Giới Thiệu Cuốn ''Mười Một Bài Kinh Phật"

Cuốn Mười Một Bài Kinh Phật do Lý Tứ tổng hợp và chú thích, đã được HĐ Lý Gia dùng làm tư liệu tu tập từ những năm 2009 (lúc đó gồm Mười Bài Kinh), đến năm 2017 được thêm vào kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây... Và từ đó, có tên là Mười Một Bài Kinh Phật !!!

Tháng 3 22, 2022 - 05:29
Tháng 7 13, 2022 - 15:33
 0  20
Giới Thiệu Cuốn ''Mười Một Bài Kinh Phật"
Chuyện Bên Lề - Tác giả Lý Tứ

Các bạn !!!

Hôm nay là Thứ Hai (đầu tuần), xin giới thiệu đến các bạn cuốn MƯỜI MỘT BÀI KINH PHẬT, đây là một trong những TƯ LIỆU TU HỌC CỦA LÝ GIA !!!

Cuốn Mười Một Bài Kinh Phật do Lý Tứ tổng hợp và chú thích, đã được HĐ Lý Gia dùng làm tư liệu tu tập từ những năm 2009 (lúc đó gồm Mười Bài Kinh), đến năm 2017 được thêm vào kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây... Và từ đó, có tên là Mười Một Bài Kinh Phật !!!

Xin chuyển đến mọi người lời giới thiệu của cuốn Mười Một Bài Kinh Phật !!!

Các bạn !!!

Bất kỳ người tu hành nào trong Phật đạo, cũng bắt đầu bằng việc Quy Y Tam Bảo… Quy Y Tam Bảo gồm ba điều đó là, Quy Y Phật Bảo, Quy Y Pháp Bảo và Quy Y Tăng Bảo !!!

Quy Y Phật Bảo là, một lòng một dạ hướng về Trí Tuệ tối thượng hay còn gọi là Vô Thượng Bồ Đề… Quy Y Pháp Bảo là, quyết tâm biến những lời dạy của Đức Phật trở thành hành động của Trí Tuệ ngay trong hiện thực đời sống này… Quy Y Tăng Bảo là, vâng nghe theo lời của bậc Đạo Sư, người đã giúp ta biết cách sử dụng ngọn đuốc giáo pháp một cách hiệu quả, dắt ta ra khỏi mê muội, từng bước hướng dẫn ta dùng vũ khí trí tuệ thành tựu những đạo quả cần thiết cho đến tối thượng !!!

Trong ba pháp Quy Y nói trên, Quy Y Pháp Bảo chính là Quy Y Kinh Điển… Kinh điển của Đức Phật để lại, là ngọn đuốc soi đường, là tấm bản đồ vạch ra hướng đi đúng nhất, và là cái la bàn tiêu chuẩn, giúp người tu hành tiến về Vô Thượng Quả không sai lệch !!!

Tuy vậy, để có thể đọc tụng hết những lời dạy của Đức Phật trong một thời gian nhất định, là việc làm không thể, chưa nói đến việc lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa của những lời dạy này sau lớp vỏ ngữ ngôn, là việc làm càng khó khăn hơn... Ngoài những điều vừa nêu, bằng cách nào tự thân có thể phân loại, chọn lựa những bài kinh phù hợp với việc tu tập trong mỗi giai đoạn, giữa rừng kinh điển đồ sộ là việc làm nhất định không thể thiếu !!!

Kinh điển của Đức Phật để lại chính là một bộ sách giáo khoa hoàn hảo, giúp người học tiếp cận kiến thức từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu, từ đại cương đến chi tiết, từ những ứng dụng thô sơ đến các thứ triết lý cao thâm… Vì thế, không biết phân loại, sắp xếp, đọc tụng theo thứ lớp, để có thể lãnh hội và ứng dụng phù hợp từng giai đoạn tu tập, sẽ giống như người bệnh uống nhầm thuốc, hệ quả sẽ là, “tiền mất tật mang” đã không ích lợi nhiều, bệnh tình có khi trầm trọng hơn, điều này không phải là hiếm gặp trong thực tế tu hành !!!

Chính vì những yêu cầu trên, để giúp các bạn có được bức tranh tổng thể, có được cái nhìn khái quát về hệ thống kinh điển của Phật Đạo từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu… Cuốn MƯỜI MỘT BÀI KINH PHẬT mà các bạn đang cầm trên tay có mặt !!!… Thật ra, mười một bài kinh trong vô lượng kinh điển của Phật để lại, chỉ là một nắm lá nhỏ so với số lượng lá của một rừng cây… Nhưng ít ra, “mười một bài kinh tiêu biểu” này, sẽ giúp các bạn có được những kiến thức cơ bản, tiêu biểu nhất về quá trình tu tập từ sơ cơ đến đạo quả sau cùng trong Phật đạo !!!

−⁕⁕ Nói tiêu biểu là vì, khi thấu suốt và thể nhập được bài kinh trước, các bạn sẽ dễ dàng tiếp cận và thấu suốt tinh thần của bài kinh kế tiếp, đến khi thấu suốt trọn vẹn và ứng dụng hoàn hảo cả mười một bài kinh tiêu biểu này, các bạn sẽ nắm vững được “giáo trình tu tập từ thấp lên cao” của Phật đạo !!!

−⁕⁕ Nói tiêu biểu là vì, khi bạn thấu suốt, nắm vững cách ứng dụng một bài kinh nào đó của giai đoạn tu tập nào đó từ mười một bài kinh này thì, các bài kinh khác thuộc dạng tu tập như thế, được Phật dạy trong các kinh khác, khi đọc lên, các bạn sẽ thấu đáo lời dạy đó… Nó giống như người đã học tốt, học xong lớp năm thì, các bài giảng từ lớp một đến lớp bốn các bạn có thể hiểu một cách dễ dàng !!!

  • Về cách bố trí.

Mười một bài kinh, được sắp xếp theo trình tự từ Giáo Tông sang Tâm Tông, rồi đến Nhất Thiết Trí Môn và cuối cùng là Pháp Vân Môn !!!

  • Đại diện cho Giáo Tông gồm các bài kinh từ Thập Thiện đến Đại Thí Dụ Lõi Cây….
  • Đại diện của Tâm Tông gồm kinh Kim Cang…
  • Đại diện của Nhất Thiết Trí Môn gồm kinh Thắng Man…
  • Đại diện của Pháp Vân Môn gồm kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa !!!

Khi đã tiếp cận hoàn hảo tiến trình này, các bạn sẽ thấy rằng giáo trình tu tập trong Phật đạo có thứ lớp rất rõ ràng, có chỉ thú hẳn hoi, có điều ta đã nắm bắt được hay chưa mà thôi !!!

Ví dụ, từ một phàm phu vô văn mới bắt đầu tu tập trong Phật đạo, để có thể thành tựu quả vị Vô Tu Vô Chứng trước khi thành Đẳng Chánh Giác, người tu hành phải lần lượt trải qua các địa vị:

‣ ‘Phàm phu vô văn’, thấy khổ khởi tu: Người bắt đầu tu hành chưa có quả chứng tối thiểu…

‣ Tiến lên địa vị ‘Hữu Học’, dứt Tập Đế: Gồm ba quả thánh Hữu Học là Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm…

‣ Tiếp đến địa vị ‘Vô Học’, chứng Diệt Đế: Gồm các quả vị A La Hán của Nhị Thừa và Thất Địa hoặc Bát Địa của Bồ Tát…

‣ Vào Địa: Vị này Phát Tâm Bồ Đề Chơn Thiệt, học Nhất Thiết Trí Môn cho đến viên mãn Đạo Đế, đăng Cửu Địa Bồ Tát…

‣ Bậc ‘Vô Tu Vô Chứng’: Vị tu hành này sau khi thành tựu trí tuệ, vào Đẳng Giác Bồ Tát, tức “Bồ Tát biết cái Phật biết, thấy cái Phật thấy, chứng điều Phật chứng…” Thế nên, đạo quả này còn gọi là Vô Tu Vô Chứng…

Gọi Vô Tu Vô Chứng là vì Bồ Tát này không còn gì để tu, không còn gì để chứng, chứ chẳng phải Vô Tu Vô Chứng là không biết cái để tu, chẳng biết cái để chứng như đa số người tu hành thường hiểu…

Phật đạo còn gọi quả vị này là Vô Dị Biệt Quả, tức Vị ấy với chánh pháp không còn khác biệt…

‣ Sau cùng, vị Vô Tu Vô Chứng này, đăng Diệu Giác vào Pháp Vân Địa: Nổi mây pháp, giáo hoá chúng sanh, chờ ngày thành Đẳng Chánh Giác đủ mười danh hiệu !!!

Có liệt kê, đào sâu từng mảng tu tập, ta mới thấy, Phật đạo tuy mênh mông nhưng có trật tự, mực thước, khuôn mẫu chặt chẽ… Phật đạo tuy Vô Đạo (không thấy có một đạo mới chân thật là Phật đạo), nhưng đường đi nước bước có lề lối hẳn hòi…

Giống như trong không trung, không thấy có đường lối cụ thể, nhưng mỗi chiếc máy bay phải bay theo hành trình nhất định, có bay theo hành trình nhất định và người Phi Công có xử lý đúng mức, chiếc máy bay đó mới có thể đi và đến an toàn, không gặp rủi ro…

Vì thế, người xưa từng cảnh báo: “Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách”, có nghĩa rằng, tu hành trong Phật đạo mà hiểu sai nghĩa lý một chút xíu, ứng dụng không chuẩn xác, thì sẽ cách xa đạo quả như trời với đất !!!

  • Về chú thích:

Phần lớn, các chú thích trong cuốn mười một bài kinh, những gì thuộc Giáo Tông vẫn giữ nguyên chú thích của những bậc Cao Đức đi trước, không chỉnh sửa nhiều…

−⁕⁕ Trong đó, hai bài kinh Kim Cang và Thắng Man, thuộc Tâm Tông và Nhất Thiết Trí Môn, nên buộc phải “chú thích theo ý nghĩa đặc thù” của hai môn học này…

−⁕⁕ Riêng, kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa thuộc Pháp Vân Môn, có nhiều HĐ yêu cầu mình chú thích… Nhưng xét cho cùng, cái khó của người tu hành là, làm thế nào “để biến thành Rồng“, mà kinh Kim Cang và Thắng Man đã đảm đương tốt công việc này rồi. Một khi “đã thành Rồng” thì, chuyện biết nổi mây, làm mưa là chuyện tự nhiên của loài Rồng như người ta mặc áo ăn cơm, không nhất thiết phải hướng dẫn... Hoặc ngược lại, loài không phải là Rồng, cho dù có dạy cách nổi mây làm mưa, mãn kiếp cũng chỉ là việc làm của kẻ…dư…hơi !!!

−⁕⁕ Kinh Các Căn Tu Tập, được xếp vào mười một bài kinh, vì kinh này là chiếc bản lề, là bước đệm không thể thiếu đối với người tu hành bước từ Hữu Lậu sang Vô Lậu, bước từ “Thế Gian Giới” sang “Xuất Thế Gian Giới”, cho nên trong kinh mới đề cập đến “vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh”… Có nghĩa rằng, có thành tựu các căn tu tập, sau đó mới thành tựu “Vô Lậu Giới”, Vô Lậu Giới của Bậc Thánh chẳng đồng cấm giới (quy ước giới) của Thế Gian Giới !!!

−⁕⁕ Kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây đóng vai trò rất quan trọng trong Phật đạo… Đây là năm bước giúp người thợ điêu khắc biết cách tìm một lõi cây đúng nghĩa, để chuẩn bị thực hiện công việc chế tác hoàn hảo một Phật Tánh ở vị lai !!!

Nói chung, mười một bài kinh tuy không nhiều, nhưng được coi là “những bài kinh căn bản” giúp người tu hành biết được các cột mốc Thế Tôn đã cắm, làm chỉ dấu cho cuộc hành trình dài hơi đi từ Khổ Đế đến hết Đạo Đế, chỉ ra bốn giai đoạn: Từ Tục Đế chuyển sang Thánh Đế, đến Chân Đế và cuối cùng là thấu suốt viên mãn Tứ Diệu Đế !!!

Nó giống như quá trình chuyển tiếp “từ sữa, sang lạc, đến tô, và cuối cùng là đề hồ” !!! Ví như bốn nguyên tố C, H, O, N, làm căn bản của sự sống !!!

Hy vọng, trong một tương lai gần, tất cả HĐ chúng ta, sẽ lần lượt chiếm lĩnh từng cao điểm, cho đến cao điểm cuối cùng trong trận chiến sanh tử khổ, để giải phóng toàn bộ tâm thức u tối của Vô Minh Trụ Địa, mang về thắng lợi Trí Tuệ, trong công cuộc chinh phục đỉnh cao Vô Thượng Đạo !!!

14/08/2017

LÝ TỨ

HÌNH ẢNH TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU VÀ TU HỌC CỦA LÝ GIA

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow