Không và Bất Không

“Không, Bất Không” là: Tâm thức không có các thứ hư dối như: Kiết sử, phiền não, hư vọng, ngu si, ba cõi. Nhưng trong đó lại có các Pháp Lành như: Từ Bi, Trí Tuệ và bốn đức Thường Ngã Lạc Tịnh của Đại Niết Bàn.

Tháng 3 17, 2022 - 17:38
Tháng 7 1, 2022 - 22:20
 0  180
Không và Bất Không
Anh Lạc Luận Tập 2 - Tác Giả Lý Tứ

Các bạn!

Hôm qua, mình có cuộc trao đổi thú vị với một HĐ của chúng ta, chung quanh đề tài Hữu và Vô.

Trong buổi nói chuyện, một số câu hỏi được nêu lên. Hôm nay, mình muốn chuyển những câu hỏi này đến tất cả HĐ, để mọi người cùng giải đáp, nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của chữ Vô (không) và Phi Vô (chẳng phải không, hay còn gọi là Bất Không, hoặc Không mà chẳng Không) trong Phật Đạo.

Khi nói chuyện, một đề tài không kém phần hấp dẫn cũng được đưa ra thảo luận, đó là bài Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó ý nghĩa của các câu đại loại: “Sắc tức thị không... sắc bất dị không...” cũng được mổ xẻ. Sau đây là nội dung các câu hỏi:

1.CÂU HỎI VỀ NGHĨA “KHÔNG”; “BẤT KHÔNG”

1) Trong Phật Đạo, “nghĩa Không” đích thực, nhằm chỉ cho điều gì (có nghĩa, Phật Đạo đặt ra yêu cầu người tu hành phải thành tựu những thứ không nào)?

2) Trong Phật Đạo, ngoài nghĩa không, còn có nghĩa “Không, Bất Không” (tức là không mà chẳng không, hay Phi Vô), Kinh Lăng Già gọi là “Bất Không Như Lai Tàng”. Xin hỏi các bạn:

a) Vì sao gọi là Bất Không??? Cái gì chẳng không (Bất Không)?

b) Vì sao đã “Không” mà còn “Bất Không”??? Cái gì Không, cái gì Bất Không? Hai điều này (Không, Bất Không) cùng tồn tại (có mặt) trong một nguồn tâm thanh tịnh (Bổn Tâm), có chống trái nhau không? Xin giải thích cụ thể?

c) Khi nói đến “Không, Bất Không”, Phật Đạo muốn nhắn nhủ điều gì ở người tu hành?

3) Phần mở đầu bài Bát Nhã Tâm Kinh đã viết như sau: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử!!! Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị...” Tạm dịch: Khi Bồ Tát Quán Tự Tại, vào sâu trong Trí Tuệ Giải Thoát, (vị ấy) thấy rõ năm uẩn đều không, (vì thế, những ai thấu suốt điều này bằng Trí Tuệ Giải Thoát, sẽ) vượt qua tất cả khổ ách. Này Xá Lợi tử, (vị nào thể nhập được Trí Tuệ Giải Thoát, sẽ tự xác chứng rằng, bản chất của) Sắc (thân) chẳng khác (bản chất của) không (hư không), không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đoạn kinh trên, thường được người tu hành phân tích để tìm xem vì sao kinh bảo rằng: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, v.v...”

Xin hỏi các bạn:

a) Trong đoạn kinh đã nêu, đâu là “chiếc chìa khoá” để người tu hành có thể giải mã ý nghĩa đích thực của các câu như: Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc...?

b) Nếu ta không tìm được “chiếc chìa khoá bí ẩn” để giải mã những ý nghĩa vừa nêu. Mà chỉ nhắm thẳng đến “Sắc hoặc Không” rồi phân tích, để tìm ý nghĩa tương đồng của Sắc và Không. Xin hỏi, việc làm như thế có thoả đáng chăng, và có đưa người tu hành thành tựu việc “độ nhất thiết khổ ách” (vượt qua tất cả khổ ách) hay không? Vì sao?

Rất mong nhận được những câu trả lời thú vị từ các bạn. Những câu trả lời thoả đáng, được chuyển đến HĐ vào thời điểm kết thúc phần trả lời, sẽ được thông báo sau.

(17-12-2015)

2. GỢI Ý…

Mình nhận được bốn bài trả lời của HĐ… Rất thú vị là bốn câu trả lời đều rất giống nhau, giống từ điều đúng lẫn điều chưa đúng. Đọc bốn bài này, người đọc cứ ngỡ rằng, tất cả từ một người viết ra!

Điều này cho thấy, nó giống như những mũi tên được bắn ra từ một người, tất cả đồng bay về một hướng và cùng đến một mục tiêu nhất định. Đây là tín hiệu đáng mừng trong tu tập của HĐ chúng ta!

Về nội dung trả lời, nhìn chung bốn vị HĐ đều cơ bản trả lời đúng với Giáo Pháp về nghĩa Không và Bất Không, chỉ thiếu phần mở rộng nghĩa Bất Không theo tinh thần kinh Đại Niết Bàn hoặc Lăng Già. Vì thế, về mặt dẫn chứng và lập luận còn thiếu sức sống!!! Mình nhớ trong Kinh Lăng Già, Phật có cho một ví dụ minh họa cho Bất Không, ví dụ đại ý như sau: “Như nhà Lộc Tử Mẫu, không có Tỳ Kheo, chứ chẳng phải không có voi ngựa...”

Như vậy, đối với Đạo Giác Ngộ, cái gì Không, cái gì Bất không... hẳn ví dụ trên đã nêu rõ, nếu tinh ý sẽ nhận ra ngay!

Về ý nghĩa Bất Không nhằm nhắn nhủ điều gì. Hầu như các bài trả lời, HĐ đều chưa thấy được “dấu hiệu quan trọng” giúp người tu hành khi tư duy nghĩa không sẽ không bị rơi và tà nẻo.

Về chiếc chìa khoá để thấy sắc chẳng khác không, và đây cũng chính là mấu chốt mở cái nút thắt hầu giải mã điều gì đã làm cho sắc và không trở thành sai biệt, hình như các HĐ chưa nhận ra nó. Vô tình, lại lầm nhận “người thợ làm chìa khoá trở thành chiếc chìa khoá”!

Hy vọng, sau những gợi ý này, sẽ có những bài trả lời với những phân tích, lập luận sâu hơn, rộng hơn, có sức sống và tạo ra những nét nổi bật qua sức thiện xảo từ các bạn.

(18-12-2015)

3…TRAO ĐỔI VỀ…“KHÔNG VÀ BẤT KHÔNG”

Mục đích đặt ra những câu hỏi như thế là muốn các bạn có cơ hội nhìn ngắm và tư duy thấu đáo về tâm này. Cũng như nắm vững và hiểu sâu hơn giáo pháp, để có những bước chuẩn bị cho việc tu tập sắp tới. Ý nghĩa của những trao đổi vừa qua như sau:

1) Vì sao Phật Đạo tuyên thuyết nghĩa “Không”, và yêu cầu người tu hành phải thành tựu cho được nghĩa này?

  • Nghĩa “Không” trong Phật Đạo, chỉ cho sự thành tựu rốt ráo Diệt Đế. Có nghĩa rằng, khi thành tựu rốt ráo Diệt Đế, còn gọi rốt ráo “Không”. Tâm thức của vị ấy không còn bóng dáng của 25 cõi (gồm: Tứ vức, tứ ác thú, lục dục thiên, phạm thiên, tứ thiền thiên, tứ vô sắc thiên, vô tưởng thiên, cập bất hườn thiên).

Hay nói khác, Phật Đạo nói không, là nói đến trong tâm vị tu hành thôi không còn kiết sử, không còn phàm tâm, không còn nhân ngã, không còn mê muội, không còn các nhận thức hư dối. Có thể tóm tắt đó là: Không tâm, không pháp, không tánh, không tướng, Kinh Bát Nhã gọi là thành tựu 18 pháp không. Điều này giống như một cái bình chứa nước bẩn, nay được súc sạch. Khi thành tựu rốt ráo không, tâm thức của hữu tình cũng được súc sạch hữu vi pháp, không còn hiện khởi các pháp nhiễm ô. Sự tinh sạch này, trong VĐM, gọi là: “Các chủng tánh sai biệt đồng nhập Vô Vi chủng tánh...”

Khi chứng Diệt Đế, thành tựu rốt ráo không, vị hữu tình này vĩnh viễn chấm dứt đời sống một chúng sinh, không còn trôi lăn trong ba cõi, còn gọi là 25 cõi hữu. Muốn thành tựu rốt ráo không, vị tu hành này phải trải qua hai giai đoạn, đó là dứt Tập đế và chứng Diệt đế.

2) Đã tu cho tâm thức hoàn toàn không, tức rốt ráo không. Vì sao còn tuyên thuyết “Bất Không”?

  • Sau khi tâm thức của vị tu hành này hoàn toàn tịch diệt, các hữu vi pháp không còn hiện khởi, đã thành tựu rốt ráo không. Vị ấy trực nhận ra Bổn Tâm của mình có Tánh Giác. Cho nên, có thể nói Tánh Giác là thứ “Bất Không Đầu Tiên”, vì nó chẳng thể tịch diệt.

Bổn tâm là một cái tâm không có gì trong ấy. Sau khi thấy được Bổn Tâm, vị này tiếp tục dùng Tánh Giác học các “Pháp Lành” của Đạo Đế. Bây giờ các Pháp Lành được tích chứa trong Bổn Tâm của vị ấy. Nó giống như một cái nhà kho, trước đây cho ba cõi thuê để chứa các thứ nhiễm ô của cõi hữu gọi là “Hàm Tàng Thức”. Nay người chủ dọn dẹp sạch cái kho, trong ấy không còn một thứ gì, chỉ có một cái kho trống rỗ̃ng, toàn không, gọi là Bổn Tâm hay chơn tâm. Sau khi cái kho trống rồi, vị ấy xin Chư Phật các món đồ quý gồm các Pháp Lành cùng Pháp Bảo chứa vào trong đó. Bây giờ cái kho chứa toàn đồ quý của Phật, nên gọi là “Như Lai Tàng Tâm”. Khi cái kho chứa đầy đủ Pháp Bảo của Chư Phật, gọi là Bổn Giác. Bổn Tâm nay đã được tích chứa các Pháp Lành của Chư Phật, nên gọi là “Bất Không”.

Vì thế, “Không, Bất Không” là: Tâm thức không có các thứ hư dối như: Kiết sử, phiền não, hư vọng, ngu si, ba cõi. Nhưng trong đó lại có các Pháp Lành như: Từ Bi, Trí Tuệ và bốn đức Thường Ngã Lạc Tịnh của Đại Niết Bàn.

3) Phật Đạo đưa ra thông điệp “Không, Bất Không”. Nhằm nhắn nhủ người tu hành điều gì?

  • Khi gởi đến người tu hành thông điệp “Không, Bất Không”. Phật Đạo muốn nhắn đến người tu hành rằng: Đừng nên chấp không, chấp không là một trong những nguyên nhân rơi vào tà kiến. Vì, trong Phật Đạo ngoài nghĩa “rốt ráo Không”, còn có nghĩa “Bất Không”. Tức là, không có phiền não chứ chẳng phải không có trí tuệ. Không có ác tâm chứ chẳng phải không có tứ vô lượng tâm. Không có ngu si chứ chẳng phải không có tính giác.

Nói chung, ý nghĩa không bất không nhằm nói rằng: Các bạn đừng có lo, tuy rằng rốt ráo không nhưng chẳng phải đoạn diệt vì Tánh Giác là thường. Tuy rằng rốt ráo không, nhưng chẳng phải không có Thánh hiền!

4) Điều gì trong Bát Nhã Tâm Kinh là “chìa khoá” để thấy được sắc bất dị không hay sắc tức thị không?

  • Uẩn, chính là chiếc chìa khoá để thấy được sắc (thân) chẳng khác không. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều thấy như vậy.
  • Năm món: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tự bản chất của nó đồng với hư không, tức là nó chẳng phải pháp, cũng như hư không chẳng phải pháp. Khi người ta mê mờ năm món này, cho rằng mỗ̃i món có một giá trị nào đó, rồi tích chứa các giá trị hư ảo này vào tâm trí, sự tích chứa này, Phật Đạo gọi là “uẩn” hay “pháp”. “Uẩn” hay “pháp” chính là cái cớ sự gây nên mọi rắc rối cho chúng sinh!
  • Khi tâm trí tích chứa các giá trị không thật, năm món kia từ không trở thành “pháp có”, từ pháp có đó, người ta nắm giữ nó, gọi là “ngũ thủ uẩn”. Người tu hành, nắm được chiếc chìa khoá uẩn này, thôi không định đặt các giá trị hư ảo lên sắc thọ tưởng hành thức nữa, và cũng không nắm giữ các giá trị không thật này trong lòng, gọi là “bất thủ uẩn”. Bây giờ, năm món: sắc; thọ; tưởng; hành; thức, được trả về đúng bản chất thật của nó là “năm món không uẩn”. Tức là năm món này, giá trị đồng với giá trị của hư không. Kinh gọi sắc tức thị không hay sắc bất dị không.
  • Từ đâu có chiếc chìa khoá này? Ta có thể tưởng tượng: Bát Nhã Trí giống như người thợ làm chìa khoá. Anh thợ Bát Nhã này sản xuất ra vô lượng chiếc chìa khoá để giúp chúng sinh mở cửa Niết Bàn, chấm dứt phiền não. Sau khi làm ra những chiếc chìa khoá, Bát Nhã Trí đem từng chiếc trao cho chúng sanh, tuỳ duyên mà mở từng cửa giải thoát, gọi là Pháp Môn. Trong bài Bát Nhã Tâm Kinh, được Bát Nhã Trí trao cho đời sau chiếc “chìa khoá ngũ uẩn” để mở cánh cửa uẩn, sau khi cánh cửa uẩn được mở thành không uẩn, bây giờ người tu hành mới hết phiền não và thấy được rằng, sắc tức thị không. Nếu không có chiếc chìa khoá này, thì sắc uẩn không thể nào là không, và các thứ uẩn còn lại nhất định sẽ khác không.

5) Nếu không dùng chiếc chìa khoá “uẩn” để mở cửa. Có thể nào để nguyên sắc uẩn và các uẩn còn lại, chia chẻ, phân tích thành không được hay không và có đưa đến “độ nhất thiết khổ ách”?

  • Sẽ không bao giờ được, vì cho dù có chia chẻ sắc (thân) đến cuối cùng như lân hư trần, hoặc cho đến hư không, nhưng tâm thức không mất nó, tức uẩn (cái rắc rối) vẫn còn tích chứa trong tâm thức, thì phiền não nhất định sẽ còn. Cho nên, muốn “độ nhất thiết khổ ách”, phải làm cho uẩn mất đi, tức ngũ uẩn giai không mới độ nhất thiết khổ ách. Vì sắc thọ tưởng hành thức không uẩn, nên không có khổ hoạn, từ đó mới trực nhận rằng: “Bản chất của sắc tự chẳng khổ vui, giống như bản chất của hư không tự chẳng khổ vui”, gọi là sắc tức thị không hay sắc bất dị không!

Có một câu chuyện vui về Bát Nhã, xin kể để mọi người nghe chơi, giải sầu cái vụ sắc tức thị không! Một hôm, mình gặp một vị bằng hữu trẻ, bằng hữu này sau đó trở thành HĐ của chúng ta.

Vị bằng hữu hỏi: Thầy có thể giải thích dùm ý nghĩa của câu "sắc tức thị không” được không?

"Chú muốn giải thích điều gì trong đó"?, mình hỏi lại.

Hỏi: "Thầy có thể giải thích tại sao 'Sắc lại không' được không?

"Chú hiểu thế nào về câu này", mình hỏi?

Vị bằng hữu liền đem bình, bàn, lu, hủ, tô, tộ, bát, chén... chia chẻ từ lớn đến nhỏ, cho đến cực vi để buộc các món ấy trở về không!

Mình quay sang hỏi những người ngồi chung quanh: Bài kinh này có tên là gì? Mọi người đồng trả lời: “Bát Nhã Tâm Kinh”!

Lúc ấy, mình nói lớn với mọi người: Theo cách cắt nghĩa của anh bạn trẻ này, phải nấu nồi chè, đổi tên bài kinh thành “Bát Nhã Vật Kinh” mới đúng!

Sau đó, mình giảng giải thế nào là Tâm Kinh, khi hiểu được chữ Tâm Kinh, mình tiếp tục giảng nghĩa Uẩn, sau khi hiểu nghĩa Uẩn, mình giảng tiếp bản chất của sắc, sau khi thấy được bản chất của sắc, mình mới giảng ý nghĩa sắc tức thị không! Sau khi thấu hiểu ý nghĩa đích thực của đoạn kinh, anh bạn trẻ trở thành huynh đệ của chúng ta!

Mình cũng có hỏi thêm anh bạn một câu: Sắc thì bạn có thể chia chẻ để nó trở thành không, tạm chấp nhận được rồi. Còn thọ, tưởng, hành, thức chia chẻ bằng cách gì, chỉ cho mình biết với?

Vị huynh đệ đó!

(20-12-2015)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow