Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ – Thọ Niệm Xứ

Thọ niệm xứ là nói đến các cảm thọ, chúng sanh có ba loại cảm thọ: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thứ thọ này đối với nhị thừa đều y nơi thân cảm mà biết.

Tháng 3 12, 2022 - 17:32
Tháng 3 3, 2024 - 06:54
 0  86
Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ – Thọ Niệm Xứ
Phật Giáo Và Thiền - Tác Giả Lý Tứ

Nói thọ niệm xứ là nói đến các cảm thọ, chúng sanh có ba loại cảm thọ: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thứ thọ này đối với nhị thừa đều y nơi thân cảm mà biết. Tuy đồng y nơi thân cảm mà biết nhưng Thanh Văn không chú trọng nhiều đến cảm thọ, bởi họ chỉ thấy đối tượng chính là thân. Thân là đầu mối phát sinh các dục, vì vậy chỉ chuyên tâm giải quyết thân. Cho nên có thể coi cảm thọ hay thọ niệm xứ là đối tượng đặc trưng của Duyên Giác thừa.

Với Duyên Giác, không đặt nặng khái niệm về thân, họ chỉ quan sát thân cảm khi có những tiếp xúc hoặc biến đổi xảy ra, những biến đổi này tác động trực tiếp lên đời sống tu hành gây ra phiền muộn. Và từ những phiền muộn này họ nghiệm ra rằng cảm thọ là thủ phạm của mọi phiền phức, từ đó họ tìm xem nguyên nhân nào, do duyên gì mà các cảm thọ được sinh ra.  Và Duyên Giác cũng ý thức được rằng: Nếu dừng các cảm thọ nhất định sẽ có cứu cánh an lạc, bởi Phật dạy “thọ thị khổ.”

Chính quan niệm này thúc đẩy Duyên Giác nỗ lực quán sát tư duy nguyên nhân phát sinh các cảm thọ, và phương cách diệt trừ. Tuy nhiên cảm thọ cảm nhận thì dễ, thấy biết lại khó, vì rằng cảm thọ không chỉ sinh khởi trên thân, mà cảm thọ còn là một phần nhận biết của tâm, cho nên tri kiến của một Duyên Giác không đơn giản như một Thanh Văn.

Chính vì thế, thuyết Duyên Sinh và Mười Hai Nhân Duyên ra đời. Đối tượng khảo sát của thuyết duyên sinh là những thấy biết hiện tiền “đây có nên kia có,” tức có thân căn (sắc) nên cảm thọ hiện hữu, vì thân căn dời đổi (vô thường) nên cảm thọ sinh ra.

Trái lại, mười hai nhân duyên đào sâu nhận thức cảm thọ thuộc nguồn tâm (thọ, tưởng, hành, thức), thuyết này cho thấy nguyên nhân sâu xa của cảm thọ là “đây sinh nên kia sinh.” Muốn tìm hiểu nguyên nhân sinh khởi cảm thọ, phải tìm hiểu nguồn cơn từ nội lục nhập, động lực thúc đẩy căn duyên vào trần, thấy biết nguồn cơn này mới hiểu thấu nguyên uỷ phát sinh.

Thuyết này cũng cho thấy hệ quả từ cảm thọ gây nên, đó là ái thủ, một khi ái thủ hình thành thì hậu hữu thân (hữu) quyết định thành lập nên có sinh lão tử, ưu bi khổ não. “Như thế, là chỉ sinh khởi sự kết tụ những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực vậy.”

Khảo sát đoạn kinh Duyên Sinh sẽ thấy:

"Nay Phật, Pháp Vương, Chánh Biến Tri bảo các vị Tỳ Kheo: "Nếu ai thấy được Nhân Duyên, tức là người ấy thấy được Pháp; nếu ai thấy được Pháp tức là người ấy thấy được Phật," vậy trong này thời cái gì là Nhân Duyên? Nói là Nhân Duyên, thời: "Đây có nên kia có, đây sinh nên kia sinh." Như: Vô minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức, Thức duyên cho Danh sắc, Danh sắc duyên cho Lục nhập, Lục nhập duyên cho Xúc, Xúc duyên cho Thụ, Thụ duyên cho Ái, Ái duyên cho Thủ, Thủ duyên cho Hữu, Hữu duyên cho Sinh, Sinh duyên cho Lão tử, sầu, thán, khổ, ưu, não, sinh khởi được. Như thế, là chỉ sinh khởi sự kết tụ những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực vậy.”[[1]]

Chủ trương “đây có nên kia có” thì đơn giản, vì có thân nên có cảm thọ, thân nhận chịu vô thường (sắc vô thường) nên cảm thọ phát sinh. Chủ trương của Duyên Giác nhưng gần gũi Thanh Văn thừa, chỉ cần có chánh kiến về thân, điều phục thân đúng như pháp thì thân cảm không sanh. Thân cảm không sanh cho dù lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ có hay không, thân cũng không nhận chịu.

  • Sở dĩ thân không nhận chịu các cảm thọ này vì mối liên hệ giữa thân và cảm thọ được cách ly bằng tường vách kiên cố của Niết Bàn nhị thừa thông qua giới luật. Niết Bàn y nơi thân mà chứng. Vì thế có thể hiểu Niết Bàn của nhị thừa được thiết lập trên cơ sở ly thân triệt để.
  • Khái niệm vô ngã từ đây hình thành, chính khái niệm này là cản ngại lớn đối với Thanh Văn, Duyên Giác trên con đường hướng đến trí tuệ.
  • Nhị thừa không hề biết rằng chúng sanh bản nguyên không ngã. Dựa vào thân cảm cho đây là ngã, ly thân cho rằng vô ngã, hiểu biết này chỉ chấm dứt phiền não nhị biên, kinh gọi: Bỏ đây lấy kia, Niết Bàn có chọn lựa.

Vì thế sau khi mọi Thanh Văn, Duyên Giác đệ tử chứng thánh, Phật tuyên nói kinh Phương Đẳng để nâng tri kiến của họ đến một chuẩn chung đó là khái niệm TÂM. Tri kiến ở chuẩn này mới có thể tuyên nói: “Vạn pháp duy tâm,” một khái niệm mới về tâm và các pháp.

Chủ trương “đây sinh nên kia sinh” thì không đơn giản như hiểu biết “đây có nên kia có.” Chữ “có” ở đây là chấp nhận một hiện thực đã sẵn, chỉ cần triệt tiêu hiện thực này mọi thứ có thể tự diệt.

Ngược lại: “Đây sinh nên kia sinh,” chữ “sinh” không thuần túy như “có”, bởi nói sinh phải nói nguyên nhân nào sinh ra, từ đâu sinh, sinh cái gì, hệ quả của việc sinh khởi? Cái gì nhận chịu sinh khởi, muốn triệt tiêu nguyên nhân sinh khởi phải làm gì và bắt đầu từ đâu?

Nói chung, đó là một quá trình cần sự hiểu biết tường tận và tư duy thấu đáo nguồn cơn sinh diệt.

Vì thế, ở đây đòi hỏi muốn thấu suốt phải có một trí tuệ ngang tầm, cho nên có thể nói trí tuệ của Duyên Giác thâm sâu hơn Thanh Văn, dù Duyên Giác ngồi chung cỗ xe nhị thừa cùng Thanh Văn nhưng tri kiến không đồng.

Tuy cả hai cùng chứng A La Hán quả nhưng trí tuệ sai khác. Cũng cần minh định một số vấn đề: Nhị thừa đồng chứng A La Hán quả, nếu hồi tâm gọi là hồi tâm A La Hán, vị này phát tâm Vô Thượng Bồ Đề hành Bồ Tát đạo. Phật thọ ký thành Phật đủ mười danh hiệu ở đời vị lai.

Nếu nhị thừa không hồi tâm, vị này thủ chứng cho riêng mình, không có tâm hóa độ chúng sanh, quả chứng cao nhất là Bích Chi Phật quả. Độc Giác là những vị ra đời vào thời không có Phật, do túc duyên nhiều kiếp quá khứ trí tuệ khai phát tự tu tự chứng, các vị này gọi là Độc Giác Phật.

Tiếp tục khảo sát vấn đề, để làm rõ ý nghĩa “đây sinh nên kia sinh.” Phật tuyên nói mười hai nhân duyên nhằm thuyết minh nguyên nhân phát sinh cảm thọ và các hệ lụy của nó:

“Vô minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức, Thức duyên cho Danh sắc, Danh sắc duyên cho Lục nhập, Lục nhập duyên cho Xúc, Xúc duyên cho Thụ, Thụ duyên cho Ái, Ái duyên cho Thủ, Thủ duyên cho Hữu, Hữu duyên cho Sinh, Sinh duyên cho Lão tử, sầu, thán, khổ, ưu, não, sinh khởi được. Như thế, là chỉ sinh khởi sự kết tụ những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực vậy.”

Đoạn kinh này chỉ nói: “Vô minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức, Thức duyên cho Danh sắc….”

Khái niệm “duyên” được đặt ra, khái niệm này cho thấy mười hai pháp duyên cho nhau, tức nương vịn vào nhau mà thành, chữ duyên không hàm ý sinh ra, nên không nói: “Vô minh sinh hành, hành sinh thức….”

Khái niệm “duyên” rất quan trọng trong mười hai nhân duyên, khái niệm này đặt nền móng cho sự luân chuyển không chủ thể, bởi chỉ duyên nhau nên “đây sinh nên kia sinh,” chứ không phải “đây sinh ra kia.”

Nhờ sự duyên nhau không chủ thể nên chỉ cần dừng một chi, mọi duyên chấm dứt. Nếu có chủ thể để sinh, thì khi cắt một duyên, chủ thể này sẽ sinh khởi trở lại. Chính chữ duyên nói lên không có duyên nào là nhân sinh đầu tiên, tức không có chủ thể sinh khởi, cho nên mười hai nhân duyên thường ví như một vòng tròn bất tận, không thủy không chung.

Để cụ thể vấn đề, ta có thể hiểu mười hai nhân duyên giống như một đốm lửa di chuyển trong mười hai vị trí. Đốm lửa di chuyển quá nhanh tạo thành vòng tròn khép kín, thật ra vòng tròn kia không thực có, vì rằng chỉ cần dừng đốm lửa tại một điểm bất kỳ, vòng lửa nhất định tự dừng.

Thì cũng vậy, nói mười hai nhân duyên là cách mô tả sự dịch chuyển của vô minh qua mười hai điểm trong vòng đời một chúng sinh. Đến mỗi nơi vô minh thực hiện một chức năng khác nhau nên tên gọi cũng thay đổi cho phù hợp, thực chất trong mười hai chi từ vô minh đến sanh lão tử đều là vô minh.

Do vậy, chỉ cần chấm dứt một chi bất kỳ, thì vô minh tự diệt. Cho nên, một chi tự dừng, tức chấm dứt sự luân chuyển của vô minh, vô minh không tồn tại, sanh lão tử nhất định chấm dứt, giống như đốm lửa đã dừng thì vòng lửa cũng diệt.

Vì thế, hiểu đúng mười hai nhân duyên mới có thể giác ngộ, nếu hiểu sai hoặc không đúng, khó tìm thấy phương tiện tu hành nơi pháp này.

  • Thực tế có rất nhiều Phật tử hiểu “duyên” thành “sinh”, vô minh sinh hành, hành sinh thức. Vì do hiểu như vậy cho nên không đưa đến thấu triệt mười hai nhân duyên.

Bởi lẽ, vô minh không sinh cái gì cả, vô minh càng không thể sinh hành, nếu vô minh có sinh thì vô minh chỉ sinh vô minh. Dưa sinh dưa, đậu sinh đậu, làm gì có chuyện trồng dưa sinh đậu. Hay khác hơn, vô minh như bóng tối, bóng tối không sinh ma quỷ, bóng tối càng không sinh sợ hãi, nhưng có người duyên nơi bóng tối phát ra sợ sệt, sợ sệt này do bóng tối sinh ra chăng? Hoặc có thể hiểu, vô minh như nước, cá sống trong nước, nhưng nước chưa hề sinh ra cá. Do vậy, hành thức, nói chung mười một chi kia được tích chứa trong vô minh vô thủy, đủ duyên thì hiện. Khi hiện mặt nào mạnh nhất chức năng nổi trội hơn sẽ mang tên gọi của chức năng đó, tên gọi theo chức năng để dễ hiểu, dễ hình dung vấn đề. Cho nên một vô minh mà có đến mười hai tên.

Đành rằng: “Diệu lý chư Phật không can hệ gì đến văn tự,” nhưng nếu hiểu sai văn tự, nhất là những văn tự mang ý nghĩa quyết định thì không thể thấy được diệu lý.

Khi quán mười hai nhân duyên, Phật thọ ký đời sau quán THỌ. Quán thọ để dứt các cảm thọ; cảm thọ diệt ái dứt, ái dứt thủ diệt, thủ diệt hữu dứt, hữu dứt hậu hữu thân không thành lập, sinh lão tử chấm dứt, phiền não đoạn tận, ưu bi khổ não không còn. Muốn dứt thọ, phải quán hoàn diệt, tức tịch diệt nguyên nhân duyên sau sinh khởi, có thể hiểu “đây diệt nên kia diệt,” biện pháp này ngăn chặn nguyên nhân để chấm dứt kết quả.

Muốn chấm dứt cảm thọ hành giả phải quán xúc, khi quán xúc Phật dạy có ba thứ xúc: Minh xúc, vô minh xúc, phi minh phi vô minh xúc. Dừng xúc thì thọ không sanh, thọ không sanh hệ quả của nó cũng không sanh, ưu bi khổ não chấm dứt. Đoạn kinh sau nói rõ mười hai nhân duyên:

 “Có vô minh, đối với các cảnh giới khởi ra tham, sân, si; cái đối với cái cảnh giới khởi ra tham, sân, si ấy, ấy là vô minh duyên cho hành; cái mà đối với mọi sự thường phân biệt rõ ràng, gọi là "thức"; cùng với thức đồng sinh bốn ấm (sắc, thọ, tưởng, hành), gọi là danh sắc; y vào các căn của danh sắc, gọi là lục nhập; ba pháp hòa hợp (căn, trần, thức) gọi là xúc; biết cảm thọ sự xúc chạm ấy, gọi là thọ; tham đắm vào sự cảm thọ ấy, gọi là ái; tăng trưởng sự tham ái ấy, gọi là thủ; từ chỗ chấp-thủ ấy sinh ra "năng sinh nghiệp" (chủ động trong hành động sinh danh sắc khác), gọi là hữu; mà từ nhân kia (nghiệp) sinh ra năm ấm (danh sắc), gọi là sinh; sinh ra rồi năm ấm thành thục, gọi là lão (già); lão rồi năm ấm diệt hoại, gọi là tử (chết); trong khi sắp mất, nội tâm đủ cả tham đắm và nhiệt não, gọi là sầu (buồn rầu); từ chỗ sầu bi ấy, sinh ra những lời nói, gọi là thán (than thở); thân của năm thức chịu khổ, gọi là khổ; tác ý (khởi ra ý tưởng); ý thức chịu mọi sự khổ, gọi là ưu (lo); đủ những thứ trên như thế cùng những phiền não tùy thuộc, gọi là não.

Đen tối nhiều nên gọi là vô minh; tạo tác, nên gọi là chư hành (mọi hành động); phân biệt rõ ràng, nên gọi là thức; nương dựa nhau, nên gọi là danh sắc; làm cửa sinh khởi, nên gọi là lục nhập; xúc chạm, nên gọi là xúc; cảm thọ, nên gọi là thọ; khát khao, nên gọi là ái; chấp lấy, nên gọi là thủ; sinh khởi sự có thân sau này (hậu hữu thân), nên gọi là hữu; sinh ra năm ấm, nên gọi là sinh; năm ấm thành thục, nên gọi là lão; năm ấm diệt hoại, nên gọi là tử; buồn rầu, nên gọi là sầu; than thở, nên gọi là thán; não thân, nên gọi là khổ; não tâm, nên gọi là ưu; phiền não, nên gọi là não.’’[[2]]

Có thể nói thọ niệm xứ liên hệ đến nhiều vấn đề, trong đó cảm nhận từ thân đến tâm đều có (ngũ ấm). Do đó Duyên Giác khi quán cảm thọ thường thích tịch tĩnh, ở nơi thanh vắng, đây không phải là điều khó hiểu. Đối với họ, những vị tánh nết ham thích cô độc nên các món khổ như: Ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội không đủ sức tác động để làm cho những vị này phiền não, mà chính sự đổi thay vạn pháp, biến hoại thân tâm: Ngũ ấm xí thịnh khiến họ suy nghĩ và đặt vấn đề; với Duyên Giác đây là những vấn đề lớn cần giải quyết.

Phật là Đại Y Vương, những vấn đề hóc búa này được triển khai cụ thể bằng thuyết Duyên Sinh và Mười Hai Nhân Duyên. Khi hai điều này được Thế Tôn tuyên thuyết, đã giải quyết mọi trăn trở mà những con người có thể coi là lập dị như Duyên Giác cũng phải hoan hỷ kính lạy Thế Tôn, một Đại Đạo Sư đã: “Dựng lại những gì đã ngã đổ” để các vị này giải thoát khỏi trói buộc ba cõi.

Hai thừa Thanh Văn Duyên Giác đồng cầu xuất ly ba cõi, cho nên thuật ngữ “giải thoát” được đề cập nhiều trong các kinh giáo nhị thừa. Giải là mở ra, thoát là rời bỏ nơi cũ, Thanh Văn Duyên Giác đồng mở cột trói của căn nhà ngũ ấm để thoát ra khỏi nhà lửa tam giới.

[[1]] Trích kinh Duyên Sinh –HT Thích Tâm Châu dịch.

[[2]] Trích kinh Duyên Sinh –HT. Thích Tâm Châu dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow