Cầu Nguyện Được Hay Không Được?

Vấn đề ở đây, không phải chuyện cầu người khác giúp đỡ là tốt hay xấu, là nên hay không nên mà, điều chúng ta cần bàn là, cầu tha lực có được toại nguyện hay không ???

Tháng 3 6, 2022 - 12:24
Tháng 3 19, 2023 - 07:25
 0  55
Cầu Nguyện Được Hay Không Được?
Lý Tứ Hỏi Đáp Số 9

Các bạn !!!
Thời gian gần đầy, mình nhận được rất nhiều thắc mắc từ bạn đọc, xoay chung quanh đề tài cầu nguyện…Vì nhiều người hỏi các câu hỏi khác nhau nhưng nội dung hầu như giống nhau, nên mình tạm sắp xếp các câu hỏi có cùng một nội dung thành câu hỏi chung để tiện trả lời !!!

Các câu hỏi như sau:
1) Người tu hành khi gặp việc bất như ý không tự giải quyết được, thường hay cầu nguyện, xin hỏi việc cầu nguyện trong trường hợp như thế có đạt được mục đích hay không ???

2) Theo quan điểm Phật giáo, có phải Phật giáo chủ trương có một “thế giới vô hình” hay một “tha lực” nào đó, chuyên ban phước hay giáng hoạ đối với con người hay không ???

Các bạn !!!
Về nội dung hai câu hỏi trên, mình xin nêu lên thấy biết (quan điểm) cá nhân như sau: Vì đây chỉ là quan điểm cá nhân, nên không nhất thiết đúng với mọi người, mà nó chỉ phù hợp với những ai có cùng quan điểm như mình !!!

Có một điều, chúng ta không thể phủ nhận, đó là: Trong thực tế cuộc sống, khi những sự việc bất như ý xảy đến, bản thân con người bất lực, không thể tự giải quyết được sự việc bất như ý đó…Lúc ấy, con người lại nghĩ đến “thế giới vô hình, hay tha lực”, và cầu mong nhờ sự trợ giúp nào đó của thế giới vô hình hay tha lực, để sự việc bất như ý mau chóng trôi qua !!!

Điều đầu tiên, theo quan điểm cá nhân của mình, việc cầu nguyện để nhờ sự trợ giúp nào đó khi bản thân không thể tự vượt qua một số khó khăn, việc làm này không có gì là sai !!! Giống như trên đường đi, gặp con cọp dữ tấn công, một mình không đối phó được, đành phải nhờ người khác cứu giúp, chuyện này chẳng có gì đáng bàn !!!

Vấn đề ở đây, không phải chuyện cầu người khác (tha lực) giúp đỡ là tốt hay xấu, là nên hay không nên mà, điều chúng ta cần bàn là, cầu tha lực có được toại nguyện hay không ??? Cũng như thực chất của tha lực ấy là gì ???

Về hai vấn đề vừa nêu, để có thể giải quyết thoả đáng, theo mình, trước tiên chúng ta cần làm rõ “hoạ hay phước” của một con người từ đâu đến theo quan điểm nhà Phật !!! Sau khi làm rõ được điều này, nhất định chúng ta sẽ hiểu được cái gọi là tha lực hay thế giới vô hình từ đâu ra !!!

Phật dạy: “Hết thảy do tự tâm hiện” !!! Lời dạy này có nghĩa, hoạ hay phước của chúng sanh đều do tự tâm biến hiện !!! Từ lời dạy trên, theo quan điểm cá nhân của mình, con người có mặt trên cõi đời sướng vui hay khổ não, là do nghiệp quả nhiều đời tích tụ từ tâm thức của người ấy tạo ra… Có nghiệp quả đã hiện, có nghiệp quả đang hiện và có nghiệp quả sẽ hiện !!! Nói nôm na, phước hay hoạ của hôm nay, là kết quả từ phước hay hoạ của ngày trước do chính người ấy đã tạo tác !!!

Người đời, trong quá khứ, vô tình hay hữu ý đã tạo ra vô số phước hay hoạ… Giống như một người từ khi sinh ra và lớn lên, sống ở nhiều địa phương khác nhau…Có địa phương, người ấy làm ra tiền đem gởi ngân hàng, nhưng cũng có địa phương, người ấy vay ngân hàng một số nợ nào đó !!! Đáo hạn, dù muốn hay không, lãi và nợ người ấy đều phải quyết toán !!! Việc bất như ý xảy ra trong đời, chính là kết quả của “bản quyết toán nợ nần” từ ngân hàng (tâm thức) gởi đến !!!

Theo quan điểm trên, bây giờ chúng ta thử đưa ra đáp án cho các câu hỏi:

Theo mình, không riêng gì những người theo đạo Phật, mà hầu như mọi người khi gặp chuyện chẳng lành, tự thân không giải quyết được, người ta thường hay cầu nguyện… Mong rằng, nhờ thế lực vô hình nào đó (như Phật Trời chẳng hạn) giúp sự việc qua khỏi… Mong ước (cầu nguyện) là như vậy, nhưng mong ước này có được đến đáp hay không ??? Bây giờ chúng ta thử xem, vì sao đồng là cầu nguyện, nhưng có người cầu được, có người không được !!!

Như những gì đã phân tích ở trên, sự việc bất như ý bỗng dưng xảy ra trong đời, chính là “bản quyết toán từ ngân hàng nghiệp thức” gởi đến cho bạn vào thời điểm “duyên đáo hạn” đã đến !!!

– Trường hợp, trong nhiều đời, bạn đã gởi ở ngân hàng tâm thức nhiều tiền (phước), hôm nay nhận giấy nợ (hoạ) từ một ngân hàng nào đó gởi về, bạn có thể dùng số tiền đã gởi từ những ngân hàng khác để trả nợ theo giấy báo !!! Đây chính là nguyên nhân vì sao khi gặp sự cố bất như ý, có người cầu nguyện thành công !!!

– Trường hợp, trong nhiều đời, bạn đã gởi ở ngân hàng tâm thức quá ít tiền (phước), nhưng số tiền bạn vay (hoạ) lớn hơn (hoặc quá lớn)…Nhất định, khi ngân hàng tâm thức gởi giấy báo đòi nợ, bạn không thể thanh toán món nợ này !!! Đây chính là nguyên nhân vì sao khi gặp sự cố bất như ý, có người cầu nguyện không thành công, thậm chí kết quả ngược lại !!!

Từ những lí giải trên, theo quan điểm cá nhân của mình, cầu nguyện thành công hay không thành công là kết quả của phước hay hoạ mà chính bạn đã gieo ngày trước !!!

– Nếu phước nhiều hoạ ít, cầu nguyện thành công !!!
– Nếu hoạ nhiều phước ít, cầu nguyện sẽ không thành !!!

Như vậy ta có thể nhận ra, không có thế lực vô hình hay một tha lực nào đó giúp bạn khi bạn cầu nguyện !!! Mà cái được gọi là thế lực vô hình hay tha lực đang trợ giúp hoặc chống lại bạn, chính là những biến hiện từ tâm thức của bạn, nó là kết quả của phước hay hoạ mà bạn đã tạo tác trong quá khứ !!!

Vì rằng, thế giới tự nhiên, tự nó không có tính chất trợ giúp hay chống lại một ai…Phật giáo gọi đó là bản chất “không tánh”, tức thế giới tự chẳng có tánh yêu hay ghét, tự thân thế giới chẳng phải hữu hình hay vô hình…Hữu hình hay vô hình cũng chỉ là một pháp (quan niệm) của con người đặt ra, pháp này sở dĩ có hiện là do tâm mê biến hiện !!!

Tóm lại:

1) Người tu hành khi gặp việc bất như ý không tự giải quyết được, thường hay cầu nguyện, xin hỏi việc cầu nguyện trong trường hợp như thế có đạt được mục đích hay không ???

– Xin trả lời:
Việc cầu nguyện đạt được hay không, tuỳ thuộc vào phước hay hoạ mà bạn đã gởi ở “ngân hàng nghiệp thức” trong quá khứ !!! Vì thế, việc cầu nguyện cũng thành, cũng không thành (tuỳ vào phước báu mỗi người) !!!

2) Theo quan điểm Phật giáo, có phải Phật giáo chủ trương có một “thế giới vô hình” hay một “tha lực” nào đó, chuyên ban phước hay giáng hoạ đối với con người hay không ???

– Xin trả lời:
Phật giáo chỉ ra, “hết thảy do tự tâm hiện”…Có nghĩa, cái được gọi là “thế giới vô hình hay tha lực”, chỉ là “tập nhân chiêu cảm với giao báo” từ tâm thức của chính bạn nay đủ duyên hiện ra, chứ chẳng phải có một tha lực nào đó (ngoài tâm thức) yêu người này (nên cầu được) ghét người kia (nên cầu không được) !!!

Các bạn !!!
Phật dạy: “Cuộc đời như một đại dương, không ai khác hơn các ông !!! Hãy tự mình làm hòn đảo, nơi nương tựa cho chính mình !!! Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” !!! (Tương Ưng V, 170)

Kinh Tương Ưng, Tập IV, trang 313 cũng nêu rõ:
“Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin cầu khẩn chấp tay, mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ rơi vào địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có cầu khẩn, có cầu xin cũng không có lợi ích gì”.

Những lời Phật dạy ở trên, thiết nghĩ cũng đã quá đủ để chúng ta hiểu ra rằng: Không có một thế lực vô hình nào giúp ta hay hại ta !!! Ngoại trừ chỉ có “chính ta giúp ta hay hại ta” mà thôi !!!

Cái được gọi là tha lực hay thế giới vô hình nào đó, chỉ là sự biến hiện từ tâm thức do những tội hay phước chính chúng ta đã gieo tạo trong quá khứ bây giờ là lúc đáo hạn !!! Để giải quyết món nợ đáo hạn, một số người nhờ nhất tâm cầu nguyện mà (phước báo) hiện trở lại !!! Sự hiện trở lại của phước báo, vượt quá thấy biết của hiện nghiệp, nên chúng ta lầm tưởng là “có một thế giới vô hình” nào đó ngoài tâm thức đang trợ giúp ta !!!

Giống như người ngủ mê, chiêm bao thấy có ai đó đến giúp mình trong cơn hoạn nạn, nhờ thế hoạn nạn qua đi !!! Những hình ảnh trong chiêm bao như thế, chỉ do tâm thức biến hiện, thực tế chẳng có ai đến giúp bạn ngoại trừ chính bạn !!!

Các bạn !!!
Trên đời, mình biết có rất nhiều lí giải việc cầu nguyện khác nhau… Các lí giải khác nhau đều bắt nguồn từ những nhãn quan khác nhau và niềm tin khác nhau…Không thể nói rằng, lí giải này là đúng nhất và lí giải kia hoàn toàn sai !!! Vì rằng, bảo đây đúng hay kia sai chẳng lấy gì làm căn cứ !!!

Tuy nhiên, đã là người tu hành trong Phật đạo, chúng ta chỉ nên lấy lời dạy của Phật làm cơ sở cho mọi lí giải…Và, khi chúng ta biết biến lời dạy của Phật thành cơ sở lí luận thì, việc tu tập của chúng ta mới có cơ may đi đúng chánh pháp !!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!
27/09/2019
LÝ TỨ

Các bạn !!!
Mình cũng vừa phát hiện hai câu hỏi của một vị HĐ có nickname là Lê Ngọc Tới ở Thanh Hoá gởi ngày 13/09/2019, và bạn QuangTang (không địa chỉ) gởi ngày 20/09/2019…Nhưng lại lẫn trong các câu hỏi của tháng 8 nên chưa trả lời kịp… Tuần sau, mình sẽ trả lời câu hỏi của hai bạn nêu trên !!! Xin cáo lỗi cùng hai bạn !!!

1) Câu hỏi của Lê Ngọc Tới:
“Trong vô đối môn có nói đến bốn lần giác ngộ vậy xin hỏi ?
Lần giác ngộ thứ mấy thì có thể quan sát được ngũ uẩn sanh lên và diệt đi ?
Mong được câu trả lời của ngài LÝ TỨ !”
Lê ngọc Tới . Thanh Hóa 13/09/2019 2:45:40

2) Câu hỏi của QuangTang:
“Chào Thầy !!!!
Con tên QuangTang con có câu hỏi này xin T vui lòng trả lời giúp con,con rất thích tu thiền nhưng thật chất c ko biết gì phật pháp, kinh điển c chỉ xem trên YouTube cách dạy ngồi thiền và c củng thực tập dc lâu rồi kh 2 năm, nay c có thể ngồi kh 2 tiếng vào mổi buổi sáng nhưng tâm c vẩn chưa định dc, vậy c phải làm gì để tâm dc định? C nghỉ khi mình làm gì thì phải có mục đích, còn ko có mục đích thì ko thể tiến xa hơn, vậy thì T có thể Cho c biết, c nên ngồi thiền để làm gỉ? và mục đích là gì? con cảm ơn Thầy…..”
Quang Tang 20/09/2019 9:56:42

BQT rất mong nhận được nhiều câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow