Giác Quán Pháp Tu Ba Tam Muội Là Gì?

Giác Ngộ có nhiều tầng bậc, có cạn có sâu. Vì thế, người tu hành nếu chưa viên mãn, sẽ có trong họ hai thứ nhận thức. Đó là, một ít thiện một ít ác, một ít trí một ít ngu. Vị tu hành này, vừa thấy Tánh Giác cũng còn một phần thừa sót của ý thức… Cho nên, người này dễ lầm nhận giữa hai cái thấy…

Tháng 3 8, 2022 - 16:11
Tháng 10 26, 2022 - 14:21
 0  251
Giác Quán Pháp Tu Ba Tam Muội Là Gì?
Vô Đối Môn - Tác Giả Lý Tứ

Hỏi: Phật Đạo có hai thuật ngữ “Giác, Quán”, xin hỏi ý nghĩa đích thực của hai thuật ngữ này là gì?

Đáp: Giác, Quán là hai thuật ngữ chuyên dụng của Phật Đạo. Hai thuật ngữ này, giúp người tu hành điều phục tâm, nhằm đưa tâm đạt mục tiêu đề ra.

- Giác: Thuộc về nhận thức.

Ví dụ: Người tu hành nhận thức rằng, ba cõi chỉ do mê tâm lập thành, chứ thực tế bản chất của tâm tự nó không có ba cõi.

Ví dụ: Người tu hành nhận thức rằng, bổn lai chúng sanh không tâm, vì không tâm nên tạm gọi là chân tâm.

Ví dụ: Người tu hành nhận thức rằng, các pháp tự nó không tánh, tự nó thanh tịnh, nếu mê pháp sẽ bị pháp trói buộc...

Ví dụ: Người tu hành nhận thức rằng, tất cả các pháp chỉ từ hiểu biết này sanh ra, bản lai tự hữu tình không pháp...

Tóm lại, những nhận thức nào của người tu hành đúng với tinh thần Phật Đạo gọi là “Giác”.

- Quán: Thuộc về suy xét, phân tích, tìm kiếm.

Ví dụ: Người tu hành suy xét, phân tích, tìm kiếm những gì thuộc về Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.

Ví dụ: Người tu hành suy xét, phân tích, tìm kiếm những gì là “bất thiện pháp” có khuynh hướng làm mê tâm này.

Ví dụ: Người tu hành suy xét, phân tích, tìm kiếm những gì là “ác pháp” có năng lực làm chướng Niết Bàn.

Ví dụ: Người tu hành suy xét, phân tích, tìm kiếm... những gì Phật Đạo gọi đó là “pháp”, và thấy được ý nghĩa thật sự của “một pháp”...

Ví dụ: Người tu hành suy xét, phân tích, tìm kiếm... pháp này từ đâu sanh, và nó có nguy hại gì cho con đường tìm về cứu cánh (không pháp)...

Nói chung, những hành động nào của ý căn, giúp người tu hành nhận ra “điều gì đã làm cho ta không thấy được cứu cánh như thật” trong Phật Đạo thì gọi là “Quán”.

Hỏi: Ngoài việc dùng Pháp Quán của ý căn nhằm soi xét, phân tích, tìm kiếm bất thiện pháp, ác pháp và chướng đạo, người tu hành có còn dùng nó để tìm kiếm, suy xét, phân tích những gì thuộc về thiện pháp, thiện đạo hay không?

Đáp: Tất nhiên là người tu hành phải dùng cả hai pháp Giác và Quán để thấy biết được những gì là thiện, thuộc về thiện pháp và nhận thức con đường nào là thiện đạo. Vì thế mới có Thiện Giác Quán và Ác Giác Quán.

Hỏi: Thế nào là Thiện Giác Quán và thế nào là Ác Giác Quán?

Đáp:

- Thiện Giác Quán: Là những Giác Quán nào có năng lực giúp người tu hành thành tựu cứu cánh như pháp trước mắt.

Ví dụ: Người tu hành hướng tâm đến từ bỏ năm dục để ra khỏi Dục Giới. Và người này suy xét, tìm kiếm, phân tích những gì Phật Đạo gọi là dục, những gì thuộc về dục, đem tâm từ bỏ nó. Cho đến khi nào tâm không còn bị trói buộc bởi dục nữa, đó gọi là Thiện Giác Quán.

- Ác Giác Quán: Là những Giác Quán nào đi ngược lại cứu cánh của Phật Đạo. Khi tâm ý khởi lên, Giác Quán này làm trở ngại cứu cánh, hoặc có khuynh hướng làm trở ngại cứu cánh trước mắt, đối với người tu hành trong Phật Đạo.

Ví dụ: Người tu hành do hiểu biết sai lệch nên có nhận thức rằng, muốn được cứu cánh an vui, phải là người đầy đủ các dục, phải được trưởng dưỡng bởi năm dục. Do nhận thức như thế nên ý căn của vị này luôn luôn suy xét, phân tích, tìm cầu các thiện pháp nơi dục và tâm vị này thích thú với vị ngọt của các dục. Chính sự tìm cầu, suy xét, phân tích và tâm thích thú vị ngọt của dục (cho rằng dục là thiện) đã làm người tu hành này không thể ra khỏi trói buộc của dục, không thể đắc thành cứu cánh trước mắt thoát ly Dục Giới. Hành động này Phật Đạo gọi là Ác Giác Quán.

Hỏi: Xin giải thích về ba Tam Muội: Có Giác có Quán, Không Giác có Quán, Không Giác không Quán.

Đáp: Ba Tam Muội này khi thành tựu sẽ đưa đến cứu cánh “Bất Động Giải Thoát”. Và, tiến trình để người tu hành thành tựu Bất Động Giải Thoát phải lần lượt trải qua ba giai đoạn sau:

- Tam Muội có Giác có Quán: Người tu hành sau khi nhận thức thế nào là Bổn Tâm, vị tu hành này hướng nguồn tâm về đúng với nhận thức đã có, gọi là Giác. Trong quá trình hướng tâm như thế, các ác pháp, bất thiện pháp và chướng đạo khởi lên.

Vị này suy xét, phân tích, tìm kiếm những nguy hại của các ác pháp, bất thiện pháp và chướng đạo này. Sau khi thấy được như thế, vị này nhất tâm làm cho ác pháp, bất thiện pháp và chướng đạo tịch diệt, gọi là Quán. Khi pháp quán thành tựu, pháp quán tự xả. Vị này ở yên nơi Bổn Tâm thanh tịnh gọi là thành tựu Tam Muội có Giác có Quán.

- Tam Muội không Giác có Quán: Tuy đã biết thế nào là Bổn Tâm, nếm được một chút ý vị thanh tịnh. nhưng tập khí, thói quen, nhiễm ô vô thủy còn thừa sót lại, vì thế các pháp và ưu phiền tâm vẫn còn sanh khởi. Chính các pháp và ưu phiền tâm sanh khởi, làm cho người tu hành không thể hoàn toàn thể nhập Giác Tâm.

Giống như người ngủ mê chợt tỉnh, nhưng chưa hoàn toàn tỉnh hẳn nên không biết mình là ai, đang ở đâu. Vị tu hành này suy xét, phân tích, tìm kiếm lại những pháp và ưu phiền này từ đâu sanh, bổn lai một hữu tình có những thứ này hay không. Quán như thế đến bao giờ ưu phiền và các pháp hoàn toàn tịch diệt, thể nhập vào “bản lai không tâm không pháp”. Làm như vậy, Phật Đạo gọi là tu Tam Muội không Giác có Quán.

- Tam Muội không Giác không Quán: Là cảnh giới của người thể nhập Diệt Đế thành tựu hai Vô Ngã, chứng Bất Động Giải Thoát. Vị tu hành này hoàn toàn thể nhập Diệt Đế, thành tựu hai Vô Ngã, chứng Bất Động Giải Thoát.

Tâm vị này hoàn toàn Bất Động, ý vị này rốt ráo Giải Thoát nên gọi là vị này chứng Tam Muội không Giác không Quán. Giống như một người lưu lạc phương xa, chịu cảnh khốn cùng, nay về đến quê xưa, tâm không còn lo sợ, ý không còn toan tính, an vui thanh thản.

Tóm lại, ba Tam Muội nói trên giúp người tu hành chứng Diệt Đế, thể nhập Bất Động Giải Thoát ra khỏi mọi chủng tánh, thành tựu Vô Vi chủng tánh. Vị này từ đây vĩnh viễn chấm dứt Giác Quán. Giống như người học trò đã giải được bài toán khó, tâm không còn lo sợ, ý không còn tìm cầu cách giải. Vị tu hành sau khi lần lượt trải qua ba phép tu như vậy giống như người đã giải hoàn hảo bài toán ba cõi. Kết quả tìm được giống như kết quả của đáp án. Kết quả của đáp án chính là “Thức Tự Bổn Tâm”.

Hỏi: Vì sao ba phép tu này gọi là Tam Muội?

Đáp: Gọi là Tam Muội vì rằng, vị này sau khi thành tựu ba phép tu nói trên, tuy biết rất rõ thế nào là Bất Động Giải Thoát. nhưng chỉ “Kiến Thiệt Tế” chứ không “Chứng Thiệt Tế”.

Do biết được con đường của Phật Đạo ở phía trước còn rất dài nên vị này không dừng trụ ở đó. Và vì “nguyện xưa” nên vị này một lần nữa Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề cầu học những quả vị cao hơn.

Hỏi: Nếu người tu hành biết được Bổn Tâm, thể nhập Bất Động Giải Thoát, từ đây vĩnh viễn chấm dứt Giác Quán thì lấy gì để phát khởi tu học tiếp?

Đáp: Sau khi thấy được Bổn Tâm, chứng Bất Động Giải Thoát, vị này vĩnh viễn chấm dứt Giác Quán.

Người tu hành này còn một giai đoạn nữa đó là “Kiến Tánh”. Sau khi Kiến Tánh, Tánh Giác sẽ có chức năng thay thế ý thức trong công việc học tập.

Sự học tập và suy xét của giai đoạn này thuộc về Tánh Giác chứ không phải của ý thức. Có nghĩa rằng, những gì của ý thức không thể tiếp cận các cảnh giới sau này.

Vì thế kinh Phương Đẳng thường hay có cụm từ “Bất Khả”. Ví dụ như: “Bất khả tư nghì”, “Bất khả suy lường… Các cụm từ này nhằm cảnh báo và giúp người tu hành loại khỏi nguy cơ dùng ý thức để xâm nhập cảnh giới xuất thế.

Hỏi: Xin hỏi, khác biệt giữa sự nhận biết của Tánh Giác và ý thức là như thế nào?

Đáp: Sự nhận biết giữa Tánh Giác và ý thức khác nhau rất xa. Mỗi thứ có một đặc điểm của nó:

  • Tánh Giác: Thấy thật tướng.
  • Ý thức: Thấy hư vọng tướng.
  • Tánh Giác: Vì thấy thật tướng nên biết rất rõ thế nào là chánh, thế nào là tà. Vị này không thể lẫn lộn hai thứ chánh tà được.
  • Ý thức: Vì thấy hư vọng tướng nên hay sanh hư vọng phân biệt, sanh hư vọng Giác Quán, vì thế hư vọng tâm sanh khởi, đưa đến không biết chân thật điều gì là chánh, điều gì là tà, điều gì thuộc về đời, điều gì thuộc về đạo. Cho nên, cái thấy của ý thức thường đưa đến nhầm lẫn hai thứ nói trên.
  • Tánh Giác: Thấy là thấy ngay, không phải thông qua suy lường. Vì thế, cái thấy của Tánh Giác luôn luôn cho ra an
  • Ý thức: Sau khi thấy, phải nhờ đến suy lường mới biết rõ. Vì thế trong cái suy lường sẽ khiến ta không được an vui, hay sinh mệt mỏi chán nản.

4.a. Tánh Giác: Là một cái thấy biết nào đó không có sự hiện hữu của Ngã. Vì thế, người thấy bằng Tánh Giác luôn luôn cho ra kết quả an nhiên, tịch tĩnh, của trạng thái đắc thiền định. Giống như nạp không khí vào hư không, dù nạp, nén thế nào hư không cũng không tăng, không giảm, không có chủ thể đón nhận. Vì thế, cái thấy của Tánh Giác không đưa đến việc “mất cân bằng trong đời sống”!

4.b. Ý thức: Cái thấy luôn kèm theo bóng dáng của ngã. Vì thế, cái thấy này không có an nhiên, tịch tĩnh, luôn trong tâm trạng muốn chứng minh, muốn giải nói, muốn người khác biết được mình đã thấy như vậy. Giống như nén không khí vào một quả bóng, nếu tiếp tục nén, quả bóng này sẽ nổ hoặc sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. Để một thời gian, nếu không nạp tiếp, quả bóng sẽ tự xẹp vì mất cân bằng áp suất trong và ngoài quả bóng, dẫn đến không khí thẩm thấu ra bên ngoài. Cho nên, cái thấy của ý thức luôn luôn làm cho “đời sống mất cân bằng”.

  • Tánh Giác: Sẽ cho ra một cái thấy vô hạn. Vì thế cái thấy của Tánh Giác sẽ đưa đến “Trí Tuệ Vô Thượng” trong vị lai. 
  • Ý thức: Một cái thấy hữu hạn (thuộc nghiệp). Giống như việc học thế gian, nên nó luôn luôn xảy ra những mặt đối lập trong chính tự thân cái thấy. Vì thế, không đưa đến thành tựu rốt ráo Niết Bàn, thậm chí hay sanh muộn phiền.
  • Tánh Giác: Là cái thấy bản nhiên nên cái thấy này giải bài toán cuộc đời không thông qua đấu tranh, một cái thấy tích cực. Vì thế trong cái thấy này không đưa đến “mâu thuẫn nội tại”.
  • Ý thức: Cái thấy có chứa mầm mống của ngã và đấu Vì thế, cái thấy này sẽ giải quyết bài toán cuộc đời và Đạo Pháp theo hướng tiêu cực, luôn luôn ẩn chứa mầm mống của mâu thuẫn nội tại. Cho nên, kết quả của nó ở vị lai là không an vui và nhất định có đấu tranh.

Nói chung, thấy biết của Tánh Giác và Ý Thức có rất nhiều điểm khác biệt. Căn cứ vào những khác biệt này, người tu hành có thể tu tập và chọn lựa cho mình một cái thấy như pháp. Nếu không biết điều này, lầm nhận giữa ý thức và Tánh Giác khi thấy biết là điều không thể tránh khỏi.

Hỏi: Người tu hành có thể lựa chọn cho mình một cái thấy hoặc là Tánh Giác hoặc là ý thức hay sao?

Đáp: Giống như nước chưa hoàn toàn lóng trong và còn một chút nhiễm ô, thì thứ nước này vừa trong vừa sạch, vừa đục vừa nhơ...

Giác Ngộ có nhiều tầng bậc, có cạn có sâu. Vì thế, người tu hành nếu chưa viên mãn, sẽ có trong họ hai thứ nhận thức. Đó là, một ít thiện một ít ác, một ít trí một ít ngu. Vị tu hành này, vừa thấy Tánh Giác cũng còn một phần thừa sót của ý thức… Cho nên, người này dễ lầm nhận giữa hai cái thấy…

Giống như ví dụ trong Kinh Niết Bàn: “Có người đi vào lúc trời chập choạng tối, đằng xa là một dãy đen ngòm, người này không biết đó là đàn trâu hay dãy núi…”. Cái thấy của người chưa viên mãn Trí Tuệ cũng như vậy.

Cho nên mới nói, tuy hai thứ vô minh là căn bản và nhuận chi, mặc dù đã dứt, nhưng vô minh trụ địa thì hãy còn. Giống như lòng đỏ và lòng trắng của quả trứng đã bị nấu chín, không thể thành tựu một con gà con được nữa, nhưng “vỏ trứng hãy còn”. Vô minh trụ địa, chính là cái nôi ý thức đã làm nên và nuôi lớn hữu tình bao đời nay.

Vì thế, mặc dù đã Giác Ngộ, nhưng sự lẫn lộn giữa ý thức và Tánh Giác trong thấy biết là điều người tu hành rất khó đoạn dứt (trừ người ở yên nơi thật tế cho đến viên mãn quả vị). Cho đến chừng nào, Trí Tuệ thật sự đơm hoa kết trái, chừng ấy ý thức mới có thể tịch diệt vĩnh viễn.

Tóm lại, những sai biệt nêu trên chính là bảng tham chiếu giữa Trí và Ý. Có được công cụ này, sẽ giúp việc tu hành hoàn thiện hơn, tránh tìm cầu nơi những điều vô ích.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow