Luận Về Phật Tri Kiến

Phật pháp hay Phật tri kiến chính là một chuỗi kiến thức giúp một người bình thường, sau khi học và thấu suốt chuỗi kiến thức, ứng dụng thông thuộc vào đời sống, người đó sẽ có thấy biết gần như một Đức Phật. “Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để, khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh”.

Tháng 3 26, 2022 - 22:18
Tháng 8 21, 2022 - 08:50
 0  58
Luận Về Phật Tri Kiến
Tâm tông & trò chơi trí tuệ - Tác Giả Lý Tứ

Các bạn! ...

• Tri: Biết, nhận thức...

• Kiến: Thấy, trực nhận, cảm nhận...

• Phật tri kiến là thấy biết của một đức Phật!

Tất nhiên, thấy biết của một đức Phật là như thế nào, hiện tại chúng ta chưa thể biết được. Vì, chúng ta chưa phải là một đức Phật! Nhưng, nhờ vào những lời dạy, những pháp lành mà đức Phật nói ra. Từ đó, chúng ta học tập, chúng ta thấm nhuần, dần dần, chúng ta cũng sẽ hiểu đức Phật ấy nói gì! Giống như thấy biết của một người Thầy giáo, học trò không thể biết được. Nhưng nếu, người học trò ấy siêng năng, chăm chỉ học tập, đến lúc nào đó, người học trò cũng hiểu ra người Thầy hiểu biết như thế nào! Thậm chí, gắng công học tập, sẽ có một ngày người học trò trở thành Thầy giáo!

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dạy rằng: “Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để khai, thị Phật tri kiến cho chúng sanh”.  Phật cũng đã dạy: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”! Và, hoài bão của chư Phật là: “Giúp hết thảy chúng sanh rồi cũng thành Phật như mình”. Điều này nói lên rằng, đối với Phật đạo, những ai cố công học tập, cố công rèn luyện “đúng với chánh pháp”, nhất định sẽ có một ngày, vị chúng sanh đó cũng trở thành một đức Phật! Kinh Diệu Pháp Liên Hoa dạy: “Phật đạo chỉ có một thừa, không có hai ba thừa...” Và cũng dạy: “Như Lai bình đẳng dùng một thứ ngữ ngôn, nhưng mỗi loài căn tánh sai khác, nghe ra các ý nghĩa sai khác...” Điều này có nghĩa rằng, một lời Phật thuyết ra, vì căn tánh không đồng, nên có đến vô lượng nghĩa. Hay cùng một pháp lành, nhưng chúng sanh căn tánh sai khác, nên đức Phật đã dùng vô số món nhân duyên thí dụ để khai diễn pháp lành đó! Hai khía cạnh được nêu, là cốt lõi hình thành Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa! Ta có thể nhận thấy hình ảnh của các sai biệt này qua những ví dụ sau:

Ví dụ một: Ngày xưa, ngoại đạo nhầm lẫn sắc, thọ, tưởng, hành, thứcngã, họ cất công tu tập, rèn luyện để hy vọng một trong năm món này trở thành bền chắc... Đức Phật, chỉ ra một chân lý bất biến đó là, bản chất của sắc, thọ, tưởng, hành, thức không hề là ngã vì năm món ấy vô thường. Vì thế, vô ngã là chân lý, chân lý này được thể hiện qua lời dạy: Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta...”. Ngũ ấm vô ngã là chân lý! Có nghĩa rằng, một hữu tình, từ thân, tâm đến nhận thức... trong đó không có gì là ngã! Thế nhưng, khi nghe những lời dạy như thế, do không thấu triệt ý nghĩa lời dạy, ba thừa hình thành ba quan điểm khác nhau về vô ngã, từ đó mỗi thừa tìm cho mình một phương cách để thể nhập vô ngã. Từ các nhận thức sai khác về chân lý vô ngã, người tu hành đã biến chân lý trở thành pháp phương tiện, và sự thấu đạt chân lý bằng những cách ấy nếu có, cũng chỉ giới hạn trong phạm vi quyền tiểu, tức một sự thể nhập không hoàn toàn rốt ráo như bản chất của chân lý ấy!

Ví dụ hai: Để chỉ ra một sự thật rằng, xưa nay, hữu tình không hề có tâm, Phật dùng vô số nhân duyên thí dụ để chỉ ra sự thật này, như: • Không nên trụ vào sắc để sanh tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp để sanh tâm! • Khi mắt thấy sắc, không nên nắm giữ các tướng cùng các quan niệm của sắc, không nên cho rằng sắc ấy đẹp hay xấu, ta thích sắc này hay không thích sắc này, sắc kia là vui hay buồn... Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi hương, lưỡi đối với các vị, thân đối với các xúc chạm, ý đối với các nghĩ suy cũng đều như vậy...

Tức không nên nắm giữ hình tướng cũng như các quan niệm về ngoại trần thông qua các căn và nhận thức không như pháp... Nếu nắm giữ hình tướng hay nắm giữ các quan niệm về ngoại trần thông qua các căn và nhận thức không như pháp, bất hạnh và lậu hoặc nhất định sẽ xảy ra trong tâm (vị ấy)!

Để thực hiện lời dạy này, thay vì dùng trí tuệ để trực nhận lời dạy hầu thành tựu một kết quả như pháp, rốt ráo không nắm giữ. Ba thừa với căn trí nhỏ hẹp, không thể một lúc có thể thấu triệt bằng chính năng lực trí tuệ của mình, từ đây hình thành những phương cách không nắm giữ khác nhau... Từ đó, pháp phương tiện ra đời, và cái gì hình thành từ phương tiện, thành quả của nó sẽ là một thứ thành quả tương đối, tức không thể là một thành quả như pháp, một thành quả không đúng với bản chất của vấn đề (chơn đế). Đây cũng là lý do vì sao, Phật đạo có những đạo quả sai biệt!

Học Phật tri kiến, hay thực hành bốn giai đoạn khai, thị, ngộ, nhập là các bước để người tu hành nhận diện, học tập, thấu triệt và ứng dụng hoàn hảo Phật tri kiến. Bốn giai đoạn này, giúp người tu hành hiểu được lời dạy của đức Phật, từ không rốt ráo đến rốt ráo, từ tư duy phân tích đến trực nhận, từ sơ ngộ đến liễu ngộ, hay nói khác hơn, khai thị ngộ nhập chính là bốn cung đường (đạo), đưa một chúng sanh u mê trở thành một vị Phật với đầy đủ trí tuệ!

Phật đạo hay Phật pháp là thứ chân lý về nhân sinh và vũ trụ (nhân sinh quan và vũ trụ quan) do đức Phật tìm thấy bằng chính sức mạnh trí tuệ của mình, nó chính là một quan niệm sống theo cách của các đức Phật! Do đó, để học tập chân lý này, ta cũng phải dùng chính năng lực trí tuệ của bản thân để thấu triệt lời dạy đó. Ở cấp độ nào đó, Phật pháp hay nhân sinh quan và vũ trụ quan (quan niệm về đời sống cá nhân và thế giới bên ngoài) của Phật đạo rất khác so với các loại nhân sinh quan và vũ trụ quan của thế gian, mặc dù Phật và người cùng chung sống trong thế giới vật chất này. Vì thế, nhân sinh và vũ trụ quan của Phật đạo, người đời rất khó nhận hiểu. Việc khó nhận hiểu, được tóm lược đại ý qua đoạn kinh sau: Thôi đi ông Xá Lợi Phất! Nhận thức của một đức Phật là không thể nghĩ bàn! Chỉ có Phật với Phật mới cảm thông! Nhận thức đó như thế nào, nếu ta nói ra, người đời sẽ rất là kinh sợ!”

Qua lời dạy này, ta có thể hiểu, thấy biết của một đức Phật hoàn toàn vượt ra ngoài nghĩ tưởng dưới hình thái triết lí thông thường! Văn, , tu là ba cách thức tối ưu, là ba phương pháp dùng trí tuệ để thấu triệt và thể nhập một vấn đề trong đạo pháp!

  • Văn, có nghĩa là tiếp nhận tri kiến... 
  • là dùng trí tuệ để tư duy, phân tích, phản biện nhằm thấu triệt ý nghĩa đích thực thứ tri kiến mà ta vừa tiếp nhận.
  • Tu, đạo hay hành động là, ứng dụng tri kiến đó vào đời sống, để tri kiến và đời sống (đạo) không còn là hai thứ, hay nói khác hơn ta đạo đạota, đạo và ta chẳng phải hai!

Văn và tư thuộc về khai và thị. Tu và đạo thuộc về ngộ và nhập. Văn, tư, tu, đạo chính là bốn bước chuyển hoá để khai, thị, ngộ, nhập trở thành hiện thực trong mỗi người tu hành! Để đào sâu, thấm nhuần, thực hiện tốt công việc tiếp nhận Phật tri kiến. Mình có một số câu hỏi như sau:

  • CÂU HỎI TCTT 2018/09 − Luận Về... “Phật Tri Kiến”

1) Về lý thuyết, một người rốt ráo chứng Diệt đế, mới có thể lãnh hội trọn vẹn Phật tri kiến! Xin hỏi: Người tu hành chưa chứng Diệt đế, có thể học tập Phật tri kiến được không?  Vì sao được?  Vì sao không?

− Nếu được, sau khi học, Phật tri kiến mà vị ấy tiếp thu sẽ trở thành điều gì?

− Nếu không, sau khi học, Phật tri kiến mà vị ấy tiếp thu sẽ trở thành điều gì?

2) “Việc học, ứng dụng Phật tri kiến” khác với “việc học, ứng dụng thế gian tri kiến” ở những “đặc điểm cơ bản” nào? Xin giải thích cụ thể và cho ví dụ?

3) Phật tri kiến có phải là “một sở pháp” hay không?

− Trường hợp nào, Phật tri kiến được coi là một sở pháp? 

− Trường hợp nào, Phật tri kiến không phải là một sở pháp?

Đề nghị giải thích trường hợp bạn chọn, và cho ví dụ nhằm làm sáng tỏ giải thích đó! Rất mong, nhận được những kiến giải bổ ích từ các bạn.                                                                     (02-08-2018)

GỢI Ý... TCTT 2019/09 − Luận Về... “Phật Tri Kiến”

Các bạn! ...  Thận trọng cũng có cái hay của nó, nhưng thận trọng quá mức đâm ra cũng có cái dở! Thay vì suy nghĩ lần đầu đã đúng rồi, tự phản biện một hồi, nhìn đâu cũng thấy sai. Thế là, từ một sợi chỉ, trở thành một cuồn chỉ rối. Càng gỡ, nó càng rối!

Các bạn! ...  Nhìn chung:

− Về phần trả lời: Hầu như mọi người đã đáp ứng được yêu cầu các câu hỏi đề ra.

− Về phương diện lí luận: Theo mình thì, lập luận của các bạn vẫn còn khá sơ sài, chung chung, chưa sắc sảo, vừa thừa vừa thiếu, khiến người đọc có cảm giác không thoả mãn.

− Về văn tự: Có bài, khi đọc lên, mình cảm giác như đang đọc một bài viết trên Internet”. Một chút gì đó chắp vá, quan điểm mơ hồ, không thể hiện được cái hồn, cũng như hiểu biết chân thật của người viết.

Các bạn! ...  Hiểu là một chuyện, lập luận để bảo vệ điều mình hiểu là một chuyện! Chúng ta không chủ trương đặt nặng lí luận! Nhưng, một khi cần lí luận để bảo vệ quan điểm của mình thì, lí luận đó phải đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, khoa học, và trong đó ngầm biểu lộ dáng dấp thông tuệ của đạo pháp! Có làm được như thế, lập luận chúng ta mới có thể nhiếp phục được người đọc (hoặc nghe)!

Thống lí đại chúng”, luôn là yêu cầu cao nhất của Phật đạo! Thống lí đại chúng bao gồm: Lập luận vững chắc, sức thuyết phục cao, ngữ ngôn vượt thoát, ngắn gọn dễ hiểu, ví dụ trong sáng, ý vị sâu thẳm, phong thái khoáng đạt, cận kề thời đại, có bản sắc riêng, v.v... Các điều nêu trên, là nét đặc trưng của Phật tri kiến, mà thống lí đại chúng là một phần tử quan trọng, không thể thiếu của thứ tri kiến kì đặc này! Học Phật tri kiến là, để thoát khỏi những tầm thường của kiếp nhân sinh. Sự vượt thoát ấy thể hiện qua cách nghĩ suy, cách sống, cách nhìn nhận, cách đặt vấn đề, cách suy luận, cách diễn đạt, cách tiếp cận, cách ứng xử, v.v... Nói chung, nó là văn hoá, là những quy tắc đã được thấm nhuần, thể hiện trong mọi giao thức xuất thế!

Mô hình Trò Chơi Trí Tuệ ra đời, với mong muốn, giúp chúng ta huân ướp Phật Tri Kiến Hương.  Một thứ hương được tổng hoà bởi Vô Lậu Giới Hương, Vô Lậu Định Hương, Vô Lậu Tuệ Hương, Vô Lậu Giải Thoát Hương và Vô Lậu Xuất Thế Tri Kiến Hương! Các thứ hương vừa kể, là những loại hương không bị chi phối bởi bất kì một tác động nào của thế giới hữu lậu! Nó chính là lực dụng tối ưu của phép “thống lý đại chúng”, một thành tố quan trọng của Phật tri kiến! Hy vọng, sau mỗi lần Trò Chơi Trí Tuệ xuất hiện, sẽ giúp các bạn có những bước tiến cao hơn, chắc thật hơn trên con đường dẫn đến đạo quả trí tuệ!  (03-08-2018)

Các câu hỏi lần này, cũng đặt ra nhiều phương án cho các bạn lựa chọn như các câu hỏi lần trước. Điều này cho thấy, Trò Chơi Trí Tuệ đã giúp thủ pháp điểm huyệt của các bạn có vẻ tốt hơn! Chúng ta tập chọn giải pháp đúng trong nhiều giải pháp, là hành động biến những gì đã học trở thành kĩ năng, khi kĩ năng hình thành, sẽ giúp các bạn mau chóng nhận ra thế nào là quyết định nghĩa! Trong Phật đạo, quyết định nghĩa rất quan trọng! Quyết định nghĩa giống như chọn đúng mã số để mở một ổ khoá. Các bạn thử tưởng tượng, trước mặt các bạn có vô số ổ khoá, trong đầu các bạn rất nhiều mã số. Nếu chúng ta không tìm ra mã số thích ứng với ổ khoá cần mở, sẽ không thể mở được cánh cửa!

Tâm thức của một hữu tình thay đổi vô thường, lúc thế này, lúc thế kia, nó giống như bị khoá bởi vô số ổ khoá khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Các pháp mà các bạn đã học, cũng nhiều như số lượng mã số các bạn có trong đầu! Để mở cánh cửa tâm thức của hữu tình vào một thời điểm nhất định, giống như phải tìm một mã số thích ứng để mở một ổ khoá trong vô vàn ổ khoá! Việc làm này không hề dễ dàng, nó đòi hỏi người mở khoá phải có những hiểu biết nhất định cộng với các kĩ năng đặc biệt!

Thuyết pháp để giúp người giác ngộ, tuần tự khai mở tâm trí vào những thời điểm khác nhau bằng những đạo quả khác nhau, giống như việc mở khoá nói trên, nó rất khác với những bài pháp nhằm triển khai giáo lí căn bản!

Triển khai giáo lí căn bản thuộc về Giáo Tông, giống như dạy người các thao tác kĩ thuật về việc mở các ổ khoá số, cùng lợi ích của nó... 

Khai mở tâm người thuộc về Tâm Tông, giống như chọn một mã số phù hợp với ổ khoá cần mở...

Việc khai mở tâm người, nếu ta không thiện xảo, không có quyết định nghĩa, vô tình để giây phút quan trọng trôi qua, hoang phí một thời cơ, là điều đáng tiếc! Mà thời cơ trong Phật đạo thường không nhiều, nếu để thời cơ vụt mất, việc tìm lại một đương cơ khả thi để mở ổ khoá lòng người là một điều không hề dễ dàng! Chúng ta thường nghe nói đến việc khai thị. Bản thân các bạn, ngoài việc thường xuyên được nghe mình trao đổi giáo lí cơ bản qua từng cấp độ tu tập dưới hình thức Giáo Tông... Ắt hẳn không ít lần các bạn đã được mình dùng thủ thuật nào đó, “mở ổ khoá tâm thức các bạn qua hình thức Tâm Tông! Và sau mỗi lần như thế, các bạn bỗng dưng thấy mình sáng ra, hiểu Phật pháp sâu hơn, cảm giác được nâng lên một tầng nhận thức mới, từ đó các bạn có cái nhìn khác, thấy biết khác, và cảm nhận như đang sống một đời sống khác bằng một con người khác!

Đây là hình thức Khai Nhãn Lực để người tu hành tuần tự thành tựu các thứ nhãn trong Phật đạo. Phật đạo có ít nhất năm thứ nhãn mà người tu hành phải trải qua. Cứ mỗi lần thay đổi nhãn lực, vị tu hành ấy như vừa...thoát...kiếp!...  Từ tăm tối đến sáng dần, rồi rực sáng... không phải là lẽ tự nhiên, mà nó là... là... là... hệ quả soi chiếu của mặt trời trong Thái Dương Hệ, và sự chuyển động theo một quỹ đạo nhất định của các hành tinh trong hệ này! Những lần đó, chính là những lần mình đã dùng mã số để mở cánh cửa tâm thức của các bạn bằng quyết định nghĩa!...  

Các bạn! ... Học Phật đạo đôi lúc không giống việc học ở đời!  Ngoài chuyện học kiến thức chuyên môn như ở đời, đặc trưng của Phật đạo là phải giác ngộ! Học kiến thức, giống như người ta học cách ngồi trên một chiếc thuyền như thế nào để chiếc thuyền không lật!  Giác ngộ giống như có ai đó tác động một lực vừa đủ để chiếc thuyền trôi đi! Ngồi để chiếc thuyền không tròng trành, tránh nguy cơ sông nước là một chuyện. Chiếc thuyền đi tới bằng cách gì lại là một chuyện khác!

Giáo Tông giống như học ngồi thuyền! Tâm Tông giống như học bơi để thuyền đi tới! Ban đầu chưa biết bơi, ta nhờ người khác đẩy... Đến khi phải làm Lão Lái Đò để đưa người sang sông thì, phải học cách chèo thôi! Câu nói bất hủ của Lục Tổ bên bờ sông Cửu Giang chắc các bạn còn nhớ! “Khi mê Thầy độ! Ngộ rồi phải tự độ!” ...   Nhưng chuyện độ người thì đến chừng nào và bằng cách gì?

Ngay bây giờ, chúng ta học tập những kĩ thuật cơ bản để đưa ra một “quyết định nghĩa”, chính là học bơi thuyền, bằng việc chọn phương án đúng. Việc làm này, giúp các bạn hình thành kĩ năng đặc biệt về việc chèo thuyền. Đầu tiên, học để thuyền của mình có thể đi tới, kế đến học để khai mở tâm trí người (cho thuyền của họ...cũng...đi!).

Trả lời đúng hay sai lúc này chưa quan trọng! Trước sai rồi sau đúng! Đây là lẽ tự nhiên của bất kì việc học nào trên đời. Đừng ngại! Chẳng ai sinh ra là Thánh cả! Vấn đề là, ta có chịu học hay không? Hôm nay có thể trả lời sai, nhưng ta quyết lập luận để bảo vệ cái sai thuyết phục thì, nhất định ngày sau, khi trả lời đúng lập luận bảo vệ của ta trở thành vô đối!                         (04-08-2018)

Các bạn! ...  Thực tế, các câu hỏi mình đưa ra trong những Trò Chơi Trí Tuệ gần đây, hoàn toàn không dễ! Nếu, không nắm vững giáo pháp, không được học tập bài bản, không có những thành tựu nhất định. Chắc chắn khó có thể trả lời thuyết phục những câu hỏi này!

Về ba câu hỏi của Trò Chơi Trí Tuệ lần này, chúng ta có thể trả lời từ “nhân”, có thể trả lời từ “quả”, có thể trả lời từ “thể”, có thể trả lời từ “dụng”, có thể trả lời từ “tánh”, có thể trả lời từ “tướng”, v.v... tất cả đều đúng! Và, sự phong phú, đa dạng đó đã thể hiện qua những trả lời của các bạn trong Trò Chơi Trí Tuệ lần này!

Vấn đề cốt lõi ở đây là, khi đã hiểu Phật tri kiến là gì, thì cho dù các bạn trả lời ở mặt nào (hoặc nhân, hoặc quả, hoặc thể, hoặc dụng...) cũng đều có thể đáp ứng được yêu cầu các câu hỏi đặt ra! 

Giống như có nhiều người đứng chung quanh chân một ngọn núi. Những người này đồng muốn lên đỉnh núi. Các bạn là người đang ở trên đỉnh núi. Từ đỉnh núi cao, các bạn quan sát rõ những người bên dưới. Do quan sát rõ từng người. Việc hướng dẫn những người ấy lên đỉnh núi không còn là việc khó. Ưu thế của trí tuệ là như vậy, giống như ưu thế của người đứng trên đỉnh núi.

Phật pháp hay Phật tri kiến chính là một chuỗi kiến thức giúp một người bình thường, sau khi học và thấu suốt chuỗi kiến thức, ứng dụng thông thuộc vào đời sống, người đó sẽ có thấy biết gần như một Đức Phật. “Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để, khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh”. Ta có thể hình dung, Phật tri kiến như một chiếc bánh khổng lồ, được chia thành bốn phần! 

− Có người ăn một phần tư (1/4) chiếc bánh, người này dứt tám món khổ nhân sinh... Hoàn thành Khổ đế!

− Có người ăn hai phần tư (2/4) chiếc bánh, người này đoạn tận kiết sử, lậu hoặc không còn sinh khởi... Hoàn thành Tập đế!

− Có người ăn ba phần tư (3/4) chiếc bánh, người này thấy được bổn tâm, kiến được bổn tánh, vĩnh viễn tâm thức không còn sanh diệt... Hoàn thành Diệt đế!

− Có người ăn trọn (4/4) chiếc bánh, người này thành tựu trí tuệ... Hoàn thành Đạo đế!

Bốn phần của chiếc bánh nói trên, chính là sự “chia nhỏ Phật tri kiến thành bốn Đế”! Nếu, ta coi:

− Khổ, Tập, Diệt, Đạo đế là “nhân”!

− Giác ngộ, giải thoát, trí tuệ là “quả”!

− Bất động, thanh tịnh, giác liễu là “thể”!

− Không tâm, không pháp, vô ngã, xuất thế là “dụng”!

− Kiến tánh giác, kiến tự tánh, kiến Phật tánh là “tánh”!

− Không tướng, không tánh, vô cấu, vô lậu là “tướng”!

Nói chung, Phật tri kiến có vô số nét đặc thù, chúng ta có thể dùng nhiều cách để thể hiện qua những ngữ nghĩa như thế! Như vậy, cho dù người ăn một phần hay người ăn cả chiếc bánh thì, tất cả đồng ăn một thứ bánh như nhau, đó là Phật tri kiến. Có khác chăng, do: Cơ duyên, năng lực, công đức, trí lực... khác nhau nên sự thừa hưởng lợi ích không giống nhau!

Vấn đề được đặt ra ở đây là, chiếc bánh bạn đã ăn “có đích thực là chiếc bánh Phật tri kiến hay không?”. Nếu đúng là chiếc bánh Phật tri kiến thì, chỉ trừ những người vô duyên bạc phước, hay hạng người tăng thượng mạn” ... mới không hưởng dụng lợi ích chắc thật từ chiếc bánh kia. Còn lại, tất cả những ai có nhu cầu thực sự, đều có thể ăn chiếc bánh Phật tri kiến mà chư Phật đã để lại cho thế gian, và thành tựu bốn lợi ích của nó là điều chắc chắn!

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu xem, chiếc bánh Phật tri kiến và chiếc bánh thế gian tri kiến “khác nhau ở những đặc điểm cơ bản” nào? Nếu, chúng ta hiểu được bốn lợi ích của chiếc bánh Phật tri kiến như đã trình bày ở trên, câu hỏi này không còn là câu hỏi khó. Từ đó, ta có thể quyết chắc rằng:

− Chiếc bánh nào, khi ăn vào, mà không thành tựu bốn lợi ích nêu trên, chắc hẳn đó là chiếc bánh thế gian tri kiến!

− Còn chiếc bánh nào khi ăn vào, ta và người có thể tìm thấy bốn thứ lợi ích nêu ở phần trên, chắc chắn đó là chiếc bánh Phật tri kiến.Nhân, quả, thể, dụng, tánh, tướng, v.v...” Chính là những chiếc cân đối chứng, là mực thước để chúng ta tìm ra đâu là chiếc bánh Phật tri kiến, và đâu là chiếc bánh thế gian tri kiến!

  • Về Phật tri kiến có phải là một sở pháphay không?

Mọi người đều biết rằng, Chư Phật là không pháp. Mà đã không pháp thì, pháp nào là năng, pháp nào là sở? Chư Phật không có một chiếc bánh nào cả, nhưng vì sức từ bi, vì công đức của chúng sanh, Như Lai hoá hiện ra vô số chiếc bánh Phật tri kiến. Các pháp lành này, được kinh Lăng Già mô tả qua hai câu kệ: 

      “Vì thương chúng sanh nên, Như lai vẽ các hình!”

Giống như cái trống, tự thân không có tiếng kêu. Nhưng nếu có người đánh, cái trống sẽ kêu đúng với mong muốn người đánh! Với người đánh, tiếng trống chính là một sở pháp làm nên những công dụng nhất định của nó!                          (06-08-2018)              

Các bạn! ...  Cùng câu hỏi, nhưng có HĐ trả lời thế này, có HĐ trả lời thế kia. Vì đây, chỉ là những câu trả lời chưa phải là những bài viết “Chuẩn Mực”, càng không mang trong nó tính “Giáo Khoa”. Tổng hợp lại, các bạn rút ra những kết luận, giúp bản thân tu tập tốt hơn! Chúng ta “đọc”, để đúc kết một điều gì đó cho riêng mình trong cách tư duy, lập luận và trả lời qua việc đọc những “bài viết trả lời” với tinh thần vừa nêu! Mình sẽ chuyển đến mọi người trả lời của HĐ chúng ta qua emails để HĐ “Tham Khảo” ... Từ đó, chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về việc tu học của HĐ Lý Gia! Không biết bức tranh Trò Chơi Trí Tuệ - 2018/09 là đẹp hay xấu? Nhưng đến đây, được coi là đã vẽ xong!     (06-08-2018)

Các bạn! ...  Từ TCTT 2018/07 đến... 18/08... rồi... 18/09... Có thể nói, đây là một cuộc chơi tưng bừng, không kém hào hứng được HĐ chúng ta đón nhận nồng nhiệt! Toàn cảnh bức tranh, với nhiều nét chấm phá, với nhiều mảng màu sáng tối khác nhau. Nhưng theo mình, ý nghĩa của nó là đồng nhất vị. Tất nhiên, như năm ngón tay trên một bàn tay, tuy dài ngắn khác nhau, nhưng nhờ sự co duỗi, hoạt động của chúng thống nhất, nên bàn tay đã làm được việc của mình! Bàn tay của Lý Gia cũng như vậy. Nó đã giúp chúng ta làm được việc cầm nắm giáo pháp một cách chắc chắn. Rồi đây, cũng bàn tay này, ngoài việc cầm nắm thông thường, chúng ta sẽ luyện tập, để nó có thể cầm nắm, hái bắt những vật xa hơn, cao hơn, nặng hơn. Mà những bàn tay bình thường không thể làm được!

Chúc các bạn an vui, tinh tấn! Xin hẹn gặp mọi người ở Trò Chơi Trí Tuệ - 2018/10!       

(07-08-2018)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow