Chuyển Y Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Tháng 3 21, 2022 - 20:31
Tháng 7 1, 2022 - 21:32
 0  155
Chuyển Y Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Tâm tông & trò chơi trí tuệ - Tác Giả Lý Tứ

Các bạn! ... Tôn chỉ đầu tiên của tâm tông là chuyển hoá tâm kinh thành tâm tông để thành tựu bất nhị pháp môn, tức kinh với tâm không còn là hai pháp. Có nghĩa: "Kinh là tâm và tâm là kinh". Đây là tiền đề quan trọng để thành tựu trí tuệ vô tướng, gọi là thành tựu bát nhã trí, khác với tương tợ bát nhã của nhị thừa.

Thời gian vừa qua, trong yêu cầu này, nhằm giúp các bạn thấu suốt thật nghĩa của "tâmniệm", chúng ta đã khảo sát bản chất của tâm và niệm thông qua bản chất của hai nghĩa "sắckhông" trong bát nhã tâm kinh. Để tiếp tục công việc của tâm tông, chúng ta lại tiếp tục khảo sát bài bát nhã tâm kinh. Lần này, mình có vài câu hỏi gởi đến các bạn. Trong lúc các bạn tìm cách trả lời câu hỏi, đây cũng chính là lúc các bạn tập: “Rời xa kiến giải, thoát khỏi ảnh hưởng của văn tự quay trở về bổn tâm, lặng lẽ quan sát, từ đó mới có thể trả lời đúng câu hỏi”. Làm việc này, chính là một hình thức tu tập mới của tâm tông, tức "y nơi bổn tâm" để soi thấu (chiếu kiến) "bổn pháp", một dạng tu tập thông qua bát nhã trí.

  • CHTT/02 – Chuyển Y “Bát Nhã Tâm Kinh”

Trong bát nhã tâm kinh có đoạn văn sau: "Xá Lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm". (Xá Lợi Tử, các pháp đều không tướng, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh, không tăng, không giảm).

Lời kinh trên có nghĩa rằng: Này ông Xá Lợi Phất! Tất cả các khái niệm, quan niệm, nhận thức, nghĩ suy (pháp) đều không có tướng, vì thế nó không có tướng sanh, tướng diệt (vô tướng). Nó cũng chẳng có tánh dơ hay tánh sạch (không tánh). Cho nên, nó chẳng thể tăng, chẳng thể giảm (vô lực, vô tác dụng).

Xin hỏi:

1) Muốn thấu suốt thật nghĩa lời dạy này, người tu hành phải "dùng cái gì? (nương vào đâu)" để quan sát đoạn kinh trên?

2)  Lời dạy trên nhằm giúp người tu hành sau khi thấu suốt thật nghĩa, sẽ thành tựu điều gì trong Phật đạo?

3)  Sau khi đã chuyển y “lời kinh thành “tâm chứng”, các bạn ứng dụng chỗ chứng này như thế nào (bằng cách gì) vào đời sống hằng ngày?

Chú ý! Vì đây là câu hỏi của tâm tông, các câu trả lời phải thuộc về tâm chứng, mọi kiến giải hay suy lường đều không được chấp nhận! Mỗi câu trả lời của HĐ, chính là tự thân trình bày phần sở chứng của mình trước đại chúng. Vì thế, câu trả lời phải chín chắn, thể hiện sự thấu suốt và truyền tải được nét siêu việt của Tâm Tông.                                                                   (25-04-2016)

  • Gợi ý CHTT/02 – Chuyển Y “Bát Nhã Tâm Kinh”

Các bạn! ... Thật ra, các câu hỏi tâm tông vừa dễ lại vừa khó.

-  Dễ là, đối với những vị đã giác ngộ, sâu cạn không cần thiết, chỉ cần nhìn vào tâm này là có thể trả lời được ngay, lại không cần văn tự trau chuốt, nói theo cách của Ngũ Tổ là: "hễ thấy là thấy liền, vừa khởi suy lường liền sai."

- Khó là, nếu lấy kiến thức để suy lường, để cân đong đo đếm, rồi chọn phương án trả lời tối ưu thì không thể cho ra một kết quả đúng với yêu cầu tâm tông. Nó giống như sáng mua vé số, quyết lựa số trúng, nhưng chiều dò thành trật lất!               (26-04-2016)

Các bạn! ...  Có thể nói, đọc những câu trả lời của HĐ từ bữa đầu đến giờ, mình rất hoan hỷ. Sáng nay, mình có buổi nói chuyện thường lệ với HĐ Houston, mọi người đều tốt. Mình cũng rất vui mừng, từ lúc triển khai tâm tông đến nay, rất nhiều HĐ giác ngộ chắc thiệt. Họ thành tựu từ tâm chứng hẳn hoi, chẳng phải suy diễn bằng cái đầu hay dựa theo kiến thức rồi phán bừa!

Mình cảm nhận HĐ rất vững vàng. Mỗi người đều có chỗ thành tựu nhất định, có thể coi đây là kỳ tích, không ngờ tiền bán thế kỷ 21 mà lại có những con người tu hành thực chứng không khác chi thời chánh pháp. Có tâm sự với những vị đó mới thấy họ là những con người rất bình thường nhưng không tầm thường, những điều họ đạt được hiếm thấy xưa nay! Nhân niềm vui này, rất mong mọi HĐ đều có những thành tựu như vậy hoặc tốt hơn để mai này làm lợi ích cho đời.             (27-04-2016)

Các bạn! ...  Trả lời lần này của vị HĐ rất rõ ràng, chính xác. Không còn chạy theo kiến thức: “Hôm bữa, nhận được câu hỏi từ Thầy, khi ấy trong con nổi lên máu ngu và phóng dật, nó trú ẩn trong con lúc nào không hay, đọc xong câu hỏi thấy rất đơn giản, vội viết email gởi cho Thầy liền... Ha ha ha! Sự thật thiệt là tréo ngoe, kết quả 3 lần chẳng đúng. Thiệt buồn cười cho cái ngu phóng dật.”

Các bạn! ... Tâm tông đòi hỏi thực chứng, từ thực chứng sẽ cho ra chiều sâu nội tâm, từ chiều sâu nội tâm sẽ nhìn sự việc hoàn hảo, thấy được sự việc hoàn hảo sẽ “hết ngu”, từ “hết ngu” sẽ trở thành “kẻ trí”! ... Trí tuệ là đỉnh cao nhất của Phật đạo. Muốn có trí tuệ trong Phật đạo phải lần lượt trải qua (thành tựu) những địa vị nhất định của bồ tát đạo, gọi là chứng quả.

Trí tuệ càng sâu, quả vị (chứng) càng cao, chứng đến bao giờ không còn một quả nào nữa để chứng, gọi là bậc vô tu vô chứng. Giống như người xa quê hương nhiều năm tháng, trên đường quay trở về nhà, về đến nhà, người này thôi không còn đi nữa. Chính điều này, tất cả kinh Phật đều ca ngợi, tán thán bậc vô tu vô chứng. Vô tu vô chứng là không còn gì để tu để chứng nữa, như Thế Tôn của chúng ta!                                                               (28-04-2016)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow