Giáo Trình Khung Đào Tạo Bồ Tát, Phật Quả

Có thể thấy suốt 49 năm hoằng hóa của Đức Phật, chỉ thấy Phật thuyết pháp, nói rõ ý nghĩa từng pháp; Đức Phật cắt nghĩa đến bao giờ đồ chúng thấu suốt mới thôi. Rất ít khi, Phật dạy đồ đệ ngồi tu như thế nào.

Tháng 3 7, 2022 - 22:56
Tháng 7 30, 2022 - 06:55
 0  122
Giáo Trình Khung Đào Tạo Bồ Tát, Phật Quả
Vô Đối Môn - Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Vì sao khi đề cập đến hai con đường cơ bản để người tu hành chọn lựa, không thấy đề cập đến Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay Thập Nhị Nhân Duyên?

Đáp: Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên không được đề cập đến vì các pháp này được hiểu như một “giáo trình khung”, chỉ được giảng dạy trong quá trình tu học Bồ Tát pháp, tức học Nhất Thiết Trí.

Trong quá trình này, sẽ được bậc đạo sư đào sâu ý nghĩa của từng pháp, nhằm giúp cho người học nắm vững quy trình giáo huấn một chúng sinh từ Sơ Phát Tâm đến thành tựu rốt ráo phải vượt qua những chặng đường nào của Tứ Đế, Ba Mươi Bảy Phẩm hay các pháp Nhân Duyên...

Học xong những điều này, khi giáo hóa, vị này sẽ theo dõi và nắm vững người được giáo hóa đã đi đến đâu, cần tiếp tục những “phẩm” nào? “đế” nào? để thành tựu những nấc thang phía sau. Riêng các Pháp Nhân Duyên, như Ba Duyên Hòa Hiệp hoặc Mười Hai Nhân Duyên, vị Đạo Sư chỉ triển khai khi nào thấy rõ căn cơ đồ đệ của mình thuộc nhóm Duyên Giác Thừa.

Trong quá trình tu học cơ bản, người tu hành cũng được giới thiệu sơ lược về các pháp nêu trên. Việc đó giúp họ tạm hình dung ra con đường của Phật Đạo, nhưng nó không phải là những pháp ứng dụng để thành tựu đạo quả trước mắt.

Hỏi: Trong Phật Đạo, “Vô ngã” là cột mốc quan trọng. Tại sao trong hai con đường cơ bản lại không thấy nói đến việc người ta tu tập nó trong giai đoạn nào?

Đáp: Vô ngã không do tu mà được, vì thế không có pháp tu để thành tựu vô ngã. Chỉ khi nào, người tu hành không lầm nhận năm ấm, không bị năm ấm cột trói để sinh ngã, từ đó tự thực chứng rằng: “chính ta là vô ngã” hoặc khi nào, người tu hành thấy được bản chất các pháp tự nó không có ngã, thì bây giờ người đó mới biết rõ “bản lai pháp kia vô ngã”.

Hỏi: Trong kinh cũng có đề cập đến các pháp như: Sổ Tức, Bạch Cốt Quán, Cửu Tưởng Quán, Minh Sát Tuệ, Phép Tỉnh Thức, Bát Bội Xả, Lục Niệm. Trên hai con đường đã nêu, những pháp này, tu tập trong giai đoạn nào?

Đáp: Những pháp này thuộc biện pháp tình thế. Trong lúc tu hành, chỉ khi nào Bậc Đạo Sư phát hiện ra đồ đệ của mình bị một số vấn đề tự thân làm cản trở thì mới được giảng giải và yêu cầu thực hành một trong những pháp nêu trên, để vượt qua khó khăn của tự thân trong giai đoạn nhất thời.

Ví dụ: Trong lúc tu hành, có người bị “tham dục” nổi lên đến độ không kiềm chế được, vị Đạo Sư sẽ hướng dẫn họ quán Bạch Cốt để đối trị tham dục trước mắt. Khi tham dục dừng, pháp này cũng chấm dứt. Hoặc có người, vì sợ hãi bởi đói khát, không kham nhẫn đau nhức khi ngồi thiền, sẽ được dạy phép Minh Sát để chế ngự. Người nhiều sân hận, dạy Quán Từ Bi; người tánh tình cố chấp, dạy Bát Bội Xả; người tán tâm, dạy Sổ Tức Quán; người hay ngủ gục, dạy Quán Ánh Sáng; người nhiều dâm dục, dạy quán Cửu Tưởng.

Nói chung, những pháp này không thể áp dụng đại trà cho tất cả người tu hành nên tạm gọi nó là “biện pháp tình thế” hay “các pháp đối trị”. Vì thế, những người bình thường, không có vấn đề gì của tự thân, thì sẽ không yêu cầu thực hành những pháp này.

Hỏi: Một người vô tình khi đọc kinh điển, hoặc nhân nghe người nào đó nói về một pháp tu, ví như quán Bạch Cốt, người này miệt mài tu hành pháp quán đó, có thành tựu điều gì không?

Đáp: Như đã nói, các pháp như vậy thuộc loại “biện pháp tình thế”, hàm chứa ý nghĩa đối trị nhiều hơn là đưa đến Giác Ngộ hay Giải Thoát.

Vì thế, nếu không biết rõ công dụng, miệt mài tu tập một pháp nào đó, giống như uống thuốc mà không đúng bịnh, lợi ích sẽ không nhiều. Chuyện kinh có kể rằng:

“Có một người tự tu phép Bạch Cốt, ông ta miệt mài tu tập pháp này, đến khi pháp quán thành tựu, ông ta nhìn mình rồi nhìn mọi người, tất cả đều là bộ xương trắng. Ông ta hoảng sợ đến phát điên, chạy lung tung. Rất may, ông ta chạy đến chỗ Phật, Phật ôn tồn, dùng Phạm Âm nói với ông ta: “Ở đây, chúng của ta thanh tịnh”. Nhờ nghe được Phạm Âm của Phật, cái thấy của người này trở lại bình thường”.

Căn cứ mẩu chuyện kinh trên, để thực hành một pháp quán, nếu không được hướng dẫn cụ thể, chẳng những không đưa đến lợi ích, mà có khi bị phản tác dụng.

Vì thế trong Phật Đạo, thuyết pháp để làm thay đổi nhận thức của một người là chủ yếu. Khi nhận thức thay đổi, hành vi sẽ thay đổi, hành vi thay đổi đời sống người ấy cũng thay đổi theo, gọi là Giác Ngộ hay Giải Thoát.

Có thể thấy suốt 49 năm hoằng hóa của Đức Phật, chỉ thấy Phật thuyết pháp, nói rõ ý nghĩa từng pháp; Đức Phật cắt nghĩa đến bao giờ đồ chúng thấu suốt mới thôi. Rất ít khi, Phật dạy đồ đệ ngồi tu như thế nào.

Hỏi: Nếu nói “Rất ít khi, Phật dạy đồ đệ ngồi tu như thế nào”, thì tại sao trong hai con đường: con đường đưa đến Giải Thoát và con đường đưa đến Giác ngộ, đều đề cập đến việc phải “thiền định” để vượt qua ba cõi. Phải thiền định để vượt qua ba cõi mà không dạy ngồi tu, hai điều này có chống trái nhau hay không?

Đáp: Gọi là thiền định để vượt qua ba cõi không có nghĩa người này ôm chặt một phép tu rồi ngồi xuống miệt mài như quán Bạch Cốt hay Sổ Tức... Mà vị tu hành này đã được cắt nghĩa và thấu hiểu cái gì làm nên ba cõi trong tâm thức này.

Khi thấu hiểu như vậy, vị ấy lần lượt đưa tâm thức xa rời những nguyên nhân làm nên các cõi ấy. Trong quá trình tâm thức lần lượt xả dần những ham muốn thuộc về ba cõi, hỷ lạc sẽ sanh, gọi là được thiền.

Tóm lại: thiền định để vượt qua ba cõi, là do thấu suốt mà tâm tự xả chứ không phải “đưa thêm một pháp bên ngoài vào tâm ý để cột chặt tâm ý vào pháp đó như người tu Bạch Cốt hay Sổ Tức”.

Nó giống như một người đi xa, trên vai mang vác ba chục ký lô những vật vô ích.

Người này được người có trí tuệ chỉ cho biết rằng: ba chục ký người kia đang mang vác trên vai là những vật vô ích. Người này nghe như thế, liền quan sát từng món một, thấy sự vô ích của món nào, người này quăng bỏ món ấy cho đến khi hết mới thôi. Càng vứt bỏ, người này càng thấy vui vẻ, nhẹ nhàng và an ổn; vui vẻ, nhẹ nhàng và an ổn trong trường hợp này, có thể tạm ví như hỷ lạc, khinh an trong lúc tu tập thiền định.

Trong quá trình “xả bỏ” như thế, không bất luận là ngồi, nằm hay đi đứng, tất cả oai nghi đều có thể thực hành pháp xả này, vì nó thuộc về hiểu biết, mà hiểu biết thì không luận tư thế như thế nào. Ví dụ: chúng ta có thể nói đến các điển tích kinh điển trong Phật giáo như: Ngài A Nan chứng thánh ở tư thế đang bổ nhào hay Huệ Năng giác ngộ trong lúc đang gánh củi.

Tiền thân Bồ Tát Thích Ca Giác Ngộ trong tư thế một chân đứng một chân co, khi đang trên đường lên núi hái thuốc. Đừng cố chấp hễ nói đến tu trong Phật Đạo là phải ngồi kiết già, lưng thẳng, hai răng nghiến chặt, lưỡi đưa lên đốc họng, tập trung tư tưởng vào một nơi chốn nào đó.

Hiểu như thế là sai với tinh thần tu tập của Phật Đạo. Đành rằng, cũng có những người ngồi mà Giác Ngộ hay chứng đạo quả Giải Thoát. Nhưng ngồi để làm gì, với hiểu biết như thế nào? Có lẽ câu hỏi này cần xem lại.

Hỏi: Phật Đạo nói rằng người tu hành phải đạt thành tựu Vô Niệm. Đưa hiểu biết vào tâm thức để làm thay đổi nhận thức là hữu niệm. Hữu niệm làm sao để trở thành tựu Vô Niệm?

Đáp: Giống như người kia mang vác trên vai 30 ký là có vật, nghe để biết 30 ký ấy vô ích là “hữu niệm”. Người này quăng bỏ từng vật một là “hữu niệm”. Khi không còn một vật, thì “niệm” quăng bỏ cũng dứt, khi ấy người ta mới đạt đến cái gọi là Vô Niệm.

Giống như nghe câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” và đưa tâm ý vào đó, để giản trạch câu nói ấy, và biến nó thành hữu niệm. Giản trạch xong, tâm không sanh, giản trạch cũng dứt theo, gọi là Vô niệm. Vì thế, chữ Vô Niệm trong Phật Đạo nhằm chỉ cho cảnh giới của người thấu suốt rồi, tâm thức tự xả bỏ, chứ không phải không biết gì hết mà gọi là Vô Niệm.

Hỏi: Nếu nói như vậy, cho đến bao giờ mới biết hết mọi thứ trên đời, để cho tâm trí được sảng khoái và khoáng đạt nhằm đạt được cái Vô niệm?

Đáp: Phật Đạo “không chủ trương dạy người biết hết mọi thứ trên đời” mà chỉ nhắm đến làm cho tâm hư dối này vĩnh viễn tịch diệt, để được Giải Thoát, để được Giác Ngộ. Vì thế, chỉ cần một niệm mà “thật sự thấu suốt tâm này không thật”, bỏ cái tâm hư dối xuống thì ngay đó là rốt ráo Vô niệm.

Hỏi: Thế nào là Chánh Niệm?

Đáp: Những niệm nào giúp ta thấu suốt, dẫn đến tịch diệt các niệm hư dối, gọi là Chánh Niệm.

Hỏi: Thế nào là “niệm hư dối”?

Đáp: Những nhớ nghĩ, suy tư nào làm cho ta bị cột trói, bị mê mờ, bị đảo điên, hay sinh tâm thì Phật Đạo gọi đó là niệm hư dối.

Hỏi: Chỉ cần Vô Niệm là đủ, thì cần gì đến quá trình thiền định để ra khỏi ba cõi, hiểu biết ngũ ấm, thấu rõ ngũ uẩn, cái gì là tâm, cái gì là pháp.

Đáp: Người đời do mê, nên mỗi thứ ấy là một loại niệm hư dối; khi nào không bị mê các thứ trên thì chỉ cần Vô Niệm là đủ.

- Giống như một người quảy trên vai ba chục ký gồm nhiều tạp vật... Nếu còn luyến tiếc, thì đối với mỗi món, cần phải hiểu rõ sự vô dụng của từng món, rồi theo thứ lớp mà bỏ...

- Nếu người có trí, tâm tình quyết đoán, nghe ba chục ký này chỉ toàn đồ vô ích, liền thật thấy nó là vô ích. Người này lập tức bỏ ngay, không phải dài dòng!

Phật Đạo có “đốn”, có “tiệm” cũng giống như hai loại người trên.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow