Kiến Tánh Bổn Tâm Bổn Tánh Biện Thông Thế Trí, Biện Tài Vô Ngại Là Gì?

Bổn Tâm, Bổn Tánh là “thể” và “dụng” của nhau. Thể và dụng, giống như hồ nước không bị tác động, sẽ có các đặc tính: trong sáng, chiếu liễu, bất động, vắng lặng, vô phân biệt, vô sở hữu, vô tác, đốn soi, thanh lương.

Tháng 3 8, 2022 - 15:11
Tháng 10 26, 2022 - 14:23
 0  437
Kiến Tánh Bổn Tâm Bổn Tánh Biện Thông Thế Trí, Biện Tài Vô Ngại Là Gì?

Hỏi: Hai chữ Kiến Tánh nhằm chỉ cho cảnh giới nào trong Phật Đạo?

Đáp: Hai chữ Kiến Tánh, nhằm chỉ cho hai cảnh giới của Phật Đạo, đó

- Chỉ cho người thấy Tánh Giác (thể tánh bản nhiên của thấy, nghe,hay, biết). Ví dụ, như chuyện Phật hỏi vua Ba Tư Nặc trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm về cái thấy trong ba giai đoạn của cuộc đời, khi xúc đối sông Hằng. Người đời sau gọi là tánh thấy, tánh nghe.

- Chỉ cho người thấy Bổn Tánh (Tự Tánh). Ví dụ, trường hợp Lục Tổ Huệ Năng lần cuối cùng lên thất Ngũ Tổ.

Hỏi: Vì sao hai cảnh giới này (thấy Tánh Giác, thấy Tự Tánh) đồng gọi là Kiến Tánh?

Đáp: Tuy nói hai, nhưng hai cảnh giới này làm nhân quả cho nhau. Người thấy Tánh Giác sẽ trực nhận ra Bổn Tâm, Bổn Tánh (Tự Tánh). Người thấy Tự Tánh (Bổn Tánh) sẽ tự biết trong Bổn Tánh này có Tánh Giác và trực nhận được Bổn Tâm. Vì thế Kinh Thủ Lăng Nghiêm chủ yếu khai Bổn Tâm (chân tâm) lại đi giảng nói nhiều về tánh thấy (Tánh Giác).

Hỏi: Kiến Tánh quan trọng như thế nào trong Phật Đạo?

Đáp: Giống như người mù được sáng mắt. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có câu nói như sau:

“Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích. Nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh trượng phu, thiên nhân sư, Phật…”

Hỏi: Bổn Tâm khác Bổn Tánh ở chỗ nào?

Đáp: Bổn Tâm, Bổn Tánh là “thể” và “dụng” của nhau. Thể và dụng, giống như hồ nước không bị tác động, sẽ có các đặc tính: trong sáng, chiếu liễu, bất động, vắng lặng, vô phân biệt, vô sở hữu, vô tác, đốn soi, thanh lương.

Hỏi: Nếu bảo rằng Bổn Tâm và Bổn Tánh có các đặc tính diệu dụng như vậy, xin hỏi vì sao lại phải đi học Huyễn Trí và cầu chứng Bản Giác

Đáp: Các đặc tính diệu dụng của Bản Tâm chỉ dừng ở mức độ thành tựu Căn Bản Trí. Cụ thể như sau:

  • Muốn có Sai Biệt Trí phải cầu học Huyễn Trí.
  • Muốn thành tựu Thật Trí phải thể nhập Bản Giác.
  • Bản Tâm giống như nguồn nước đã trong và sạch. Tuy nhiên nước này chưa thể là Cam Lồ diệu dược cứu người như ý.

Hỏi: Thế thì câu: “Nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh trượng phu, thiên nhân sư, Phật…” phải hiểu như thế nào?

Đáp: Chữ Phật ở đây không nhằm chỉ cho một Đẳng Chánh Giác đủ mười danh hiệu. Vì thế, muốn đủ mười danh hiệu, còn đòi hỏi nhiều thứ, chứ chẳng phải bấy nhiêu là đủ. Ví như: Bích Chi Phật, Tự Tánh Phật, chưa phải là Tam Miệu Tam Phật Đà (samyak-sambodhi). Và chính Ngũ Tổ cũng nói: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích… Câu này ngụ ý rằng, khi nào chưa thấy được Bổn Tâm, học pháp chẳng lợi ích gì.

Lời nói đó mặc nhiên chỉ ra rằng, sau khi thấy Bổn Tâm còn phải học hỏi nhiều, sự học bấy giờ mới cho ra ích lợi lớn.

Hỏi: Biện Thông Thế Trí của người đời và Biện Tài Vô Ngại trong Phật Đạo khác nhau ở chỗ nào?

Đáp: Biện Thông Thế Trí của người đời là một trong Bát Nạn của Phật Đạo. Biện Tài Vô Ngại trong Phật Đạo là một thành tựu trong bốn thành tựu của Tứ Vô Ngại.

Hỏi: Làm sao xác định lời nói nào của hạng Biện Thông Thế Trí, lời nói nào của Biện Tài Vô Ngại?

Đáp:

- Biện Thông Thế Trí: Dùng thế gian pháp để cắt nghĩa, giảng nói Phật Pháp. Nên những cắt nghĩa, giảng nói này không thấu thoát, mang nặng ngã chấp, có tính cột trói, không đưa người nghe lẫn người nói đắc thành các quả vị trong Phật Đạo. Đặc biệt, người chỉ có Biện Thông Thế Trí không thể phân biệt thế nào là thế gian pháp, thế nào là xuất thế gian pháp, thế nào là xuất thế gian thượng thượng.

Nên khi cắt nghĩa hay giảng nói, thường bị văn tự của ba pháp này làm cho lộn xộn, đầu đuôi chống trái nhau, cắt nghĩa lòng vòng, viện dẫn lung tung. Khiến người nghe, tưởng chừng như mình đang “thưởng thức món lẩu thập cẩm của Phật Pháp, được người tu hành chế biến”.

- Biện Tài Vô Ngại: Do sức chiếu của Phật Trí mà có, nên trong đó ẩn chứa sự thông tuệ, đầy đủ Từ Vô Ngại, Nghĩa Vô Ngại, Pháp Vô Ngại cùng Tứ Vô Sở Uý. Vì thế, lời nói từ Bậc Biện Tài Vô Ngại phát ra, thường khế căn, khế cơ. Nên thường khiến người tu hành đắc thành các quả vị trong Phật Đạo. Tùy duyên có thể đưa người vượt qua các thứ lớp nhẫn đến Vô Thượng Bồ Đề.

Bậc Biện Tài trong Phật Đạo giảng nói Phật Pháp, người nghe có cảm giác: “Đang được người lái đò thiện xảo giúp mình êm ả vượt qua dòng sanh diệt của tâm thức.”

Còn Bậc Biện Thông Thế Trí giảng nói Phật Pháp, người nghe có cảm giác: “Bản thân đang bị cuốn vào dòng nước xoáy sanh diệt của tâm thức, không có lối ra.”

Hỏi: Tứ Vô Sở Uý có các ý nghĩa như thế nào trong khi được Bậc Biện Tài Vô Ngại thuyết pháp?

Đáp: Tứ Vô Sở Uý gồm có của Phật và của Bồ Tát.

Của Phật gồm:

+ Chư pháp hiện đẳng giác vô úy: Có nghĩa rằng tự thân đã hoàn thành Đạo Nghiệp, và tuyên thuyết về Nhất Thiết trí không úy kỵ.

+ Lậu vĩnh tận vô úy: Có nghĩa rằng tự thân đã chứng Diệt, cũng như tuyên thuyết Diệt Đế không úy kỵ.

+ Thuyết chướng pháp vô úy: Có nghĩa rằng tự thân đã dứt Tập và tuyên thuyết các pháp nào là nguyên nhân của Tập Đế không úy kỵ.

+ Thuyết xuất đạo vô úy. Tự mình đã thân chứng Đạo Đế và thuyết về Đạo Đế không úy kỵ.

Của Bồ Tát gồm:

+ Năng trì vô sở úy: Các pháp đã được Bồ Tát thân chứng, sẽ không quên mất (Pháp Vô Vong Thất). Vì thế, Bồ Tát tuyên thuyết về những điều này không úy kỵ.

+ Tri căn vô sở úy: Biết rõ tâm lượng của từng chủng tánh. Nên Bồ Tát tuyên thuyết khế cơ, không phi thời.

+ Quyết nghi vô sở úy: Có năng lực giải quyết các nghi ngờ về Đạo Pháp cho chúng sanh đúng như pháp.

+ Đáp báo vô sở úy: Như pháp trả lời thỏa đáng tất cả mọi nạn vấn trong Phật Đạo.

Tóm lại, Bậc Biện Tài Vô Ngại của Phật Đạo khi tuyên thuyết về Phật Pháp, luôn luôn tự tại, đầy đủ các điều “không úy kỵ” như đã nói ở trên.

Nếu không phải là bậc đã thành tựu Tứ Vô Ngại thì chẳng thể có được Tứ Vô Sở Uý.

Hỏi: Người đời, thông minh, sáng suốt, dùng hiểu biết ở đời, cắt nghĩa cho người đời nghe chuyện thế gian, giúp thế gian sống tốt hơn, sống đúng ý nghĩa như đời mong muốn. Đối với sự việc này, người đó có gọi là Biện Thông Thế Trí. Có gọi là Bát Nạn trong Phật Đạo hay không?

Đáp: Phật Đạo luôn luôn tôn trọng các tư tưởng, cũng như những thành tựu của thế gian.

-  Vì thế, nếu người đời có được Biện Thông, dùng tài này để giúp người sống có ý nghĩa, sống tốt như đời mong muốn. Phật Đạo cũng gọi đây là Biện Thông Thế Trí nhưng không thuộc Bát Nạn trong Phật Đạo. Vì sao lại như vậy? Vì rằng, họ có con đường của họ và con đường này hoàn toàn chân chánh với đời.

- Khi nào, những người này, tuy thông minh, nhưng không thấu suốt Giáo Pháp của Đức Phật, làm tài khôn, không chịu cầu học; dùng sức thông minh của mình suy lường, rồi cắt nghĩa Phật Pháp theo tư kiến, theo thế gian kiến, theo ngã kiến, theo triền phược kiến, khiến cho tự thân họ và những người tu hành khác muốn được Đạo Giác Ngộ lại đi vào đường tà không đắc thành các quả vị cần thiết trong Phật Đạo. Bấy giờ, hạng này mới gọi là Biện Thông Thế Trí nằm trong Bát Nạn.

Giống như con thỏ, đi theo con đường của bầy thỏ, thì sẽ ít gặp rủi ro.

.. Nhưng nếu con thỏ này, lấn ranh, xâm phạm lãnh địa của sư tử thì… không gặp nạn mới là lạ.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow