để tâm thức không còn hai pháp đối đãi có không...!!! LT) 

Câu 2: Phật dạy: “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện của “Tận hữu vi” ??? Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện thuộc về “Trụ vô vi” trong Bồ Tát đạo ??? 

Thầy dạy: Trung Đạo là sự hoạt dụng tối ưu từ hai nghĩa “có và không” để sinh ra các phương tiện thiện xảo nhất, sự hoạt dụng thiện xảo này gọi là từ bi. Mà “có và không” thuộc về “Nhị Nguyên”, thuộc về hai bờ ta không nên ở bờ này, bờ kia. Từ đó mà Phật dạy các Bồ Tát rằng: “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi”. Nếu người tu hành biểu hiện “Tận hữu vi” thì vị ấy sẽ lìa bỏ đại từ, đại bi, không phát tâm cầu nhất thiết trí, không nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người, không thường nghĩ đến pháp tứ nhiếp để gần gũi, thân cận chúng sinh nhằm giáo hoá họ. 

Nếu người tu hành biểu hiện “Trụ vô vi” thì vị ấy tu học pháp môn “Không” vị ấy sẽ lấy “Không”(vô vi) làm chỗ chứng; tu học môn “vô tướng”, “vô tác” sẽ lấy vô tướng, vô tác làm chỗ chứng; tu học pháp “vô sanh” sẽ lấy vô sanh làm chỗ chứng; quán “vô thường” mà từ bỏ làm việc lành; quán “thế gian là khổ” rồi ghét sanh tử…Vị này không học hỏi tìm trí tuệ. Vì vậy, trong Bồ Tát đạo người tu hành mà “Tận hữu vi” và “Trụ vô vi” Phật Đạo gọi là “Hạt giống thối”.

 Câu 3: Vì sao người tu hành muốn thể nhập trung đạo, phải thấm nhuần hai pháp “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Tận hữu vi lỗi gì và trụ vô vi lỗi gì trên con đường tu đạo ??? 

Muốn thể nhập trung đạo người tu hành phải thấm nhuần hai pháp “ Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” bởi vì, khi ta muốn thể nhập trung đạo tức là vị tu hành này phải chứng diệt đế, hiểu rõ “có và không”. Khi hiểu rõ “có và không” vị này biết được khi mê tâm ta toàn cõi hữu cột chặt tâm thức, rất nhiều phiền não, khổ đau mà không biết làm sao, làm cách nào rứt ra khỏi tâm thức của mình. 

Khi ta ngộ rồi tâm ấy tự không, nghĩa là phiền não, lậu hoặc dứt hết, lúc này ta như chợt nhận ra khi tâm thức ta “Không”, mất hết cái “Có” ta giống như “thoát khỏi gánh nặng ngàn cân đeo theo ta suốt đằng đẳng năm trường” thì tự do xảy ra, an nhiên sẽ đến đó là lẽ tất nhiên. Lúc ấy ta định hình được con đường ta đi trong thời gian qua sai rồi! 

Con đường đúng là con đường Phật dạy: “Chẳng tận hữu vi” Nghĩa là không lìa đại từ, không bỏ đại bi, sâu phát tâm cầu nhất thiết trí mà không khinh bỏ, giáo hoá chúng sanh quyết không nhàm chán; đối pháp tứ nhiếp thường nghĩ làm theo; giữ gìn chánh pháp không tiết thân mạng; làm các việc lành không hề nhàm mỏi; chí thường để nơi phương tiện hồi hướng; cầu pháp không biếng trễ; nói pháp không lẫn tiếc; siêng cúng dường chư Phật; cố vào trong sanh tử mà không sợ sệt; đối việc vinh nhục lòng không lo không mừng; không khinh người chưa học; kính người học như Phật; người bị phiền não làm cho phát niệm chánh; cái vui xa lìa không cho là quí; không đắm việc vui của mình mà mừng việc vui của người; ở trong thiền định tưởng như địa ngục; ở trong sanh tử tưởng như vườn nhà; thấy người đến cầu pháp tưởng như thầy lành; bỏ tất cả vật sở hữu tưởng đủ nhất thiết trí; thấy người phá giới, tâm nghĩ cứu giúp; các pháp ba la mật tưởng là cha mẹ; các pháp đạo phẩm tưởng là quyến thuộc; làm việc lành không có hạn lượng đem các việc nghiêm sức ở các cỏi tịnh độ trau dồi cõi Phật của mình”… 

“Không trụ vô vi”? Nghĩa là tu học môn “không”; không lấy không làm chỗ chứng; tu học môn “vô tướng”, “vô tác” không lấy vô tướng, vô tác làm chỗ chứng; tu học pháp “vô sanh” không lấy vô sanh làm chỗ chứng; quán “vô thường”mà không nhàm việc lành; quán “thế gian là khổ” mà không ghét sanh tử; quán “vô ngã” mà dạy dỗ người không nhàm mỏi; quán “tịch diệt” mà không tịch diệt hẳn, quán xa lìa mà thân tâm tu các pháp lành; quán không chổ về mà về theo pháp lành; quán vô sanh mà dùng pháp sanh để gánh vác tất cả; quán vô lậu mà không đoạn các lậu; quán không chỗ làm mà dùng việc làm để giáo hoá chúng sanh; quán không vô mà không bỏ đại bi; quán Chánh pháp vị (chỗ chứng) mà không theo tiểu thừa; quán các pháp hư vọng, không bền chắc, không nhân, không chủ, không tướng, bổn nguyện chưa mãn mà không bỏ phước đức thiền định trí tuệ. Tu các pháp như thế gọi là Bồ Tát không trụ vô vi”… (Kinh Duy Ma Cật). 

Có nghĩa là khi ta chịu quá nhiều khổ đau mà ta được ai đó cứu thoát khỏi nỗi khổ niềm đau thì việc trả ân, báo ân là điều cần phải thực hiện. Khi ta chưa gặp Thầy, gặp vị Đạo sư chỉ dạy ta không thể nào biết được phải đền ân như thế nào? May mắn gặp Thầy truyền trao cho giáo pháp với những lời dạy đúng chánh pháp, dúng chân lý. 

Khi ta đem thực hiện vào đời sống thấy sự đổi thay tích cực nghĩa là đã thực chứng được lời dạy của Thầy đi đúng theo con đường của Phật. Ta giúp cho nhiều người thấy được giáo pháp của Phật là chánh pháp, là chân lý thì có nghĩa rằng ta đang làm theo pháp tứ nhiếp, thường nghĩ làm theo; giữ gìn chánh pháp không tiếc thân mạng. Thực hành các phẩm Tưởng (37 phẩm) và Pháp ba la mật Tưởng và giúp mọi người thực hành theo. Chứng pháp “Không, Vô tướng, Vô tác” và không cho rằng mình chứng đắt rồi không trụ nơi an lạc, tĩnh lặng mà quyết đem thân mạng không sợ sệt đi sâu vào học Nhất thiết trí để giúp nhiều người được như mình là ta đang làm đúng lời Thầy, lời Phật dạy. 

Điều đặc biệt ở đây là “Ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hiện tiền. Sống trong cõi hữu mà ta vẫn an nhiên tự tại, không cuốn theo tham, sân, si của thế gian”. Ta đem giáo Pháp của Phật thể hiện trên thân, trên khẩu, trên ý đến khắp mọi nơi ta đến như gửi duyên lành. Muốn vậy không có gì khác hơn là thể nhập Trung đạo, cầu học Nhất thiết trí. “Trung Đạo chính là sự thể hiện chân lý một cách tối ưu trong đời sống vì vạn loại hữu tình”. 

Câu 4: Bản chất (thiệt tướng) của hai pháp hữu và vô là gì ??? Thấu suốt thiệt tướng của hữu và vô, người tu hành sẽ thấy được điều gì sau đó ??? Xin giải thích cụ thể cái thấy này ??? 

“Muốn vào Nhất thừa và thể nhập Trung Đạo, có hai điều cơ bản mà người tu hành phải tường tận, hai điều này giống như đôi chân của một con người. Đó là hai nghĩa “có và không” (Lý Tứ). 

“Có” có nghĩa là chỉ cho một hữu tình có thân, khẩu, ý của thế gian còn đầy đủ kiết sử, phiền não, lậu hoặc... Do vậy hữu tình này luân hồi trong ba cõi ngay trong đời sống hiện thời và luân hồi hết đời này đến đời khác… 

“Không” có nghĩa là chỉ cho một hữu tình chấm dứt được các kiết sử, phiền não, lậu hoặc. 

Khi hiểu rõ “có và không”. Vị này biết được khi mê tâm ta toàn cõi hữu cột chặt tâm thức, rất nhiều phiền não, khổ đau mà không biết làm sao, làm cách nào rứt ra khỏi tâm thức của mình. Khi ta ngộ rồi tâm ấy tự không, nghĩa là phiền não, lậu hoặc dứt hết. Lúc này ta như chợt nhận ra khi tâm thức ta “Không”, mất hết cái “Có” ta giống như “thoát khỏi gánh nặng ngàn cân đeo theo ta suốt đằng đẳng năm trường”. Dứt Đảo Tưởng thì tự do xảy ra, an nhiên sẽ đến đó là lẽ tất nhiên. Lúc ấy ta định hình được con đường ta đi trong thời gian qua sai rồi! 

Từ đây ta có lập luận như sau: Một hữu tình có kiết sử, phiền não, lậu hoặc thì hữu tình này đang sống trong cõi hữu, nghĩa là “ Có”. Hữu tình này thực tập các phẩm Tưởng (37 phẩm)và các pháp Ba la mật tưởng đúng chánh pháp thì sẽ chấm dứt kiết sử, phiền não, lậu hoặc khi đó tâm thức hữu tình đã thành “Không”. 

Trong 18 pháp không, Phật có dạy rằng: “Trong gạo không đậu”, “Trong vườn có cây không hoa”. Nên ta có thể hiểu là: Có là có kiết sử, phiền não, lậu hoặc. Không là vô vi, niết bàn. Mà cũng gọi là Chẳng phải Không vì trong Không, lại có vô vi, niết bàn; mà cũng gọi là chẳng phải Có vì trong Có, thì Không có kiết sử, phiền não, lậu hoặc. (Đoạn này hay !!! LT) 

Con tập luyện làm bài tập kiểm tra của Thầy, nếu có gì không đúng mong thầy tha thứ và dạy dỗ con. Con xin chân thành cảm ơn Thầy cùng HĐTM Lý Gia.

Con, Lý Kim Diễm

4. Bài viết của Lý Vân Ngô

Con kính thưa Thầy!

Lần này con xin tập trả lời trò chơi trí tuệ, sẽ có nhiều thiếu sót kính mong Thầy Từ Bi chỉ dạy thêm cho con! 

Câu (1) Người tu hành thành tựu pháp môn nào trong Phật Đạo mới có thể thể nhập Trung Đạo ??? 

Con xin trả lời, người tu hành phải thành tựu pháp môn Bất Nhị mới có cơ may thể nhập nghĩa Trung Đạo.

Vì sao cần thành tựu pháp môn đó trước, cơ may thể nhập mới đến sau ???

Con xin trả lời: Vì khi người tu hành thành tựu pháp môn bất nhị, sẽ giúp tâm thức ra ngoài đối đãi thiện ác, đúng sai, trong lòng không còn có hai pháp. 

Câu(2) Phật dạy: “chẳng trụ vô vi, chẳng hoại hữu vi" !!! Hành động hay tạo tác nào của người tu hành biểu hiện là "tận hữu vi” ??? 

Con xin trả lời: Biểu hiện của người tu hành tận hữu vi là, ví dụ như có người nào đó hằng ngày tụng kính ngồi thiền chẳng hạn, mà người hành Bồ Tác Đạo cho là tu như vậy sai giáo pháp hay là tu vậy chừng nào được thành Phật, rồi chê họ thế này thế kia, đó là biểu hiện của người tu hành "tận hữu vi". 

Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện thuộc về "trụ vô vi" Trong Bồ Tác Đạo ??? 

Con xin trả lời: Biểu hiện của người tu hành trụ vô vi trong Bồ Tác Đạo là. Ví dụ như người tu hành viên mãn diết đế có được niết bàn thanh tịnh an vui, không phát nguyện học nhất thiết trí để đi làm công hạnh giúp người, mà chỉ an trú nơi bất động. Đó là biểu hiện "trụ vô vi”. 

Câu (3) Vì sao người tu hành muốn thể nhập trung đạo phải thấm nhuần hai pháp "chẳng tận hữu vi " chẳng trụ vô vi ". Tận hữu vi lỗi gì, trụ vô vi lỗi gì trên đường tiến về trung đạo !!! 

Con xin trả lời: Khi người tu hành "Tận hữu vi" sẽ thiếu từ bi. Còn người tu hành "Trụ vô vi" sẽ an trụ vào xuất thế gian pháp nên không sanh trí tuệ.

Câu (4) Bản chất (thiệt tướng) của hai pháp hữu và vô là gì ??? Thấu suốt thiệt tướng của hữu và vô, người tu hành sẽ thấy được điều gì sau đó ??? Xin giải thích cụ thể về cái thấy này ??? 

Con xin trả lời: Thiệt tướng của hữu vi là không tánh không tướng, chẳng có tính chất gì cả. Thiệt tướng của vô vi như lông rùa sừng thỏ có danh mà không có thực. Khi người tu hành thấu được hai nghĩa hữu vô, người tu hành sẽ thấy được thật tướng của hữu vô đều rốt ráo vô. 

Con kính bạch Thầy, con xin được dừng câu trả lời tại đây. Con kính lễ Thầy ba lạy! 

Con, Lý Vân Ngô

 5. Bài viết của Lý Diệu Âm 

Kính thưa Thầy !

Nhận được câu hỏi lần này con cứ băn khoăn không biết nên tham gia hay không vì với con đây không phải câu hỏi dễ. Con viết rồi lại xoá, xoá rồi lại ngồi bật dậy như cái lò xo để viết vì con biết Thầy sẽ sửa cho con nếu hiểu biết của con còn hạn hẹp. 

Hai tháng được làm HĐ Lý Gia theo thầy học đạo, con đã được vỡ oà trong rất nhiều cảm xúc, mỗi lần một cung bậc khác nhau, một nấc thang mới khiến con như thấy cái xác phàm lặng lẽ trôi trước mắt...chỉ còn cái pháp thân nhỏ bé đang được nuôi dưỡng bằng pháp thực để lớn lên mỗi ngày. 

Vạn lần tri ân, đảnh lễ Thầy ! 

Con xin được trả lời câu hỏi kỳ này như sau : 

1) Người tu hành thành tựu pháp môn nào của Phật đạo mới có thể thể nhập trung đạo ??? Vì sao cần thành tựu pháp môn đó trước, cơ may thể nhập trung đạo mới đến sau ??? Xin giải thích cụ thể ??? 

Trả lời :

Người tu hành muốn có cơ may thể nhập trung đạo phải thành tựu “pháp môn Bất nhị“ hay còn gọi là không hai. Để có thành tựu này trước hết phải thực sự Giác Ngộ, thực sự giác ngộ để không còn cái Ngã, vì ngã càng lớn thì càng thấy hai pháp đối đãi càng nhiều, khi ngã không còn, trong lòng rỗng rang, không Tâm, không Pháp, không thấy mình thấy người, đó chính là bất Nhị. 

Thành tựu pháp môn này hay là đắc Vô sanh Pháp Nhẫn sẽ không còn “nhị nguyên đối đãi“, trong lòng không còn đúng sai, chánh tà, hữu vô, phải quấy, thiện ác... Từ đó, người tu hành thấy Tâm bình đẳng, chẳng ưa Niết bàn, chẳng chán Thế gian. Đây là bước khởi đầu để có cơ may thể nhập Trung Đạo. 

2) Phật dạy: “Chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện của “tận hữu vi” ??? Hành động hay tạo tác nào của người tu hành là biểu hiện thuộc về “trụ vô vi” trong Bồ Tát đạo ??? 

“Chẳng Tận hữu vi, chẳng trụ vô vi“ là lời Phật dạy khi hành Bồ Tát Đạo. Pháp hữu vi là pháp còn tạo tác, còn hành vi tạo nghiệp, còn sanh diệt trong ba cõi. Hữu vi pháp là vô thường, như mộng huyễn bào ảnh... . Nó chỉ giả tạm “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng“ thấy rõ vậy, người tu hành không đeo bám, không dính mắc thì mới được giải thoát ! Tuy nhiên, đối với việc Tu hành Bồ Tát Đạo, đối với một vị đã Giác Ngộ và phát tâm , Vì nguyện cứu độ chúng sanh còn u mê ngụp lặn trong cõi Ta Bà, đời ác Ngũ trược, nên Bồ Tát không được từ bỏ Pháp Hữu vi mà vẫn theo pháp hữu vi mà độ giúp cho đời. Những hành động có ý chê bai người thực hành các pháp thế gian cầu Phước báu hữu lậu chính là “tận hữu vi “. VD thấy người bố thí, cầu phước báo mà chê bai họ, cho là đây là pháp hữu vi đó chính là dính mắc. 

Pháp vô vi là pháp thanh tịnh, vắng lặng bất động, là Niết bàn dứt hẳn phiền não, ra khỏi 3 cõi, chấm dứt đoạn phần sinh tử và bước vào Bất tư nghì biến dịch sinh tử. Bồ tát thấu được lẽ “Không“ nhưng không lấy cái “Không“ làm chứng đắc, tu học vô tướng, vô tác, xong chẳng lấy vô tướng, vô tác làm lẽ chứng đắc . Bồ tát phải thưc hành Lục Độ Ba la mật và lấy bốn tâm vô lượng làm tư lương Bồ Đề và phải phát nguyện. Vì thế mới có lời nguyện: 

"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành" 

“Nghĩa Không mà Phật đã tuyên thuyết là một trong những nghĩa chân thật , nói lên sự thật mà mỗi hữu tình khi dứt mê sẽ tự chứng. Vì thế nghĩa không (rốt ráo không) chính là chân lý” (trích Anh Lạc Luận) 

Bồ Tát tuy sống trong không mà quán chiếu các pháp hữu để thấu được hữu tình. Bồ tát sống cùng phiền não đó để quán chính nó, biến chính phiền não đó thành Bồ Đề. Nhờ những phiền não đó, Bồ Tát thấu cảm được nỗi khổ nhân sinh mà độ người qua khổ ách. Do có chánh kiến, Bồ Tát mới thấy rõ tâm Bồ Đề thuộc về chúng sanh mà khởi Tâm Đại Bi, nhờ phát khởi Tâm Đại bi và hành hoạt theo Đại nguyện ấy mà thành tựu được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát thấy chúng sanh là ân nhân của mình. “Bồ Tát học trí tuệ ở nơi phiền não của chúng sanh“ là ý này ! 

Thấy rõ nguồn gốc phiền não của mình và chúng sanh đều từ gốc rễ vô minh, do chấp Ngã, Bồ tát khởi tâm Đại bi giúp chúng sanh nhận diện được vô pháp, vô ngã để đoạn trừ.

Thấy rõ sự thật về các pháp môn tu tập trong 37 phẩm trợ đạo, pháp môn nào cũng có tác dụng cắt đứt phiền não để giải thoát, chấm dứt khổ đau, đem lại an lạc, Giác ngộ cho chính mình và chúng sanh nên Bồ tát khởi tâm Đại bi phát nguyện học vô lượng Pháp môn. 

Thấy rõ Phật đạo là tối thượng, nên Bồ tát khởi Tâm phát nguyện Phật đạo viên thành để độ chúng sanh. 

Đó mới là tâm Từ Bi của người tu hành Bồ Tát Đạo. Trung đạo là kết quả viên mãn của Từ tâm và Bi tâm, là cách vận dụng tối ưu linh hoạt giữa Hữu và Vô để có những phương tiện thiện xảo nhất cứu giúp cho chúng sanh. 

Hành động người tu hành cho là chứng đắc cái “Không “ mà an trụ vào Thiệt tế, chứng Thiệt Tế đó không giúp được người khác mà chỉ để tự độ mình chính là “trụ vô vi “. Người tu hành trụ vô vi, không phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, Phật gọi những kẻ ấy là “hạt giống thối“ hay thứ “lừa què “. 

3) Vì sao người tu hành muốn thể nhập trung đạo, phải thấm nhuần hai pháp “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” !!! Tận hữu vi lỗi gì và trụ vô vi lỗi gì trên con đường tiến về trung đạo ???

 Người tu hành muốn thể nhập trung đạo phải thấm nhuần hai pháp “chẳng tận hữu vi“, “chẳng trụ vô vi“. Nếu tận hữu vi thì phạm lỗi không có từ bi. Nếu trụ vô vi thì phạm lỗi không sanh trí tuệ. Mắc hai lỗi này, sẽ là trở ngại lớn trên con đường tiến về Trung Đạo. 

Vậy con đường Trung đạo thực chất là con đường mà người tu hành biết dung hoà giữa Không và Có nhằm mục đích từ đây xuất sinh những phương tiện thiện xảo nhất để cứu giúp người. Thầy dạy: “người ấy nói có cũng vì lợi ích của chúng sinh, người ấy nói không cũng vì lợi ích chúng sinh. Còn bản thân thì đã thấu rõ có hay không đều rốt ráo không” 

4) Bản chất (thiệt tướng) của hai pháp hữu và vô là gì ??? Thấu suốt thiệt tướng của hữu và vô, người tu hành sẽ thấy được điều gì sau đó ??? Xin giải thích cụ thể về cái thấy này ???

 Chúng ta tìm hiểu lại về nguyên nhân hình thành của cõi Hữu: Thức hay trung ấm là nhân tố làm nên cõi Hữu. Khi sáu căn tiếp xúc với 6 trần cảnh, nội xúc, trong thập nhị nhân duyên chúng ta quán lý duyên khởi, do duyên Vô minh duyên hành, do duyên Hành duyên Thức, do Thức duyên Danh sắc...sầu bi khổ não. Đây chính là lộ trình duyên khởi của một cõi Hữu. Bản chất chỉ là vô minh và thức chạy theo, chịu tác động của cặp mê Tình, tưởng (mê hay giác, hoặc vừa mê vừa giác) để cho ra một thân nghiệp mới (ác hoặc thiện). Nếu hữu tình bị vô mình che mờ tâm ý thì sẽ mãi không thoát ra khỏi quỹ đạo này khiến vòng luân hồi cứ luân chuyển mãi. Thức mê sinh ra pháp mê, pháp mê sinh ra tâm mê, tâm mê sinh ra ba cõi Hữu. 

Bản chất của “Vô“: Khi sáu căn tiếp xúc 6 trần, các duyên không hoà hợp, thức không bị vô minh che mờ và không bị mê gọi là minh xúc sẽ khởi nguồn cho một cõi “Không“. Xúc, Thọ, Tưởng không mê đưa đến Chánh Niệm , chánh tinh tấn, chánh định (Tỉnh giác) - chánh Tư Duy, chánh kiến, như lý tác ý ta có Chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp. Nếu thức không bị mê che mờ, các Pháp không tự sanh, Pháp không sanh thì Tâm không sanh, tâm không sanh thì ba cõi thành Không. 

Như vậy ta quán lý duyên khởi, hiểu được thiệt tướng các Pháp, giác ngộ để hiểu rõ con đường Hữu, Vô nên không chấp có, chấp Không. Ngay hiện tiền chẳng có gì sanh, chẳng có gì diệt, gọi là rốt ráo Không. 

Như vậy, có 2 điều cơ bản mà người tu hành phải tường tận giống như đôi chân của một con người, hay đôi cánh của một con chim. Nếu thiếu đi một chân con người khó thể đi xa, thiếu đi một cánh thì con chim không thể bay được, khi biết rõ bản chất cái gọi là “có“ thì cơ may mới hiểu được thấu suốt nghĩa Không. 

Người tu hành như vậy sẽ thấy được con đường trung đạo. Khi thấu suốt được con đường Trung đạo, người tu hành ở nơi chúng sanh thấy đó là cõi Hữu, nơi ấy cũng là Niết Bàn. Ở nơi chúng sanh thấy đó là cõi Vô, nơi ấy cũng là Niết Bàn. Hữu vô đồng là Không, cái rốt ráo không ấy hàm chứa nghĩa Trung đạo.

 Con, Lý Diệu Âm

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow