Những Dấu Hiệu của Giác Ngộ

Tháng 3 21, 2022 - 20:36
Tháng 7 1, 2022 - 21:32
 0  131
Những Dấu Hiệu của Giác Ngộ
Tâm tông & trò chơi trí tuệ - Tác Giả Lý Tứ

Các bạn! ... Giác ngộ rất quan trọng, giác ngộ chính là sinh mạng thứ hai của người tu hành. Dù giác ngộ sâu hay cạn, giác ngộ luôn luôn là tài sản quý nhất mà người tu hành nào cũng mong muốn có được. Tu hành trong Phật đạo mà chưa một lần giác ngộ, cho dù đó là sơ ngộ thì vị tu hành này “chỉ như một người bình thường nhìn về Phật giáo”!

Không” hay “chưa giác ngộ”, kinh điển, lời thuyết pháp chỉ là thứ ngoại ngữ xa lạ. Nếu cố dùng tri thức để hiểu thì cũng giống như học thuộc thực đơn của nhà hàng, thuộc như cháo, nói vanh vách mà chẳng no béo gì! Còn người giác ngộ, cho dù sơ ngộ, đối với họ kinh điển, lời pháp chính là thức ăn là hơi thở. Tùy công đức, tuỳ chỗ ngộ mà hưởng được lợi ích từ lời kinh, từ lời thuyết pháp. Giống như người có tiền vào nhà hàng, tuỳ vào số tiền nhiều ít, sẽ được phục vụ những thức ăn tương xứng.

Xưa nay, người cầu đạo giác ngộ phải lặn lội, đôi khi băng rừng vượt suối đánh đổi cả sinh mạng để mong tìm được điều cần tìm. Thế nhưng, tìm kiếm đạo giác ngộ không dễ, nếu không nói như “mò kim đáy bể.  Ngày nay, tuy rằng sinh ra trong thời mạt pháp, nhưng HĐ chúng ta có được may mắn là đã tìm thấy một chút ánh sáng của đạo giác ngộ, một chút ánh sáng này tuy nhỏ nhưng nó cũng đủ sức soi rọi để chúng ta hết vô minh tăm tối. Thế thì chẳng còn lý do gì chúng ta không nỗ lực tinh tấn, không có lý do gì để chúng ta không cần cầu mong muốn có được chút ánh sáng này. Không lý do gì mãi mãi gìn giữ tiểu tâm như người đời để đón nhận phiền não mà không mở cửa lòng để đón nhận đại tâm, hầu thoát ra khỏi kiếp phàm phu nhỏ nhen, trở thành một đại trượng phu!

Các bạn! ... Giác ngộ không khó. Chỉ cần bỏ cái ngã này, chỉ cần quay lại nguồn tâm không chạy ra bên ngoài, chỉ cần không làm tôi mọi cho ý thức, từ bỏ mọi toan tính hơn thua như người đời, từ bỏ thứ “tâm hạ liệt” đố kỵ ganh ghét, từ bỏ chuyện thị phi phải quấy đúng sai, hãy tự coi mình "chẳng là cái đinh gì trong cuộc đời này". Làm được như thế, không cầu giác ngộ cũng đến, không mong vô minh cũng tiêu! Người giác ngộ nhất định sẽ tự biết mình đã giác ngộ hay chưa. Các dấu hiệu để ta có thể cảm nhận được rằng đây chính là tâm thế của một người giác ngộ:

−  Kiết sử tự mất, không còn tham sân si.

− Không dụng công mà thiền vẫn tự được, thường sinh hỷ lạc, thường thấy khinh an, không còn sợ hãi.

− Các thứ tiểu tâm bỗng dưng biến mất, như trời không mây (Đố kỵ, ganh ghét, bè phái, phiền não...).

− Thích độc cư thiền định, chẳng ưa bầy đàn, chẳng ham tranh đấu.

− Không thích chuyện đời, tránh xa thị phi phải quấy, chỉ thích tụng đọc, nghe thuyết, trao đổi Phật Pháp.

− Có tâm ít muốn biết đủ, không có tâm mong cầu.

− Thường sinh tâm vui mừng khi biết được có người vừa mới giác ngộ, giống như loài sư tử vui mừng khi biết rằng đang có sư tử con ra đời. (Khi nghe có người giác ngộ mà sinh tâm muộn phiền tật đố, phải biết cái tâm hạ liệt hãy còn, nếu giữ tâm này, rất khó giác ngộ)

− Không có tâm làm Thầy, vì chẳng ưa danh tướng.

− Tôn trọng chân lý, thường hay sinh trí tuệ, chẳng khởi niệm vô minh.

− Niết Bàn an vui chính là ngôi nhà, là nơi người giác ngộ an trú.

Có rất nhiều dấu hiệu để một người có thể tự nhận biết mình đã thật sự giác ngộ hay chưa. Nếu đã giác ngộ, mà thi thoảng vẫn còn có một vài điều chưa được như ý khởi lên, phải biết đó là tập khí vô thuỷ, lập tức ngăn chặn, dừng ngay, thì tâm sẽ bình yên trở lại.

                                                                                            (29-04-2016)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow