Sinh Pháp

Chữ pháp nhằm chỉ cho những gì khi các căn đối trước trần cảnh rồi khởi nhận thức, gọi là ba duyên hoà hiệp. Nói khác đi, pháp là những nhận thức, quan niệm, khái niệm, biện biệt...

Tháng 3 6, 2022 - 20:44
Tháng 5 17, 2022 - 16:56
 0  186
Sinh Pháp
Anh Lạc Luận Tập 1 - Tác Giả Lý Tứ

Chữ pháp trong Phật đạo mang nhiều ý nghĩa như: phép tắc, pháp luật, phép thuật, nhận thức... Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến khái niệm sinh pháp, theo ý nghĩa của câu nói, "vạn pháp duy thức" hay "các pháp như huyễn", tức chỉ đề cập đến những gì thuộc về nhận thức...

1. Sinh pháp là gì???

Chữ pháp nhằm chỉ cho những gì khi các căn đối trước trần cảnh rồi khởi nhận thức, gọi là ba duyên hoà hiệp. Nói khác đi, pháp là những nhận thức, quan niệm, khái niệm, biện biệt...

Ví dụ: Cái bàn nó có hình dáng như thế này, tốt hay xấu, dùng vào việc gì, nên để ở đâu, giữ gìn như thế nào, giá trị bao nhiêu... Ông A là người rất tốt, bà B là người xấu. Ông A đúng, bà B sai...Việc làm này là nên, việc làm kia không nên... Làng ta hơn hẳn làng bên về mọi mặt... Ta thuộc dòng tộc cao quý, còn những người kia là hạng tầm thường..v.v...

Theo Phật đạo, một trần, cảnh hay sự việc tự nó không có tên gọi, không có tính chất, không có vị trí, không có giới hạn, không có tỷ lượng ..v.v...tức là không có một ý nghĩa nào hết.

Chỉ khi ý thức tiếp cận mới cho ra các khái niệm về trần, cảnh hay sự việc gọi là sinh pháp, người xưa hay nói: "vạn pháp duy thức" tức các pháp sinh từ nhận thức.

Kinh dạy, "các pháp theo duyên sanh, các pháp theo duyên diệt". Trung Quán Luận viết, "chư pháp bất tự sanh, diệc bất tùng tha sanh. Bất cọng bất vô nhân, thị cố tri vô sanh".

Có nghĩa, các pháp không tự sinh, cũng không phải tha sinh, không cộng không vô nhân, nên đều là vô sinh. Có thể hiểu, các pháp không sinh ra từ chính nó, mà phải hội đủ nhân duyên mới sinh... 

Khi căn đối trần, thức đặt cho trần một cái tên nào đó gọi là pháp danh, ghi nhận về hình dáng gọi là pháp tướng, chỉ thị vị trí gọi pháp vị, so sánh với vật khác gọi là pháp lượng, đưa ra một giới hạn gọi là pháp giới, cho một tính chất gọi pháp tánh..v.v... Có rất nhiều đặc tính chung quanh trần cảnh mà ý thức sản sinh ra, những đặc tính này đều thuộc phạm vi của pháp...

2. Như thế nào gọi là các pháp không tánh, không tướng???

Một pháp, hay một nhận thức tự nó không có tính chất hay tướng mạo... Ví dụ: Nhận thức cái bàn nó đẹp, trong nhận thức này không có cái đẹp hay xấu... Nhận thức rằng lửa nóng, trong nhận thức này không có tính nóng của lửa... Quan niệm rằng ăn cái đó vào sẽ no, quan niệm này không có tính no... Nói chung, đẹp, xấu, nóng, lạnh, no, đói, ghét, thương, dơ, sạch, lớn, nhỏ không nằm trong nghĩ suy hay nhận thức. Vì thế kinh dạy: "Thị chư pháp, không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm...". Tức là trong quan niệm, nhận thức, nghĩ suy... Không có các tính chất của tướng, tính chất của sanh, tính chất của diệt, tính chất của sạch, tính chất của dơ, tính chất của lớn lên, tính chất của nhỏ lại... Khi nào các tính chất này hiện, gọi là hư vọng tánh...

3. Mối liên hệ giữa pháp và tâm.

Phật đạo chỉ ra rằng, một hữu tình tự không có tâm và pháp. Ba duyên căn, trần, thức hoà hiệp bây giờ pháp mới sanh. Khi nào hữu tình mê pháp, tức mê nhận thức, lúc ấy tâm sẽ sanh... 

Ví dụ: Một cái cây tự nó không có bóng, bao giờ các duyên hội đủ như, ánh sáng, không gian, một người có mắt nhìn thấy, bóng cây sẽ hiện. Một trong các duyên này vắng mặt, bóng cây sẽ mất. Bóng cây ví như tâm hư dối của hữu tình, các duyên là căn trần thức. Ba duyên không hoà hiệp pháp không sanh, tâm tự tịch diệt. 

4. Liên hệ giữa pháp và ngã.

Một hữu tình tự không có ngã, Phật dạy: "Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta". Có nghĩa ngã hiện khởi là do hữu tình chấp vào điều gì đó của thân tâm thông qua nhận thức, rồi chấp chặt nhận thức và lầm nhận rằng tự thân là một chủ thể có thể sở hữu được nhận thức. Lầm nhận và chấp chặt này, Phật đạo gọi là ngã hư dối, khi nào lầm nhận này chấm dứt ngã sẽ tịch diệt, không lầm nhận gọi là giác ngộ. Chấp chặt quan niệm về thân gọi là lấy sắc làm ngã, chấp chặt vào cảm thọ gọi là lấy thọ làm ngã, chấp chặt cả năm ấm đều sinh ngã như vậy...

5. Thế nào là pháp huyễn, pháp sinh diệt???

Huyễn là ảo thuật, là những thứ không thật mà in tuồng có thật. Sinh diệt là, hiện ra rồi mất đi... Chúng sanh bản lai không có pháp, pháp sinh ra rồi mất đi, sinh không từ đâu đến, mất chẳng đi về đâu, giống như trò ảo thuật, giống như vòng lửa... Những nhận thức không thật sinh rồi diệt, Phật đạo gọi là pháp như huyễn, pháp sanh diệt... Kinh dạy, "nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh..."

6. Thế nào là pháp cấu, pháp tịnh, pháp giải thoát???

Tự thân một nhận thức, không có tính chất của dơ, sạch, trói buộc hay cởi bỏ... Khi nào, tâm trí bị mê mờ bởi nhận thức, bây giờ các tính chất nói trên mới hiện. 

Nhận thức nào làm vẫn đục, nhiễm ô tâm gọi là pháp cấu. Nhận thức nào làm cho tâm trong sáng, thanh tịnh không phiền não gọi là pháp tịnh. Nhận thức nào giúp cởi bỏ những cột buộc gọi là pháp giải thoát...

7. Liên hệ giữa pháp và vô minh.

Một hữu tình, bản lai không có tánh, tức không có bản chất. Kinh gọi "thiệt tướng vô tướng", khi gặp duyên mê thì tạm mê, khi gặp duyên giác thì sáng suốt, gặp duyên ác thì sanh ác, gặp duyên thiện thì sanh thiện. Nếu chúng sanh có tánh, có bản chất, thì mê sẽ mê hoài, ác sẽ ác mãi, không thể thay đổi được. 

Những tính chất hư dối này, thay đổi không ngừng, gọi là vô thường, sanh diệt...

Vì thế Phật dạy, "chúng sanh đó, Như Lai tạm gọi là chúng sanh, chứ thiệt chẳng phải chúng sanh".

Điều này nói lên rằng, bao giờ những tính chất hư dối nói trên hiện khởi trong một hữu tình, lập tức hữu tình đó trở thành chúng sanh. Khi hiện khởi này tịch diệt vĩnh viễn, hữu tình đó không còn là một chúng sanh...

Một hữu tình, tự cũng không có minh cùng vô minh. Bao giờ một nhận thức hiện lên, che mờ tâm trí, làm cho u tối, không thấy được bản chất thật (thiệt tướng) của chính mình, che mờ này gọi là vô minh. Giống như một người sáng mắt, lấy cái khăn đen bịt mắt trở thành u tối. Chỉ cần bỏ cái khăn xuống, u tối tự chấm dứt. Cái được gọi là vô minh trong một chúng sanh cũng như vậy, chỉ cần từ bỏ các quan niệm, không để quan niệm, nhận thức che lấp tâm trí, vô minh tự mất. 

8. Vô minh có tự bao giờ???

Phật dạy "vô minh vô thỉ vô chung", có nghĩa rằng vô minh không có đầu cũng không có cuối.

Khi nào mê nhận thức, bị nhận thức che mờ tâm trí, lúc đó vô minh hiện, chỉ cần bỏ nhận thức xuống, vô minh tan biến. Giống như một căn phòng, đèn tắt gọi là tối, đèn thắp lên gọi là căn phòng sáng, sáng hay tối không có khởi đầu cũng không có kết thúc, chỉ trong một niệm.

Niệm mê là vô minh, niệm giác là sáng suốt, vô niệm hết vô minh!!!

9. Làm thế nào để không sanh pháp, không sanh tâm, không sanh ngã, hết vô minh, được giải thoát???

Vô minh, pháp, tâm, ngã, trói buộc..v.v... chỉ là những mặt của một vấn đề, các thứ này xảy ra theo nguyên lý "cái này có cái kia có, cái này không cái kia không, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt cái kia diệt". 

Muốn những thứ này không sanh, chỉ cần giác ngộ rằng những thứ đó không thật. Không chạy theo cảnh để sinh pháp, không chạy theo pháp để sinh tâm, không mê tâm để sinh ngã, không thủ giữ cái ngã để bị trói buộc, không bị trói buộc tức hết vô minh. Hoặc ngược lại, không vô minh không trói buộc, không trói buộc không có ngã, không có ngã không có tâm, không có tâm không có pháp, không có pháp tức thị vô sanh... Có nghĩa rằng, cái vòng luẩn quẩn duyên nhau sinh rồi diệt, như đốm lửa duyên từ điểm này đến điểm kia tạo ra vòng lửa hư ảo, đốm lửa dừng ở bất kỳ điểm nào, vòng lửa tự mất!!!

10. Kết luận

- Mọi thứ làm ra, cho dù đó là một nhận thức được coi tốt đẹp nhất, Phật đạo cũng gọi là pháp, mà tâm thức đã có pháp hiện diện, nhất định u tối, phiền não, sanh diệt không thể không sanh. Vì bởi, bản lai thanh tịnh không có mấy thứ này, nay nó hiện hữu, bản lai thanh tịnh bị che khuất. Giống như bầu trời đang trong sáng, mây đen kéo tới, cả bầu trời liền tối... 

- Cái được gọi là minh mà Phật đạo nói đến, tự xưa nay đã có, không phải hôm nay mới làm ra, sở dĩ không minh vì một niệm bất giác. Bất giác làm cái minh này vụt tối, như đèn chợt tắt bóng tối ập vào. Muốn vô minh không hiện trở lại, phải giác ngộ tính chất hư dối của vạn pháp, không để bất giác hiện khởi, bất giác không hiện khởi, pháp không sinh Phật đạo gọi là vô sanh. 

- Có thể kết luận, pháp là đầu mối, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho hữu tình trở thành chúng sanh. Vì thế, minh hay vô sanh là kết quả của một giác ngộ tức thì trong hiện tại, chứ chẳng phải cái làm ra. Giác ngộ là, thấu suốt bản lai nó tự như vậy, không nên sanh khởi cho dù một niệm và vĩnh viễn không sanh khởi một thứ gì hết trong tâm thức, lập tức tại nơi này đạo sẽ tự hiện!!!

(17-01-2013)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−        

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow