Kiết Sử Từ Đâu Sanh?

Cái gốc của kiết sử từ đâu sanh?

Tháng 3 8, 2022 - 13:41
Tháng 7 30, 2022 - 07:14
 0  205
Kiết Sử Từ Đâu Sanh?
Vô Đối Môn - Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Âm thầm suy xét ngôn âm, tôi thấy bất kỳ mỗi lời hay nguyên câu nói đều có ý nghĩa của nó.

Đáp: Ông đã làm gì với ý nghĩa này?

Hỏi: Tôi suy ngẫm để hiểu ý nghĩa của từng câu, từng lời.

Đáp: Ngay lúc tôi và ông trao đổi, từ mỗi lời, mỗi câu, nếu ta tách riêng mỗi câu, mỗi lời thành hai phần riêng biệt, một bên là âm thanh, một bên là ý nghĩa, ông thấy thế nào?

Hỏi: Nếu tách riêng biệt, âm thanh và ý nghĩa ra thành hai phần. Tôi thấy trong âm thanh không có ý nghĩa.

Đáp: Ông thử liên hệ giữa thứ âm thanh mà ông thấy không có ý nghĩa đó và tiếng xe gắn máy của người đi ngoài đường, ông thấy thế nào?

Hỏi: Tôi thấy nó giống nhau.

Đáp: Khi thấy hai thứ âm thanh này giống nhau, giữa lời nói của tôi và tiếng xe chạy ngoài kia, ông thích âm thanh nào hơn?

Hỏi: Tôi không hề khởi lên ý niệm ham thích hay chán ghét một thứ âm thanh nào.

Đáp: Không ham thích, cũng chẳng chán ghét. Phật Đạo gọi đó là dứt điều gì?

Hỏi: Kiết sử.

Đáp: Như vậy, ông biết cái gốc của kiết sử từ đâu sanh hay không?

Hỏi: Biết! …Biết rất rõ! … Từ danh tướng mà sanh!

Đáp: Trong mỗi âm thanh, tự bản chất nó có danh và tướng hay không?

Hỏi: Tự thể nó không có danh hay tướng…

Đáp: Thế thì, danh tướng đó từ đâu sanh?

Hỏi: Từ tâm thức này duyên theo âm thanh mà sanh…

Đáp: Nếu tâm thức không duyên theo âm thanh để sanh danh tướng. Ông quay trở lại thân tâm này, và nhìn nhận theo cách mà ông vừa thấy biết, giữa thân và tâm có ý nghĩa gì không?

Hỏi: Tôi thấy “thân” này chỉ là “sắc”, còn “tâm” chỉ có tên gọi...

Đáp: Ông có biết “mười hai nhân duyên” hay không?

Hỏi: Có biết! …

Đáp: Cái “mầm danh sắc” trong mười hai nhân duyên nhằm chỉ cho điều gì?

Hỏi: Tôi hiểu rồi! … “Thân tâm” này, bản chất của nó chỉ là danh sắc…

Đáp: Nếu ta gói gọn “thân tâm” này trong phạm vi danh và sắc, không cho thức chen vào thì, nội lục nhập có thành lập được không?

Hỏi: “Nội lục nhập” cũng chỉ có tên gọi mà không có ý nghĩa…

Đáp: Nếu “Nội lục nhập” không có ý nghĩa thì những thứ như: xúc, thọ, ái, thủ là có hay là không?

Hỏi: Nội lục nhập chỉ là danh tự trống rỗng… xúc, thọ, ái, thủ, cũng chỉ là danh tự trống rỗng…

Đáp: Nếu các chi này đều trống rỗng… Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thế nào?

Hỏi: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức” cũng trống rỗng…

Đáp: Năm món này trống rỗng, nó có trói buộc được ông không?

Hỏi: Đã trống rỗng thì chẳng thể trói buộc được...

Đáp: Không trói buộc được thì năm món ấy có gọi là “ngũ ấm” hay không?

Hỏi: Chỉ có tên là năm món, chứ chẳng thể là ngũ ấm…

Đáp: Như vậy, ông biết cách làm thế nào để năm món: sắc, thọ, tưởng, hành, thức không trở thành ngũ ấm rồi chứ?

Hỏi: Tôi biết! … Tôi biết! …

Đáp: Nếu năm món chỉ rỗng không, năm món này có khác nhau chăng?

Hỏi: Không khác! … Tuy tên có năm, nhưng chỉ là một rỗng không không có ý nghĩa! …

Đáp: Ông có biết bài Bát Nhã Tâm Kinh hay không?

Hỏi: Có biết! …

Đáp: Nội dung bài kinh này nói gì?

Hỏi: Nói rằng ngũ uẩn giai không”! ...

Đáp: Vì sao “ngũ uẩn” đều không?

Hỏi: Vì tự thể nó rỗng không, chỉ có danh mà không có thực.

Đáp: Trên đời này, không riêng gì năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mà từ vi trần đến thế giới… Nếu tâm ý này không mê mờ, hết thảy có giống như cảm nhận của ông không?

Hỏi: Đồng như vậy! Nếu không mê mờ nơi các thứ ấy thì “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” cho đến vi trần lẫn thế giới đều chỉ có giả danh mà không có uẩn! …

Đáp: Ngũ uẩn giai không là nghĩa gì?

Hỏi: Nếu nó có một nghĩa gì, lập tức tất cả trở thành uẩn! …

Đáp: (Cười lớn) Năm món “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” hay nói khác đi, thân và tâm này có phải là ấm hay uẩn chăng?

Hỏi: Rốt ráo không! … Rốt ráo không! … Ấm chỉ do mê, uẩn chỉ do lầm... Dứt mê, hết lầm... Năm món này, cho đến thế giới kia chỉ là những viên pha lê trong suốt, không có tự tánh, cũng chẳng có tha tánh! … Giống như những hạt mưa từ trên trời rơi xuống, chẳng có tánh tự hay tánh tha!

Đáp: Ông quá tài! Mời uống trà, suy ngẫm để thấm nhuần ý nghĩa vừa thấy được.

Hỏi: Đúng là không phải như “bò nhai rơm khô” mà khéo dẫn dụ tâm người thì tất cả đều là “cam lồ thượng vị”! … Tôi chợt hiểu ra, thế nào là “Diệu Âm”. Không cắt nghĩa dài dòng, mà có thể khiến người hiểu được, cái này mới là “việc hy hữu” (hiếm có).

Đáp: “Rắn tức thị dây, dây thức thị rắn”… Tất cả chỉ tại cái … bóng… tối!…(Cười lớn)

Mời uống trà… Uống trà xong, ông hãy về tiếp tục chiêm nghiệm những điều vừa thấy, ngày mai tiếp tục…

Nghe nhiều quá, có khi đang sáng suốt trở thành ngu tối.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow