Pháp Môn Và Phép Tu

Sau khi nghe Phật dạy: “Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta”, Kiều Trần Như từ một ngoại đạo đang chống đối Phật liền chứng La Hán và thành đệ tử của Phật

Tháng 3 7, 2022 - 15:37
Tháng 5 17, 2022 - 16:37
 0  275
Pháp Môn Và Phép Tu
Vô Đối Môn- Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Nghe nói trong Phật Đạo có vô lượng Pháp Môn, tại sao trong hiện tại, chỉ thấy người tu hành nói đến ba Pháp Môn, đó là: Tu Thiền, Tu Tịnh hay Tu Mật?

Đáp: Tu Thiền, Tu Tịnh, Tu Mật là ba phép tu, ông lại hiểu lẫn lộn thành ba Pháp Môn.

Hỏi: Như vậy, thế nào mới là Pháp Môn của Phật Đạo?

Đáp: “Pháp Mônlà phép tắc, cách thức (pháp) mở cửa (môn) tâm (đạo). Câu kinh, lời pháp nào có thể giúp người: dập tắt phiền não, soi sáng vô minh, chuyển biến tâm thức, thẳng đến Niết Bàn, Minh Tâm Kiến Tánh, dứt mê đặng Giác, quạt gió Giải Thoát, khai thông Trí Tuệ, biến ngu thành trí, ra khỏi trầm luân, đi vào Chánh Đạo. Những câu kinh, lời pháp như vậy, Phật Đạo gọi đó là Pháp Môn.

Hỏi: Xin huynh dẫn chứng cụ thể, câu kinh nào, lời pháp nào thực hiện được yêu cầu của một Pháp Môn?

Đáp: Tất cả những lời kinh của Phật, lời dạy của bậc Đạo Sư đều ẩn chứa trong đó ý nghĩa khai mở tâm trí cho người, giúp người đi vào Chánh Đạo. Vì thế không lời kinh nào, không lời dạy nào chẳng phải là Pháp Môn. Ví dụ:

Sau khi nghe Phật dạy: Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta”, Kiều Trần Như từ một ngoại đạo đang chống đối Phật liền chứng La Hán và thành đệ tử của Phật. Cũng có Tỳ Kheo1 nghe Phật dạy đến câu: Pháp do duyên mà sanh, pháp theo duyên mà diệt”, Tỳ Kheo đó hoát nhiên dừng lặng tâm thức, đặt gánh nặng xuống; thôi không sanh tâm, thôi không sanh pháp, nhập vào dòng đạo. Hay kẻ giết người Ương Quật Ma La2, sau nghe Phật nói câu: “Ta dừng còn ông thì chưa dừng”, đã tiêu thất sát nghiệp, tâm trí tịch diệt; chứng quả A La Hán.

    Bà Vi Đề Hi 3 nghe Phật khai thị đến câu: “Khi tâm tưởng Phật, tâm ấy là Phật.”, liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, biết rằng nơi đây cũng chính là Cực Lạc.

    Hoặc như Lục Tổ Huệ Năng nghe Kinh Kim Cang, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, hoát nhiên thấy được cảnh giới không tâm.

    Kinh Lăng Già Phật dùng một chữ Phi để trả lời một trăm lẻ tám câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ, nhân chữ Phi này Bồ Tát Đại Huệ khai mở trí tuệ, thấu suốt diệu lý. Kinh Đại Thừa, trong một bài thuyết pháp của Phật, có vô số người đắc quả Tu Đà Hoàn, vô số người chứng Vô Sanh, vô số người phát Bồ Đề Tâm2, vô số người ra khỏi sanh diệt. Tất cả những lời dạy như thế đều là Pháp Môn trong Phật Đạo.

    Hỏi: Nếu nói rằng, tất cả lời kinh, lời dạy của bậc Đạo Sư đều là Pháp Môn, có thể đưa người đến cội nguồn Chánh Đạo. Vì sao trên đời này, có biết bao nhiêu người hàng ngày nghe kinh, được Đạo Sư thuyết pháp, lại không thấy một ai nhập vào Chánh Đạo?

    Đáp: Nói không có người nào nghe kinh, được Đạo Sư thuyết pháp mà không nhập vào Chánh Đạo là không đúng.

    Hỏi: Vì sao không đúng?

    Đáp: Ông có biết trên đời này có bao nhiêu người đang tu học trong Phật Đạo hay không? Và bản thân ông có quen biết hết những người đó chưa? Phải chăng, không lẽ có người Giác Ngộ vào Chánh Đạo, vị ấy mừng quá liền mở tiệc mời bạn bè đến ăn mừng, gọi nôm na là “rửa kiếp” như người đời mở tiệc rửa nhà, rửa xe, trúng số đề… hay sao mà ông nói rằng ông không thấy?

    Thậm chí, ngày xưa Huệ Năng nghe câu kinh hoát nhiên Giác Ngộ, âm thầm bỏ mẹ già đi phương xa cầu Ngũ Tổ. Đâu có rần rần tiệc tùng gì mà người khác biết.

    Hỏi: Nhưng, theo những gì ông vừa dẫn dụ, kinh Đại Thừa có vô số người chứng khi nghe Phật thuyết. Và hiện tại, theo tôi biết, cũng có vô số Pháp Sư đang thuyết Kinh Đại Thừa như Phật, sao không thấy ai chứng?

    Đáp: Đại Đạo Sư là Phật thuyết pháp, không giống Tiểu Đạo Sư là người đời thuyết pháp. Lấy voi so với thỏ, coi sao đặng (cười vang).

      Hỏi: Bản thân tôi, bằng hữu của tôi, tăng có, tục có, phần lớn ngày đêm đọc tụng Kinh Đại Thừa. Sao chẳng thấy có ai được những điều như ông vừa nêu?

      Đáp: Đọc là một chuyện, hiểu thấu ý nghĩa là một chuyện, vận dụng để ý nghĩa đó thành hiện thực trong đời sống lại là chuyện khác. Đâu phải nhất định hễ đọc là hiểu, hễ hiểu là có thể vận dụng được. Vì thế Phật Đạo mới có khẩu hiệu: “Văn, tư, tu”. Khẩu hiệu này nhằm chỉ ra rằng: Nghe một bài pháp, đọc một bài kinh; nghe pháp đọc kinh gọi là văn. Nghe, đọc xong rồi, đem điều mình đã nghe, đã đọc đó, dùng hết sức bình sinh, tìm chỗ thanh vắng lặng lẽ tư duy cho đến khi nào thấu đáo thật nghĩa của nó mới thôi. Động tác làm cho thấu đáo thật nghĩa, Phật Đạo gọi là tư. Thấu đáo thật nghĩa rồi, người ấy vận dụng sự thấu đáo này để biến nó thành đời sống; vận dụng để biến thành đời sống gọi là tu. Người không thực hiện đúng, không thực hiện như pháp ý nghĩa của văn tư tu, thì cho dù đọc rách hết kinh của Phật, nghe lời Đạo Sư đến thủng màng nhĩ thì cũng chẳng làm được gì. Tình cảnh này, chẳng khác: Ánh sáng không thể soi rọi người mù, âm thanh không thể lay động người điếc.

      Vì thế phần lớn câu khẩu hiệu: “Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa” luôn luôn bị người tu hành hô xong rồi… bỏ.

      Hỏi: Giải thích ba chữ “văn, tư, tu” như nghĩa vừa rồi, thì hình như hết thảy người tu hành, hiểu lầm chữ thành chữ Tu. Hễ thấy ai ngồi lim dim hai con mắt, họ liền bảo rằng đó là người đang tu. Và hễ là người tu, thì phải ngồi lim dim hai con mắt.

      Đáp: Cái này ông nói, chứ tôi thì….không dám nói. Nhớ đừng có chối.

      Hỏi: Như vậy đối với người mù, người điếc thì nên làm gì để họ hết mù, hết điếc mà có thể Giác Ngộ?

      Đáp: Thì hãy chữa cho người mù hết mù, người điếc hết điếc trước cái đã.

      Hỏi: Trong Phật Đạo, cái gì làm cho họ mù đối với lời kinh. Cái gì làm cho họ điếc đối với tiếng pháp?

      Đáp: Có vô số cái làm cho người sáng mắt trở thành mù tối, đang nghe tốt trở thành kẻ điếc trong Phật Đạo. Đó là do những nguyên nhân sau: sự ngã mạn, tham sân si, chấp nhất, hồ đồ, ngây thơ, háo danh, không biết lắng nghe,… Ngoài ra, còn phải kể đến tật lười tư duy, thích khoe khoang một cách sáo rỗng. Đừng khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Ai nói lời phải, khuyên nhủ điều đúng đắn thì phải biết lắng nghe. Nên nghe nhiều hơn và nói ít đi, đừng như một số kẻ chỉ nghe bằng một tai nhưng nhiều lời, như thể có ba bốn cái miệng. Phàm làm việc gì cũng phải có chủ kiến của mình, đừng chạy theo đám đông một cách vô bổ… Nói chung, có vô số cái làm cho một người tu tập trở thành kẻ đui mù.

      Hỏi: Như vậy, các phép tu hành người ta hay dùng ở đời như, Tu Thiền, Tu Tịnh, Tu Mật có thể nào trở thành Pháp môn giúp người vào Chánh Đạo hay không?

      Đáp: Tất nhiên là được, vì hết thảy pháp đều là Phật pháp. Ngày xưa, ngoại đạo cất công tu phép của ngoại đạo, đến khi gặp Phật, Phật cũng nương nơi những gì người đó tu tập trong quá khứ để mở cửa Chánh Đạo cho họ, giúp họ Giác Ngộ. Ví dụ như: Tu Bạt Đa La5 là một ngoại đạo, chứng đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Phật y nơi chỗ sở đắc của ông này, giúp ông ta Giác Ngộ, chứng quả Vô Sanh.

      Hỏi: Nếu những người tu như vậy, cặm cụi với phép tu, không gặp Thiện Tri Thức khai mở tâm trí thì có thể tự mình Giác Ngộ để đi vào Chánh Đạo hay không?

      Đáp: Tất cả các pháp tu đều là thế pháp, kể cả các phép như: Tam Ma Đề, Xa Ma Tha, Thiền Định đều khó có thể đưa người đến Giác Ngộ trong Phật Đạo.

      Vì Đạo Giác Ngộ giúp con người ta tìm ra Chánh Đạo. Bởi lẽ không do tu mà thành, không do chấp nhất mà được, không do thiếu trí mà biết.

      Tuy nhiên, nếu có người thực hành những phép tu đó, siêng năng nhất quyết mài mòn phàm tâm, thực hiện đời sống thiểu dục tri túc, thường quở trách cái ngã, hay ngăn chặn chướng đạo, tinh tấn đọc tụng kinh điển, thường thấy được lỗi họa ba cõi, không chấp nhất pháp mình đang tu, nhất tâm tinh cần quan sát tư duy những lời Phật dạy, mong cầu được Giác Ngộ như Chánh Đạo. Nhờ những điều như vậy, khi hội đủ công đức, trí tuệ sáng suốt, trong bất chợt nào đó, vị này có thể Giác Ngộ thế nào là Chánh Đạo. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm trong đời. Những người như vậy thuộc hạng “kỳ lân trong loài người”, như Hoa Ưu Đàm Bát La ngàn năm mới nở một lần, khó có được. Còn kẻ nào chấp nhất, coi cái mình đang dụng công là tối thượng, quyết cặm cụi nơi đây tin rằng trong đó có cứu cánh, thì rất khó... Rất khó!

      Hỏi: Vì sao cặm cụi tu những phép như vậy khó mà Giác Ngộ được Chánh Đạo?

      Đáp: Như đã nói ở trên, tất cả các phép tu đều là phép làm ra, là hữu vi pháp, nên khó có thể Giác Ngộ Chánh Đạo, không thể thành tựu cứu cánh vô vi.

      Vì rằng, Chánh Đạo không phải đạo làm ra, nhân hữu vi thì chẳng thể chứng quả vô vi, đường thế gian không thể đến ngõ xuất thế; chìa khoá phàm tục không thể mở chốt khoá Giải Thoát. Có vô số lý do mà một người nhất quyết nắm giữ phép tu không thể Giác Ngộ. Nó giống như một người không thể nắm tóc của mình để nhắc thân này rời khỏi mặt đất; ngồi trong thau, lại mong muốn bưng cái thau lên, những chuyện như  vậy, hầu như không thể thực hiện được.

      Hỏi: Như vậy, Đức Phật do tu cái gì mà thành?

      Đáp: Đức Phật do trí tuệ thấu suốt mà thành, nên gọi là Đấng Vô Thượng Trí.

      Hỏi: Sao có kinh nói Đức Phật nhiều đời trước đã tu hành dưới các Đức Phật, lại còn được Phật Nhiên Đăng thọ ký?

      Đáp: Ông đang hỏi trong hiện đời tu hành, hay hỏi nhân duyên tiền kiếp? Trong hiện đời của Đức Phật thì kinh dạy: “Do trí tuệ thấu suốt mà thành”. Còn trong đời kiếp quá khứ, kinh nói rằng: Hồi còn là Bồ Tát, đã theo học các Đức Phật xưa, rồi được Phật Nhiên Đăng6 thọ ký. Trong kiếp đời cuối cùng, Bồ Tát Thích Ca đã được Phật Bút Đa khai mở để thấy Phật tính. Mà chuyện của Phật, ông hỏi để làm gì?

      Nếu ông biết được Đức Phật do đâu mà thành, thì chắc bản thân ông đã… thành Phật từ lâu rồi, đâu có đợi đến hôm nay. Vì thế, tu hành trong Phật Đạo, nếu là người chín chắn thì chỉ nên hỏi những câu hỏi mang tính ứng dụng cao như: Phật dạy tôi làm điều gì? Tôi đã làm đến đâu?

      Còn những ai bỏ công tìm hiểu những chuyện xa vời như: Đức Phật do đâu mà thành? Hoặc “cái ngã” của Phật là gì? Những câu hỏi đại loại như thế, Phật Giáo gọi là hý luận7

      Giống như người bị tên độc, không lo trị vết thương, chỉ lo tìm xem ai đã bắn mình. Hạng người như thế, sẽ chết trước khi tìm ra câu trả lời.

      Hỏi: Nếu cặm cụi tu hành trong các phép tu, không gặp bậc Đạo Sư khai mở tâm trí, cũng không tự mình giác ngộ Chánh Đạo thì có được lợi ích gì không?

      Đáp: Có.

      Hỏi: Vậy lợi ích cụ thể của nó là gì?

      Đáp: Lợi ích đó là: Có thời gian tu hành, ít làm việc ác, hơn người không tu. Nếu nói lợi ích thì thiếu gì.

      Hỏi: “Pháp Môn vô lượng thệ nguyện học”, biết học ở đâu?

      Đáp: Học ở những vị nào biết hết những pháp môn đó.

      Hỏi: Trên đời này, biết tìm những vị đó ở đâu?

      Đáp: Ở trong tâm nguyện cầu đạo của ông, ở nơi duyên lành gặp gỡ.

      Không ở trong cái ngã, không ở trong sự lười biếng .

      Hỏi: Tiêu chuẩn nào cho một người đi cầu học các Pháp Môn?

      Đáp: Muốn biết tiêu chuẩn như thế nào để có thể cầu học các món này thì nên hỏi Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, hỏi Tát Đà Ba Luân trong Kinh Đại Bát Nhã, hỏi tiền thân Phật hồi còn làm Bồ Tát trong Kinh Đại Niết Bàn…

      Hỏi: Tôi sẽ về đọc các kinh đó sau, còn trong hiện tại, có thể sơ lược các tiêu chuẩn này được không?

      Đáp: Tất nhiên là có thể được, nhưng chỉ sợ nói ra các tiêu chuẩn này, sẽ làm ông sợ mà không dám tin, không dám thực hiện.

      Hỏi: Tôi tin mình, không sợ và có thể cầu học.

      Đáp: Pháp Môn từ nơi Nhất Thiết Trí 8 mà có, từ nơi Nhất Thiết Chủng Trí mà hóa hiện, từ nơi Bát Nhã Trí mà thành.

      Muốn cầu Nhất Thiết Trí phải tâm như hư không, các công đức có được đều hồi hướng cho hết thảy chúng sanh.

      Muốn cầu Nhất Thiết Chủng Trí 9 phải đem thân làm cầu cho vạn loại chúng sanh đi qua, dám quỳ lạy con quỷ La Sát để được nghe hai câu kệ.

      Muốn cầu Bát Nhã Trí 10 phải dám khoét thân làm đèn, phải biết cắt từng cân thịt của thân này đem bán, đặng mua vật phẩm cúng dường cho bậc Đạo Sư. Giống như Tát Đà Ba Luân cắt từng cân thịt của thân để bán; giống như Thiện Tài Đồng Tử quên mình vì hết thảy chúng sanh; giống như tiền thân Bồ Tát đem thân làm cầu cho bầy nai chạy qua; giống như

      Tiên Nhân quỳ lạy con quỷ La Sát để cầu nghe hai câu kệ…

      Những ai muốn cầu học Vô Thượng Pháp Môn đều phải có tâm ý dõng mãnh như vậy, còn chưa có được tâm ý này thì đây chỉ là chuyện trên trời, nghe kể cho vui tai rồi.. bỏ…!

      --------------------

      1. Tỳ Kheo: Là danh từ phiên âm từ chữ bhikkhu trong tiếng Pali và chữ bhiksu trong tiếng Phạn, chỉ người khất sĩ.
      2. Ương Quật Ma La: là một kẻ giết người man rợ ở vương quốc Kiều Tất La được Đức Phật giáo hóa, chứng quả A La Hán.
      3. Vi Đề Hy: Hoàng hậu của nước Ma Kiệt Đà, đau khổ vì đứa con bạo ngược, sau này nương nhờ thần lực của Phật để cảm hóa con
      4. Phát Bồ Đề Tâm: Phát tâm thành Phật, còn gọi Phát tâm Vô thượng Bồ đề.
      5. Tu Đạt Ba La: Tên người đệ tử cuối cùng, được Phật giáo hóa trước khi nhập Niết Bàn.
      6. Phật Nhiên Đăng: hay Nhiên Đăng Cổ Phật là vị Phật thứ tư trong số 8 vị Phật.
      7. Hý luận: Lời nói chỉ để mua
      8. Nhất Thiết Trí: Tên gọi một thứ trí của Bồ tát, Phật.
      9. Nhất Thiết Chủng Trí: Tên gọi một thứ trí của một vị Phật đủ 10 danh hiệu (Đẳng Chánh Giác)
      10. Bát Nhã Trí: Là sự thông tuệ của người giác ngộ.

      Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

      like

      dislike

      love

      funny

      angry

      sad

      wow