Nhận Thức Thường, Ngã, Lạc, Tịnh Của Sơ Ngộ

Người tu hành chưa thuần thục nghĩa trước thì Bồ Tát phải biết kham nhẫn, đợi thời cơ chín muồi mới có thể dạy pháp sau, nóng vội sẽ hư.

Tháng 3 7, 2022 - 21:22
Tháng 5 17, 2022 - 16:36
 0  146
Nhận Thức Thường, Ngã, Lạc, Tịnh Của Sơ Ngộ
Vô Đối Môn- Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Thưa ân sư! Hôm qua, sau khi chia tay người, trên đường về, con như người đã đặt gánh nặng xuống. Con chiêm nghiệm, đúng là cái ngã này luôn hiện hữu trong ta nhưng lại khó thấy khó biết. Nó giống như con mắt, nhìn thấy tất cả nhưng không nhìn thấy chính nó.

Cái ngã đã đi vào con mắt, đi vào lỗ tai, đi vào nghĩ suy để làm quan tòa phán xét mọi việc theo chủ kiến của mình. Nó làm hai công việc cùng một lúc: vừa đá bóng vừa thổi còi. Cái ngã hư dối hiện diện khắp mọi nơi. Nó rao giảng chân lý theo cách nhìn của nó. Nó đánh giá tất cả theo quan điểm của nó.

Nói chung, nó bắt người trí thành kẻ ngu, bắt người sáng thành mù tối, bắt kẻ đang thong dong trở thành nô lệ. Tuy nó hiện diện khắp mọi nơi, có mặt trong mọi lúc, nhưng khó nhìn ra, khó thấy được. Người không từ bỏ cái ngã mà cầu giải thoát thì cũng giống như kẻ ôm tảng đá lớn cầu bơi sang sông.

Không bỏ cục đá này xuống thì trên đường đời còn đi không đến nơi, huống chi là xây mộng qua sông. Cái ngã quái ác này, nếu không đủ duyên lành để gặp ân sư, có lẽ nó sẽ đeo đuổi con đến tận cùng đời vị lai. Thưa ân sư!

Suốt đêm, con ngồi tĩnh lặng trong cái vô ngã, hỷ lạc khinh an tràn đầy. Trong cái hỷ lạc khinh an ấy, con thấy mình sáng ra, không còn mù tối như trước đây. Đến gần khuya, hai chân của con tê nhức. Con nhìn ngắm nó, nhận ra cái đau nhức ấy không làm cho an lạc trong con mất đi, mà càng nhìn ngắm, an lạc càng tăng.

Con nghiệm ra, cảm thọ này chỉ do duyên hiệp, mà cái gì có hiệp nhất định có tan, như hai bàn tay chà vào nhau thì sinh hơi ấm, hai bàn tay rời nhau, hơi ấm tự diệt.

Ngã hư dối cũng thế, nó không thật. Khi xúc đối duyên, cho dù là ngoại duyên hay nội duyên mà để cho các duyên này hòa hiệp rồi mê mờ, nhất định ngã sẽ sanh, giống như hai bàn tay hòa hiệp, liền có hơi ấm. Thưa ân sư! Một khi ngã đã không còn hiện hữu, thì các cảm thọ cho dù khổ hay vui, cũng đều an lạc. Suy nghĩ đến đây, con mới hiểu ra, thế nào là đức tính an lạc của Niết Bàn. Khi ngã nhận khổ vui không còn, thì lạc thọ xuất hiện, hèn gì Phật dạy: “Quán thọ thị khổ”1.

Con lại quán tiếp thân này. Con quán từ ngón chân đến đỉnh đầu, quán từ da xương đến nội tạng, đúng là chẳng nơi đâu có ngã. Khi xong phép quán, con thấy thân này đồng như hư không, chỉ còn cái biết, tức trí thân này tồn tại. Con lại chiêm nghiệm tiếp, nếu ta từ bỏ, không nương tựa vào sắc thân này, không nương vào cái ngã để bảo rằng sắc thân này là của ta, thì bây giờ chỉ còn lại trí thân thanh tịnh. Con nhận ra, vì sao Phật dạy quán thân bất tịnh. Bây giờ, con mới hiểu được đức Tịnh của Niết Bàn.

Cho đến gần sáng, câu nói của ân sư hiện rất rõ trong con: “Ông với tôi cùng quy y Tứ Đế”. Khi chiêm nghiệm câu nói này, con chợt thấu suốt vì sao phải quy y Tứ Đế và vì sao Đạo Đế lại đi sau Diệt Đế.

Con chợt mỉm cười với suy nghĩ của mình. Cái ngã mèo chó này khi nào còn ngự trị thì làm sao mà sư tử xuất sanh? Diệt Đế chính là tánh mèo chó chết đi, mới có dịp sanh vào dòng sư tử. Có sanh vào dòng sư tử thì mới học cái đạo săn bắt của sư tử.

Học các loại đạo diệt khổ cho chúng sanh mới chân thật học cái đạo làm Phật. Thành tựu đạo làm Phật mới gọi là Phật Đạo.

Ngày xưa, con vẫn đinh ninh rằng: Phải có Đạo để tu hành, thì cái diệt mới chứng. Đâu ngờ, Đạo Giác Ngộ không thể lấy phàm tình mà hiểu ý thánh. Câu nói của Bậc Đạo Sư lại văng vẳng bên tai con: “Đây là đạo diệt khổ các ông phải tu học”.

Câu này, bây giờ cho con vỡ lẽ nhiều điều. Câu nói của bậc đạo sư vô thượng, người hiểu sai lại lấy làm của mình, cho nên giáo pháp trở nên lộn xộn. Thì ra người tu hành tưởng rằng cái mình đang tu hành đó là Đạo Đế, thật ra cái mà họ đang phân tích, thực hành, ứng dụng, thuộc Trạch Pháp Giác Chi 2. Trạch Pháp Giác Chi chính là phân tích cho đến cội nguồn của một pháp để Giác Ngộ.

Giác Chi mà lầm thành Chánh Đạo, cho nên chẳng thấy được Bát Chánh Đạo nằm sau Thất Giác Chi. Chưa hoàn thành các Giác Chi để chứng Giác Ngộ Diệt Đế, thì làm gì mà học được các thứ Đạo Diệt Khổ của chư Phật. Con lại chiêm nghiệm về Ngũ Phần Hương3, đúng là có chứng

    Diệt Đế Giải Thoát rồi, thì Giải Thoát Hương mới hiện. Có tu học tất cả các môn Giải Thoát của Phật Đạo đến thành tựu thì Giải Thoát Tri Kiến Hương mới lan tỏa.

    “Đây là đạo diệt khổ các ông phải học” lại hiểu nhầm thành cái mình đang ứng dụng để diệt khổ cho tự thân. Phải chi câu nói đó đổi thành: “Đây là các môn diệt khổ của chư Phật ba đời, các ông phải tu học để sau này giúp người”, thì đâu có khiến người hiểu lầm để rồi không có đường ra.

    Thưa ân sư! Chỉ có sư tử con mới cảm được tiếng gầm của sư tử chúa; chỉ có kẻ một phen Giác Ngộ thật sự mới thấu hiểu phần nào đó ý nghĩa lời kinh. Thưa ân sư! Ân đức mà người đã biến con từ con chó, con mèo trở thành dòng giống sư tử biết ngày nào mới đền đáp được đây? Xin người cho con theo chân tới tận cùng đời vị lai, để được hầu hạ người, mong học “cái đạo diệt khổ của ba đời chư Phật” tìm ra chân lý trong muôn vàn cái khó. Xin Ân Sư hứa khả!

    Đáp: Đạo diệt khổ của Chư Phật, chẳng phải của riêng tôi. Đạo pháp không phải gấp, nếu đủ duyên thì chung đường, đâu cần cầu thỉnh.

    Hỏi: Thưa Ân Sư! Kẻ sơ ngộ, trong bốn đức Thường, Ngã, Lạc, Tịnh của Niết Bàn, chỉ mới có chút manh mối về Lạc và Tịnh, vì rằng hai thứ này hiện rõ trong trí thân, và cảm thọ. Còn Ngã và Thường thì như thế nào, xin người cho con chút ánh sáng!

    Đáp: Giác Ngộ Diệt Đế Giải Thoát chỉ mới chớm thấy được hai đức tính đầu là Lạc và Tịnh của Niết Bàn như ông vừa mới nói. Còn hai đức sau là Ngã và Thường thì chỉ khi nào thành tựu Đạo Đế, tức học xong các môn Giải Thoát của chư Phật, gọi là thành tựu Nhất Thiết Trí, nhất định ông sẽ tự hiểu ra. Sẽ tự hiểu ra này, giống như ông hiểu về sơ nghĩa của hai chữ Lạc, Tịnh.

    Nói về sơ nghĩa của Lạc và Tịnh, những điều ông vừa nêu, chỉ là cái hiểu của “sơ tướng Giác Ngộ”, đừng lấy đó làm tự mãn, vì rằng bốn đức Thường, Ngã, Lạc, Tịnh của Đại Niết Bàn chẳng giống như mấy thứ đức nhỏ nhoi của Tiểu Niết Bàn mà ông vừa phát hiện. Mặc dù người liếm mép đĩa mật, vị ngọt chẳng khác người ăn nguyên đĩa mật, nhưng vị ngọt của mép đĩa mật chưa đủ để tiêu trừ hoàn toàn căn bệnh vô minh.

    Vì thế, hãy tiếp tục chiêm nghiệm, hãy tiếp tục tư duy, hãy tiếp tục làm cho cái ngã hư dối hoàn toàn tiêu thất.

    Nếu rảnh rỗi, nên tụng đọc các kinh giáo Bồ Tát, nhớ chỉ đọc phần chánh kinh văn, đừng đọc lời giảng giải, vì trong lẫn lộn giữa vàng và đá của lời giảng giải, vàng thì quá ít, thậm chí không có, còn đá thì quá nhiều. Sức của ông chưa đủ phân định đâu là vàng đâu là đá. Có khi lại ôm nhầm đá mà tưởng là vàng, chỉ tội cho công cất giữ.

    Hỏi: Thưa Ân Sư! Khi nghe lời vừa rồi của ngài, con lại phát hiện ra một điều, đó là ý nghĩa của Kham Nhẫn Ba La Mật 4. Phải rồi, ngày xưa con hiểu ý nghĩa của hai chữ kham nhẫn trở thành nhẫn nhục của người đời, hiểu không đúng, vì thế con suy diễn, người tu hành mà kham nhẫn trở thành kẻ tiêu cực. Bây giờ con mới biết, kham nhẫn thuộc Bồ Tát Đạo.

    Bồ Tát dạy người tu hành giống như nghệ nhân trồng kiểng, phải biết kham nhẫn, chưa đúng thời, các chi (nhánh) chưa già thì chớ có bẻ uốn, chưa có nắng gắt để nhựa bớt đi thì chớ có mạnh tay. Cành nhánh mà chưa già, khi uốn cây sẽ bị suy, khó phát triển, nhựa chưa bớt đi mà bẻ nhánh, nhánh này dễ gãy.

    Người tu hành chưa thuần thục nghĩa trước thì Bồ Tát phải biết kham nhẫn, đợi thời cơ chín muồi mới có thể dạy pháp sau, nóng vội sẽ hư. Vì thế, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật mới dạy một Pháp Sư phải hội đủ ba pháp, đó là: Vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật. Vào nhà Phật là vào tâm lượng Từ Bi, mặc áo Phật là phải biết nhẫn nại chờ đúng thời cơ mới tuyên nói Giáo Pháp, ngồi toà Phật là phải ngồi tòa rỗng rang. Mỗi lời nói, mỗi ý nghĩa, mỗi bước dặn dò của Ân Sư đều là bài pháp giúp con hết u tối.

    Đáp: Ông đúng là cơ trí bén nhạy. Ngày sau, ông sẽ thành tựu nhiều pháp lành.

    Hỏi: Con thường hay nghe nói, người tu hành Giác Ngộ, không thấy năng sở 5. Lại còn nghe các bạn tu hay nói: “Thấy như không thấy, nghe như không nghe”. Con tuy Giác Ngộ chưa sâu, nhưng cũng chẳng còn là người u tối như hồi xưa.

    Cái sự nghe, nhìn của con hiện giờ sáng suốt, thanh tịnh, không bị buộc ràng, luôn luôn an lạc. Tuy có sáng suốt, tuy được thanh tịnh, tuy không buộc ràng, tuy luôn an lạc, nhưng năng thấy của con không mất, sở thấy của con vẫn còn, khiến con có chút hoài nghi về mình. Xin Ân Sư chỉ điểm!

    Đáp: (cười lớn) Ông hiểu sai hai chữ năng sở trong Phật Đạo rồi, nên tâm phát sinh nghi ngờ.

    - Người Giác Ngộ càng sâu, thấy biết càng minh bạch, giống như tấm kiếng không bụi thì cảnh hiện rõ.

    - Nói không năng sở là: Nói trong không sinh năng tâm, ngoài không sinh sở pháp chứ chẳng phải nói không có thấy nghe. Không năng sở là: tâm không chấp năng tạo, ý không duyên sở tác,.. chứ chẳng phải không thấy biết sự việc.

    - Có thể hiểu, người đã Giác Ngộ, thấy nghe sự việc rất rõ, nhưng tâm không sinh đối đãi, thường như như bất động, ý thì biết sự việc tỏ tường, nhưng chẳng sinh quan niệm đây

    - Không năng tâm sở tâm, không năng pháp sở pháp, chứ chẳng phải tai ù mắt tối, ông chớ có hiểu lầm! Không tai ù mắt tối, thì thấy nghe thế nào mà lại nói, thấy như không thấy, nghe như không nghe?

    - Người Giác Ngộ chân chánh không bao giờ nói thế, bằng hữu của ông có ai đã thật sự Giác Ngộ đâu mà ông phải tin lời họ. Trong Phật Đạo, chỉ nói đến tâm và pháp, rời hai thứ này, chạy theo phân tích các duyên bên ngoài, muôn đời khó Giác Ngộ. Ông chớ quên điều này!

    ------------------

    1. Quán thọ thị khổ: quan sát các cảm thọ đều đưa đến khổ não.
    2. Trạch Pháp Giác Chi: là một trong số 37 Bồ Đề phần.
    3. Ngũ Phần Hương: Là 5 loại hương do giác ngộ từ cạn đến sâu mà thành tựu. Bao gồm: Giới Hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương.
    4. Kham Nhẫn Ba La Mật: là một trong 6 phép Ba la mật bao gồm: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
    5. Năng sở: Năng là chủ thể, sở là khách thể.

    Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

    like

    dislike

    love

    funny

    angry

    sad

    wow