Lại Nói Về Bát Nhã Tâm Kinh !!!

Ba mục tiêu của Phật đạo mà người tu hành phải đạt đến là: "GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT - TRÍ TUỆ" chứ không phải thứ gì khác !!!

Tháng 3 23, 2022 - 15:09
Tháng 2 7, 2023 - 21:13
 0  117
Lại Nói Về Bát Nhã Tâm Kinh !!!
Chuyện Bên Lề - Tác giả Lý Tứ

Các bạn !!!

Trong buổi sinh hoạt trực tuyến của Lý Gia vừa rồi, ngoài những câu hỏi quen thuộc chứa đựng trọng tâm của giáo pháp, lần này các HĐ còn có những thắc mắc liên quan đến bài Bát Nhã Tâm Kinh như:

- Làm thế nào để sắc, thọ, tưởng, hành, thức trở về đúng với tinh thần hai câu “sắc tức thị không và sắc bất dị không” ???

- Khi người tu hành “như thật thực chứng” sắc tức thị không, sắc bất dị không...v..v...thì, thực chứng này tương đương với đế nào trong bốn đế ???

- Sau khi thực chứng các nghĩa trên, người tu hành có cần học trí tuệ hay không ???

Những thắc mắc nêu trên, đã được HĐ chúng ta giải thích thoả đáng !!!

Để giúp HĐ nắm vững tinh thần bài Bát Nhã Tâm Kinh, mình xin có một vài đóng góp nhỏ, lược ghi lại như sau !!!

Các bạn !!!

Khi đọc Bát Nhã Tâm Kinh, ta sẽ thấy bố cục bài kinh được chia thành bốn phần !!!

- Phần I: Nêu rõ chỉ thú của bài kinh !!!

- Phần II: Tuyên thuyết thiệt tướng của thân tâm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) !!!

- Phần III: Tuyên thuyết thiệt tướng của các pháp (uẩn) !!!

- Phần IV: Xưng tán công đức của Bát Nhã Trí (Bát nhã Ba la mật đa) !!!

Phần I- Nêu rõ chỉ thú của bài kinh !!!

* Chánh văn:

“Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách".

* Tạm dịch:

Bồ tát Quán tự tại thể nhập sâu Bát nhã trí thì, thấy rằng năm uẩn đều không, nhờ thế vượt qua mọi khổ ách !!!

* Giải thích:

Đoạn kinh này, nêu rõ chỉ thú của bài kinh... Chỉ thú đó là, khi Bồ tát dùng “trí tuệ đáo bỉ ngạn” (trí tuệ của bậc giác ngộ) soi chiếu vào thân tâm và thấy rằng các uẩn đều không, nhờ thế vượt qua hết thảy khổ ách !!!

Như vậy ở chiều ngược lại, nếu công cụ soi chiếu thân tâm không phải là trí tuệ đáo bỉ ngạn, thì (khi soi chiếu) sẽ thấy “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” là “sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn” (khác không)...Đây là nguyên nhân gây ra mọi khổ ách !!!

Sở dĩ có sự sai khác ở hai cách soi chiếu này là vì:

- Chỉ có “trí tuệ đáo bỉ ngạn” mới cho phép người soi chiếu thấy thật tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức và “bản chất tự không” của nó... Tức bản chất của sắc, thọ, tưởng, hành, thức: Không uẩn, không ấm, không mê, không giác, không cột trói, không giải thoát, không trí, không ngu...v..v...(đồng như hư không) !!!

- Nếu không phải trí tuệ đáo bỉ ngạn, khi soi chiếu người soi chiếu sẽ chỉ thấy hư vọng tướng của thân tâm, đó là: Sắc trở thành sắc uẩn; thọ trở thành thọ uẩn...v..v... (khác không) nên khổ ách xuất hiện !!!

Đây là lí do vì sao đoạn kinh không nói: Quán tự tại Bồ tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không... Mà lại nói: Quán-tự-tại Bồ-tát “hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa” thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không !!! Câu này minh định, chỉ có Bát nhã Ba la mật đa mới là công cụ soi chiếu thù thắng để giúp ta nhìn thấy thật tướng thân tâm !!!

Phần II- Tuyên thuyết thiệt tướng của thân tâm !!!

* Chánh văn:

“Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị...”

* Tạm dịch:

Này Xá lợi tử! Sắc (thân) chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Bốn món còn lại (của tâm và trí) cũng đều như vậy !!!

* Giải thích:

Ý nghĩa đoạn kinh trên: Sau khi dùng “trí tuệ đáo bỉ ngạn” soi chiếu và thấy thật tướng của sắc (thân), thọ, tưởng, hành, thức “bản chất tự không”... Bồ tát tuyên thuyết với Xá lợi tử sự thật về năm món ấy !!!

Sự thật đó là, năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức bản nguyên không khác gì không... Hay khác hơn, năm món ấy bản nguyên đích thực chính là không !!! Tuyên thuyết này là tuyên ngôn khẳng định “giá trị thực” của năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức... Và trả năm món ấy trở về đúng với “giá trị thực” của nó (bằng không)... Giúp người hết mê lầm đảo tưởng từ năm món ấy do bị uẩn pháp che mờ !!!

Đoạn kinh này bị đa số hiểu lầm: Sắc (chỉ cho thân) trở thành sắc là trần, từ đó diễn dịch "tâm kinh" thành "vật kinh" !!! Ví dụ, khi nói đến sắc thân, họ hiểu nhầm thành sắc trần như bình, bàn, li, chén (cảnh vật)...v..v...rồi lí luận, khi các thứ ấy bị nghiền nát trở thành không, hoặc do thời gian biến hoại trở thành không, hay hết duyên trở thành không !!! Diễn dịch này chỉ đúng với sắc trần (hiện tượng tự nhiên), nhưng hoàn toàn không đúng với ý nghĩa bài kinh “nói về bản chất” của thân tâm !!! Vả chăng, bình bàn thì nghiền được, còn thọ, tưởng, hành, thức thì nghiền thế nào đây để thành không ??? Và, nếu hiểu theo cách diễn dịch trên thì Bồ tát cần gì phải “hành thâm Bát nhã Ba la mật đa” ???!!!

Phần III- Tuyên thuyết thiệt tướng của các pháp (uẩn)!!!

* Chánh văn:

“Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố....” !!!

* Tạm dịch: Xá lợi tử! Tất cả các pháp (bản chất) không tướng, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Trong đó (trong các pháp) cũng không có thân, không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (không sáu căn); không có màu sắc, âm thanh, mùi hương, các vị, xúc đối, quan niệm (không sáu trần); không có sự hiểu biết từ cái thấy cho đến không có sự hiểu biết từ ý thức (không sáu thức). Không có u tối, cũng không có việc làm cho hết u tối, thậm chí không có (tính chất hay hiện tượng của) già chết hay làm cho hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo, không trí, không đắc, cũng không có chỗ đắc (từ bản chất các pháp) !!!

* Giải thích:

Đoạn kinh này giải thích bản chất của của các pháp (một cách nói khác của uẩn) cũng tự không, tức bản chất của một quan niệm tự nó không tánh không tướng..v..v... được liệt kê chi tiết gồm các tánh tướng tiêu biểu như: Không tướng, không sanh diệt, không sạch dơ, không tăng giảm. Trong các pháp cũng không có thân tâm, không căn trần thức, không già chết, không làm cho hết già chết. Không có bốn đế, không có trí (ngu), không có sự chứng đắc, cũng không có sở đắc !!!

Ở chiều ngược lại, bản chất các pháp hay các uẩn là như thế, nhưng nếu ta không thấy thật tướng để rồi mê lầm các pháp... Lập tức các pháp (các uẩn) trở thành nguyên nhân tích chứa phiền não, khổ đau và in tuồng các pháp có những tính chất như đã liệt kê !!!

Trong thực tế, đoạn kinh trên bị rất nhiều người hiểu lầm do không nắm hết ý nghĩa, hoặc đọc mà không hiểu...v..v...từ đó, dẫn đến những lầm nhận thường thấy đó là: Lấy một phần nhỏ của đoạn kinh, cho rằng Phật đạo không có minh hay vô minh, không có già chết, không có chứng đắc, không có trí ngu, không có khổ tập diệt đạo.... Phủ nhận tất cả một cách cực đoan (dựa vào đoạn kinh sau “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố....”) !!!

Những người ấy không biết rằng, đoạn kinh giải thích bản chất các pháp không có những thứ như vậy, chứ không phải phủ nhận thực tế cuộc sống hay trong tu hành không có những điều như vậy !!! Nếu chúng ta không thấu đáo ý nghĩa đoạn kinh, sẽ trở thành kẻ chấp không một cách cực đoan, gây hoang mang, thậm chí tranh cãi với nhau một cách vô lí bắt nguồn từ sự không thấu suốt ý nghĩa khi đọc một văn bản !!!

Phần IV: Xưng tán công đức của Bát Nhã Trí (Bát nhã Ba la mật đa) !!!

* Chánh văn:

“Bồ đề tát đoả y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, Ba la yết đế. Ba la tăng yết đế Bồ đề tát bà ha.”

* Tạm dịch:

Các Bồ tát thành tựu Bát nhã trí, tâm không còn ngăn ngại, không bị (các pháp) làm cho ngăn ngại, không bị khủng bố (bởi các pháp), xa rời mọi đảo tưởng, (nhờ thế thành tựu) cứu cánh an vui (Niết bàn).

Ba đời chư Phật, cũng y vào Bát nhã trí mà thành tựu Phật quả !!!

Như thế mới biết rằng, Bát nhã trí chính là sức tổng trì lớn, là sự tổng trì sáng suốt nhất, là sự tổng trì tối thượng, là sự tổng trì không có một tổng trì nào sánh kịp, (sự tổng trì này) hay tiêu trừ tất cả khổ, đây là sự thật hiển nhiên không một chút hư nguỵ !!!

Vì thế, để ca ngợi sức tổng trì của Bát nhã trí, (trí này) phải được khuyến khích giúp người vững tin tu tập và tán thán như sau: “Hãy bước lên” (gaté), “Hãy bước đến phía bên kia” (paragaté), “Hãy đến hẳn phía bên kia” (parasamgaité), “Cứu cánh tối hậu của đạo pháp đang chờ bạn ở đó” (bodhi svaha) !!!

* Giải thích:

Đoạn kinh này, chủ yếu xưng tán công đức của trí tuệ đáo bỉ ngạn (trí tuệ của bờ kia) !!! Các Bồ tát, y nơi Bát nhã trí, tâm thức thành tựu những điều hi hữu !!! Ba đời chư Phật y nơi Bát nhã trí mà đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác...v..v...!!! Vì thế nó (Bát nhã trí) rất đáng được khuyến khích để mọi người học tập và rất đáng được ca ngợi, tán thán sức tổng trì siêu việt mà không một pháp nào siêu thắng hơn !!!

Các bạn !!!

Bát nhã tâm kinh là bài kinh cô đọng và lí thú !!! Càng đào sâu, càng thấm nhuần bài kinh...các bạn sẽ thấy sự thật của thân tâm và các pháp một cách sáng tỏ !!! Để có được sự sáng tỏ này, các bạn chỉ có thể nhìn thấy thông qua siêu công cụ là Bát nhã trí !!! Và, chỉ có cái thấy từ siêu công cụ thuộc về trí tuệ này, mới đưa các bạn đến đỉnh cao của đạo pháp !!! Đây là lí do vì sao, ba mục tiêu của Phật đạo mà người tu hành phải đạt đến là: "GIÁC NGỘ - GIẢI THOÁT - TRÍ TUỆ" chứ không phải thứ gì khác !!!

“Gate, gate, paragate, parasamgaite, bodhi svaha” !!! Chúc mọi người sớm thành tựu Bát nhã trí !!!

07/11/2020

LÝ TỨ

 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow